Tâm sự ứa nước mắt của cô sinh viên về quê sau trận bão 06/11/2012 11:08:45

"Tôi nghe bà kể, một bà cụ người Giao Thủy không thể chống đỡ được cơn cường bão này... Là cơn bão đưa bà đi hay cuộc đời lạnh nhạt đẩy bà vào cái chết thảm thương…".

Không như những ngày bình thường khác ở bến xe xô bồ bậc nhất Hà Nội này, Giáp Bát chiều nay thật vắng vẻ. Bởi những xe về Nam Định, Hải Phòng, Thái Bình… thưa thớt hơn vì bão. Ngồi chờ dưới cái nắng bụi lòng khắc khoải không yên. Tôi nuôi hi vọng có một cái xe nào đó từ Hải Hậu - Nam Định lên để cho những người con đang một lòng hướng về quê hương… được trở về nhà.

Xe chật chội vì đơn giản nó là duy nhất suốt hai tiếng đồng hồ chờ đợi của nhiều người. Người già, người trẻ phải đứng suốt cả chặng đường 140 cây số như một lẽ thường và họ rôm rả nói về cơn bão quê mình mà quên đi đôi chân mỏi rời từ lâu. Những hình ảnh tàn dư sau cơn bão ngày càng rõ nét trên con đường trở về…

Hoàng hôn buông xuống qua khung cửa khiến tim tôi thắt lại. Qua cây cầu Lạc Quần, một biển lúa trắng xóa sau rặng phi lao đổ nghiêng ngả. Cánh đồng “thẳng cánh cò bay” đáng tự hào bao đời nay của dân quê tôi và cũng là miếng cơm manh áo của người dân đất gạo đã ngập tràn trong nước.

Nắng đã phủ trên đất quê hương dù ngay trước đó là gió xoáy, đổ nát và cuốn trôi. Hoàng hôn đỏ rực khuất dần sau đám mây xám xịt, kết thúc một ngày sau bão. Tôi bước xuống xe mà không ai biết để ra đón như những lần về quê. Hệ thống viễn thông liên lạc đã cắt hẳn vì hậu quả của cơn bão kinh hoàng. Đôi chân nặng nề khi thấy những hình ảnh hai bên đường. Mấy đứa trẻ con ngây ngô cầm con dao phay to ra sức chặt cây đổ vác về cho mẹ lấy làm củi. Nhà nhà hì hụi sửa nhà, lợp tạm lại mái tôn, lắp lại biển hiệu, che chắn gió lùa… Những hàng cây ngày xưa che bóng mát thời chúng tôi đạp xe tới trường giờ chỉ còn trơ lại gốc trụi. Vài cây rau non xót lại ven đường…

Tâm sự ứa nước mắt của cô sinh viên về quê sau trận bão 1
Người dân Hải Hậu lợp lại nhà sau cơn bão vừa qua (ảnh Nguyễn Khánh).

Trăng rằm sáng thật đẹp mà sao lạnh lẽo đến lạ. Ánh trăng soi đường tôi đi. Cả vùng đã chìm trong bóng tối, không một bóng đèn điện. Bước vào cổng làng, hai hàng cau vẫn xanh rì, lá xác xơ theo gió. Cổng nhà im lìm, ánh nến trong nhà hắt ra. Tối hôm đó, dưới ánh trăng vẫn có một bữa tiệc sinh nhật nho nhỏ mà cũng tưng bừng lắm…

Gối vào lòng bà nội, nghe bà kể về những khó khăn mà dân mình đang chịu, tôi ngậm ngùi. Hàng nghìn người dân quê không ai biết thông tin đất mình là tâm bão. Nhớ năm ngoái, có thông báo bão đổ bộ quê ta, nhà nhà thực hành chống bão, che chắn khắp nhà. 

Năm nay, thông tin ban đầu bão chỉ ảnh hưởng và gió giật cấp nhẹ mà cả làng, cả huyện biết đâu chữ ngờ. 4 giờ chiều bắt đầu gió lớn cũng là lúc mất điện, mọi thông tin liên lạc mờ mịt. Mọi người loay hoay, bàng hoàng tự an ủi nhau “chỉ là ảnh hưởng thôi mà, không lo đâu”. Gió giật lên cấp 13, 14 và trong suốt hàng giờ đồng hồ liên tục, cơn bão đã cuốn đi cơ ngơi của hàng nghìn gia đình… Tới tận bây giờ, điện mất, không sự liên lạc, có người vẫn ngẩn ngơ: “ Bão ảnh hưởng quê ta gì mà khủng khiếp cỡ này?”…

Tôi nghe bà kể, một bà cụ người Giao Thủy không thể chống đỡ được cơn cường bão này. Bà ra đi mà vẫn cố vươn mình đỡ mái nhà đã cũ từ bao đời. Mà bà cũng đâu có mái nhà thực sự, một người già neo đơn sống bằng tiền trợ cấp hộ nghèo của nhà nước. Là cơn bão đưa bà đi hay cuộc đời lạnh nhạt, anh em xa lạ với bà đẩy bà vào cái chết thảm như một lẽ tất yếu…

Rồi chú Toán xã Hải Đường cũng theo dòng nước cuốn mà trôi khỏi cuộc đời. Giờ đây, nước mắt lại rơi vào gia đình chú. Chú không rõ thông tin ư? Chú không kịp vào bờ ư? Dấu chấm hỏi to đùng cho công tác dự báo thời tiết không phải đây là lần đầu. 

