Sáng tạo từ thể loại bài viết đến ngôn từ; văn phong sắc sảo,
chắc chắn; đặc biệt là vốn hiểu biết xã hội vô cùng uyên thâm, bài Văn nghị
luận của thí sinh dự thi khối D tại Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội đã hoàn toàn
chính phục các giám khảo chấm thi.
Bài nghị luận dưới hình
thức viết thư
Chiều qua, hơn 20 giám khảo chấm thi môn Ngữ văn tại Trường ĐH
Công nghiệp Hà Nội đã chính thức hoàn tất trên 5.000 bài thi Ngữ văn.
Giám khảo Ngô Thu Hương - giáo viên Trường THPT Tân Lập (Hà Nội) -
cho biết, với văn phong vô cùng thuyết phục ở câu nghị luận, bài văn của một
thí sinh đã được đọc lên trước cả hội đồng chấm thi.
“Câu 2 đề thi Văn khối D năm nay yêu cầu thí sinh bày tỏ thái độ
và chủ kiến của mình về ý kiến “Cống hiến hết mình, hưởng thụ tối đa” là phương
châm sống tích cực của con người hiện đại, luôn phù hợp với mọi hoàn cảnh.
Ấn tượng đầu tiên khi đọc bài văn này là hình thức viết thư được
thí sinh này vận dụng sáng tạo. Những quan điểm về hưởng thụ và cống hiến được
khéo léo lồng vào lời thư của người em viết cho chị, rất nhẹ nhàng, sâu sắc và
vô cùng thuyết phục, đi vào lòng người” - cô Ngô Thu Hương cho biết.
Giám
khảo chấm kiểm tra tại Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội.
Một số giám khảo khác cũng dùng những lời “có cánh” đánh giá về
bài văn này. Có giám khảo ngạc nhiên về độ chững chạc của bài viết cũng như vốn
sống, kiến thức đáng ngạc nhiên đối với một học sinh hết lớp 12 khi thí sinh
này có liên hệ cả thời kỳ bao cấp, khoán 10…; giáo sư Ngô Bảo Châu cũng hiện
diện trong bài viết như là một ví dụ điển hình của sự “cống hiến”…
Cách hiểu về “cống hiến”, “hưởng thụ” cũng được đề cập đến trong
bài văn với một cái nhìn đa chiều.
“Tuy nhiên, hơi tiếc là phần bình luận của bài văn còn chưa đề cập
một cách thực sự toàn diện nên điểm cho thí sinh này ở bài nghị luận chỉ là
2,73 trên 3 điểm. Điểm cuối cùng của cả bài văn này đạt 8,25, cũng là điểm Văn
cao nhất toàn trường” - Cô Hương cho hay.
Kết quả thi thể hiện rõ
tính phân loại
Cô Ngô Thu Hương và một số giám khảo chấm thi môn Văn của Trường
ĐH Công nghiệp Hà Nội cùng chung nhận định: Chưa năm nào, bài làm của thí sinh
lại có tính phân loại rõ như năm nay.
Một phần do tính phân loại từ đề thi, mặt khác, hướng dẫn chấm
cũng rất mở.
Cụ thể, năm nay, hướng dẫn chấm của Bộ GD&ĐT ghi rõ: Đây là
đáp án mở, thang điểm không quy định điểm chi tiết đối với từng ý nhỏ, chỉ nêu
mức điểm của các phần nội dung lớn nhất thiết phải có;
Chỉ cho điểm tối đa theo thang điểm đối với những bài viết đáp ứng
đầy đủ các yêu cầu đã nêu ở mỗi câu, đồng thời phải được triển khai chặt chẽ,
diễn đạt lưu loát, có cảm xúc.
Khuyến khích những bài viết có sáng tạo. Chấp nhận bài viết không
giống đáp án, những ý ngoài đáp án, nhưng phải có căn cứ xác đáng và lí lẽ
thuyết phục.
Không cho điểm cao đối với những bài chỉ nêu chung chung, sáo
rỗng; cần trừ điểm đối với những lỗi về hành văn, ngữ pháp và chính tả.
Theo cô Huơng, nếu năm trước chấm Văn tại trường này, để tìm một
điểm 7 vô cùng khó khăn, thì năm nay, trong số trên 5.000 bài thi đã có khoảng
từ 15 đến 20 điểm 8. Điểm thấp nhất là 0,25 - bài thi này thí sinh gần như bỏ
trống; số lượng bài dưới trung bình không nhiều. Phổ điểm chủ yếu rơi vào
khoảng từ 5 đến 6 điểm.
Không giống với môn Văn, với số lượng gần 35.000 bài thi môn Toán,
70 giám khảo chấm thi của Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội phải mất đến gần 20
ngày.
Đến sáng 17/7, một phần năm số bài thi đã hoàn thành và điểm cao
nhất ghi nhận được đến thời điểm đó là 8,5 điểm và chưa xuất hiện điểm liệt.
Sơ bộ từ lượng bài thi đã chấm, điểm thi cao hơn năm trước. Điểm
chiếm số lượng lớn nhất là từ 5 đến 7 điểm.
Các giám khảo chấm thi môn Toán tại trường này cho biết, công việc
chấm thi với môn Toán có phần mệt hơn Văn vì bài có nhiều ý lắt nhắt. Với mỗi
bài thi, giám khảo phải tích đến 40 lần, tương đương với 40 ý, mỗi ý 0,25 điểm.
Nếu không tập trung, giám khảo dễ nhầm lẫn, dẫn đến sai sót.
Những
bài văn “độc”
Cô Ngô Thu Hương cho biết, dù
không nhiều nhưng năm nay vẫn có những bài làm rất "ngộ".
Ví như để diễn đạt sự “cống hiến”
trong câu văn nghị luận, có thí sinh đưa ra ví dụ, đại ý: Học sinh là ong, cô
giáo là hoa, học sinh sẽ hút hết nhụy của hoa…
Có thí sinh sau khi giải thích
xong ý nghĩa của từ “rì rầm” (bài đọc hiểu câu 1 - đề văn khối D) đã xúc cảm
làm hẳn một bài thơ dài hàng trang giấy thể hiện tình cảm với các chiến sĩ
ngoài hải đảo.
“Bài thơ không đến nỗi nào, dồi
dào cảm xúc, chứng tỏ học sinh có tình cảm rất thật. Rất tiếc nội dung này
không ăn nhập với yêu cầu đề bài” – cô Hương kể.
Có học sinh không làm được bài đã
kỳ công làm hẳn một bài thơ dài với đại ý: Mong các thầy cô thông cảm vì bản
thân không có kiến thức, đi thi chỉ vì mong muốn của cha mẹ.
Cô Hương cũng nhớ lại, vài năm
trước mình đã từng gặp trường hợp thí sinh không làm được bài đã chép đi chép
lại kín 3 tờ giấy thi chỉ một dòng chữ: “Xà nu là một cây vô tri, xà nu là
một cây vô giác”.
|
Theo Hiếu Nguyễn ( Báo Giáo
dục & Thời đại)