Những câu hỏi cần giải đáp khi làm việc nhóm 07/11/2012 09:30:30

Để “tóm gọn” những bài tập làm việc nhóm, bạn chỉ cần trả lời hoàn chỉnh và ngắn gọn những câu hỏi dưới đây.

Bài vở nhóm, điểm số của ai?

Nhiều bạn cho rằng bài tập nhóm là công việc chung của cả đội. Điểm số sẽ được san đều nên “những người kia” sẽ gắng công hoàn thành phần của họ, cộng thêm cả phần của những người khác (cụ thể là của bạn). Điều đó có thể đúng. Nhưng sẽ thế nào nếu tất cả các thành viên trong nhóm đều có chung suy nghĩ như vậy. 

Hơn nữa, hiện nay các thầy cô giáo đều có cách đánh giá sự tham gia của từng thành viên một cách rất công bằng. Nhiệm vụ được chia đều cụ thể, hoặc ở buổi báo cáo, các thầy cô sẽ đưa cho mỗi thành viên một hoặc một vài câu hỏi kiểm tra xem bạn có thực sự tìm hiểu thông tin không. Đừng khiến chính bản thân mình xấu hổ khi trong bản báo cáo ghi rõ bạn chăm chỉ và hoàn thành tốt nhiệm vụ tìm hiểu bài vở nhưng khi thầy hỏi đến thì... tắc tị cả ngày trời.

Những câu hỏi cần giải đáp khi làm việc nhóm 1

Bạn có thể làm giúp phần việc của người khác cả đời được không?

Trong nhóm có một “siêu lười chính hiệu”, luôn tìm cách thoái thác công việc và đổ thừa chúng lên vai người khác. Dù là trưởng nhóm hay không, bạn cũng ít nhiều lo ngại cho thành tích chung của cả đội nên... tình nguyện đứng ra gánh vác thay và cho người đó... nghỉ ngơi dài hạn. Đồng ý rằng bạn có thể giúp người đó lần này. Nhưng liệu bạn có thể giúp người đó cả đời, hoặc ít nhất là làm thay họ trong tất cả những bài tập nhóm sau này không? Hãy thẳng thắn trao đổi, kín đáo thúc ép người đó làm việc. Có thể chưa thực sự hiệu quả như mong đợi, nhưng bạn có thể “kèm cặp” chỉ dẫn thêm. Quan trọng nhất vẫn là để mọi thành viên trong nhóm phải tham gia, thực sự tham gia chứ không chỉ là có tên trong danh sách nhóm.

Chia sẻ để nhận được sẻ chia, bạn thích không?

Thầy giáo tớ, người đã từng có nhiều năm học tập và giảng dạy bên Mỹ có chia sẻ rằng một trong những điểm yếu của học sinh, sinh viên Việt Nam khi làm bài tập nhóm là luôn... giấu kiến thức mình biết. Họ nghĩ rằng điều đó có thể khiến họ trở nên thông minh và tài giỏi hơn người khác. Bởi họ có thể “im ỉm” và hấp thụ kiến thức người khác chia sẻ trong khi vẫn ôm khư khư bí mật của riêng mình. 

Những câu hỏi cần giải đáp khi làm việc nhóm 2

Sự thật thì không ai có thể cho không ai cái gì. Bạn có thể “im ỉm” một lần nhưng sự im ỉm cả tỉ lần của bạn sẽ khiến những người bạn khác trong nhóm chán ngán và... tẩy chay bạn. Tại sao ư? Bạn có muốn làm việc cùng một người luôn nói không biết gì hết, hoặc im lặng, nhưng bài kiểm tra lại làm rất tốt và điểm rất cao?

Hãy nhớ, cuộc sống luôn công bằng, bởi thế, hãy chia sẻ để nhận được sẻ chia! Đây cũng là một cách để bạn kiểm chứng những thứ đã có trong đầu mình để biết nó đúng hay sai đấy nhé!

Bạn có tài giỏi không?

Đừng bao giờ nói “Không” với câu hỏi này. Tại sao nhỉ? Tự ti, hay nói cách khác là khiêm tốn quá đà luôn là vật cản đối với các bạn học sinh, sinh viên tụi mình trong việc trao đổi, tranh luận và làm việc nhóm với người khác. Ai cũng cho rằng ý kiến của mình sai, không đáng bàn nên không chủ động đưa ra ý kiến. 

Điều đó không những không khiến bài vở của cả đội tiến bộ hơn mà còn kéo lùi sự phát triển, trưởng thành của bạn và cả những thành viên khác. Bạn không thể giỏi toàn diện, nhưng một khi bạn yếu ở điểm này, bạn chắc chắn sẽ giỏi ở điểm khác. Hãy tận dụng tối đa điểm mạnh đó để giúp nhóm mình tiến lên. Vì “im lặng hay là... điểm thấp!”
Theo Kenh14.vn