Ở quê, người dân không trách những người đã và đang ngày đêm lo dự báo khí tượng thủy văn cho đất nước có thời tiết thất thường này. Chỉ mong một điều, hệ thống kĩ thuật dự báo thời tiết cần tân tiến và hiện đại hơn để chuẩn xác và kịp thời hơn. Sau cơn bão, người dân, đặc biệt là nông dân và ngư dân chịu thiệt hại nhất chứ chẳng phải ai khác.Với họ, để có được một cuộc sống đủ no bên biển, bên ruộng đồng không phải dễ.

Người dân truyền miệng nhau nghe về tháp truyền hình ở Nam Định đổ rồi. Dân cười khẩy: “Làm ăn thiếu trách nhiệm thì bảo sao chả đổ”; “Không biết nhiều bão lắm sao mà không dự trù cho cẩn thận”; rồi “Trên đó gió giật còn nhẹ hơn ở ta mà công trình mới xây 2, 3 năm đã đổ rồi à?”… Rốt cuộc thì hàng chục cột thu phát sóng, tuyến cáp quang, những công trình lớn nhỏ được trùng tu lại cũng móc từ túi rách của dân ra mà thôi…

Chú lái xe cạnh nhà ức mà than vãn: “Đi xe khách cả đêm lẫn ngày, nghe bão chỉ ảnh hưởng nên yên tâm đi xe. Ngày trở về thì nhà cửa tan nát!”. Cô bán gạo chẳng vừa: “Cả mái nhà lật tung trong đêm làm sao thân gái này xoay kịp hả ông trời? Cả kho gạo ướt hết rồi, tôi bán cho ai?”, “ Người nông dân cả năm có hai vụ thu hoạch, thu tiền về. Ông trời quét hết đi, thì dân sống bằng gì?”…

Bước trên bờ đê đã đổ dài khắp bờ biển, phóng mắt nhìn ra xa một màu trắng xóa của cánh đồng muối. Dân làm muối cả năm kiếm được vài chục triệu, đến khi thu hoạch thì… mất trắng. Cuộc đời họ đã mặn chát vì muối biển nay lại mặn đắng vì nước mắt rơi vô vọng. 

Một con tôm nhảy tách lên đường đầy bụi. Nó theo dòng nước cuốn từ ao nuôi của ngư dân nào đó. Những người dân đã thiệt hại hàng tỷ đồng, đầu tư cả cơ ngơi vào ao cá tôm rồi trôi theo dòng nước sau một đêm bão quét. Hỏi sẽ sống sao đây? Chỉ có dân phải chịu!

Trở về với phiên chợ sáng cùng bà nội. Em tôi đã đi thi giữa kì ở trường. Dù trước đó, tụi nhỏ phải đi lao động thu dọn trường tan hoang sau bão, dù nước mắt chúng nó rơi lã chã vì hàng cây bên ghế đá bao kỉ niệm đã đổ hết, hay cả đêm học bài dưới ánh nến và đi sách nước về sinh hoạt thì nhiệm vụ của chúng vẫn là… học và thi! Chúng sẽ trưởng thành hơn sau cả mấy tuần cắt điện này chăng? 

Chợ thưa thớt. Mấy cọng rau non ngóc lên và rẻ mạt thấm mồ hôi nhọc nhằn của bác bán rau với hai quang gánh hay gánh nặng cuộc đời. Cô bán mía vuốt nước mắt bán vội đống mía đổ. Mất điện, tương đương với mất nước, nhiều rất nhiều sinh hoạt khác bị hạn chế. Ngay cả một bữa cơm bình thường mà hai bà cháu cũng phải chạy đi xách nước về nấu nướng.

Lên đường với nhiệm vụ học tập của môt sinh viên, tôi chia tay gia đình. Chỉ thấy bóng bà vẫy tay chào mà lòng tôi quặn thắt. Bà đã 87 qua và cũng đã bao cái vẫy tay như thế…

Trở lại với thủ đô. Quê tôi cứ xa dần sau ô cửa xe.

Hoàng hôn buông xuống…

Giáp Bát lại đông như ngày nào…
(nguồn: Theo VTC)