Bạn không khôn ngoan, không sắc sảo, không giàu có và không quyến rũ. Khi ngồi so sánh giữa ước mơ vĩ đại của bản thân và mức độ khó nhằn của nó, bạn thấy… hãi hùng.
Nhưng người đời có câu “lớn thuyền, lớn sóng.” Nếu đã biết phải vượt sóng cả, sao không đơn giản là đóng một con thuyền đủ lớn? Bài viết này chia sẻ kinh nghiệm “đóng thuyền” của một giảng viên trẻ.
Những năm mới ra trường, tôi lâm vào một cuộc khủng hoảng về ước mơ. Tôi không biết phải làm gì cho phù hợp với năng lực của bản thân nên thử nghiệm nhiều thứ, và thứ nào tôi cũng làm được chứ không xuất sắc. Điều duy nhất tôi không thử chính là điều tôi muốn làm nhất, song cảm thấy ngoài tầm với của mình: trở thành một nhà nghiên cứu về truyền thông với những công trình xuất bản trên các tạp chí trong và ngoài nước!
Hòn đảo trong lọ ước mơ
Vào thời điểm đó, tôi chỉ có một ít tiền lương, một ít vốn liếng tiếng Anh đủ để đọc báo có kèm… tra từ điển, một số kinh nghiệm vụn vặt trong lĩnh vực báo chí cùng với rất nhiều “đổ vỡ, tan nát” của tuổi mới lớn và thiếu tự tin trầm trọng. Năng lực lúc đó hoàn toàn không đủ để tôi theo đuổi giấc mơ của mình, vốn đòi hỏi một tinh thần thép, quá trình đào tạo chuyên sâu sau đại học, kinh nghiệm nghiên cứu, và trình độ tiếng Anh.
Sau rất nhiều ngày chán nản, tôi sực nhớ đến lời dặn dò của thầy Trưởng bộ môn Báo chí trường Đại học KHXH & NV TP.HCM. Ngày ra trường, thầy bảo tôi hãy đi làm báo ít năm rồi nếu thích thì quay về trường làm nghiên cứu viên, tiếp nối niềm đam mê mà các thầy cô trong bộ môn đã gầy dựng cho tôi qua 4 năm tham gia nghiên cứu khoa học sinh viên ở trường. Thế là tôi nói chuyện với thầy và sau đó thì được kí hợp đồng làm trợ giảng ở Khoa Báo chí và Truyền thông mới thành lập. Đó là quyết định đầu tiên và quan trọng nhất cho việc theo đuổi giấc mơ sau này của tôi.
Không đủ thì làm cho nó đủ
Chấp nhận một mức lương thấp đến không thể tưởng tượng được, chấp nhận làm những việc linh tinh không thể gọi tên được, tôi đã có 3 năm miệt mài đọc các tài liệu chuyên ngành bằng tiếng Anh, tham gia công tác tổ chức các hội thảo chuyên môn cũng như đón tiếp các giáo sư nước ngoài, tham gia nghiên cứu và giảng dạy truyền thông, và săn lùng các học bổng đào tạo sau đại học. Trong 3 năm đó, tôi đã dành phần lớn tiền lương để... thi tất cả các chứng chỉ như TOEFL nội bộ, TOEFL, IELTS… Hiềm nỗi, tinh thần của tôi thì vẫn không “thép” được như tôi muốn. Điều đó gây trở ngại rất lớn trong quá trình phỏng vấn xin học bổng. Các tổ chức cung cấp học bổng luôn muốn tìm kiếm những ứng viên trưởng thành về mặt cảm xúc. Tôi thất bại trong nhiều cuộc phỏng vấn trực tiếp, vì luôn thể hiện ra bên ngoài là một “người trẻ lâu”, nhiều âu lo, kém tự tin và thiếu bản lĩnh. Bản chất đó của tôi không dễ gì thay đổi, dù tôi đã cố gắng cải thiện thông qua quá trình làm việc. Về sau, tôi thừa nhận nó như một phần của con người mình, và khéo léo lái sự chú ý của những người phỏng vấn sang những mặt tôi tự tin hơn. Nhưng điều đó không có nghĩa là tôi không ý thức về một lỗ thủng rất lớn của bản thân...
Con thuyền có thể vỡ vì lỗ thủng trám vội
Năm 2010, sau rất nhiều nỗ lực, tôi cũng kiếm được một học bổng để sang Mỹ du học chuyên ngành Quản trị truyền thông mà tôi vốn yêu thích. Không phàn nàn gì nữa, giờ đây tôi đã được học với các giáo sư đầu ngành trong lĩnh vực nghiên cứu truyền thông, và đặc biệt là nghiên cứu nghệ thuật quản trị truyền thông.
Đến đây thì câu thành ngữ “lớn thuyền, lớn sóng” vận vào đời tôi,việc học khó khăn hơn tôi tưởng. So với bạn bè là chuyên gia truyền thông người bản xứ, tiếng Anh và kinh nghiệm của tôi chỉ là một đứa trẻ! Học hành trầy trật, cộng với tinh thần “không được thép cho lắm”, tôi rơi vào khủng hoảng suốt cả năm đầu. Cái lỗ thủng về mặt bản lĩnh cá nhân ấy làm hại tôi ghê gớm.Thay vì làm thân với bạn bè người bản xứ, tôi giấu dốt bằng cách tránh mặt họ và chỉ mở lòng với những ai mở rộng vòng tay trước. Tôi mất bình tĩnh đến mức khi hội đồng chấm tốt nghiệp hỏi tôi có dự định học tiếp lên tiến sĩ không, tôi đã trả lời “không” và cứ khăng khăng muốn học thêm một năm thạc sĩ nữa “cho chắc”.
Chính vì câu trả lời ngốc nghếch ấy mà tôi được ở lại Mỹ học thêm một năm nữa, cũng trình độ thạc sĩ, nhưng nhà trường yêu cầu làm trợ giảng để kiếm tiền trả học phí. Bây giờ nghĩ lại thì thấy giống như là học đúp ấy.
Đóng lại một con thuyền mới
Lấy hai bằng thạc sĩ, tôi tự tin hơn và xin học tiếp tiến sĩ, nhưng thật éo le, lần này thì giáo sư của tôi lại khuyên nên quay về nước làm việc một thời gian. Ông nghĩ tôi cần cọ xát nhiều hơn với môi trường thực tế ở trong nước, là địa bàn mà tôi sẽ nghiên cứu sau này. Ẩn sâu dưới lời khuyên đó là một cái nhìn ái ngại ông dành cho tôi - 2 năm học tập gian khổ đã khiến sức khỏe của tôi suy sụp, và vì quá căng thẳng nên tư duy của tôi trở nên kém linh hoạt. Tôi cần được nghỉ ngơi, và chuẩn bị tốt hơn trước khi bước vào quá trình làm tiến sĩ.
Một năm sau, tôi bất ngờ nhận được thư mời nhập học tiến sĩ từ trường cũ. Mọi thứ lại bắt đầu. Sóng lớn lại kéo đến, và tôi lại phải đóng thuyền ra khơi. Hiện tại, tôi đang ngồi tìm hiểu các yêu cầu của nhà trường và rà soát lại năng lực của bản thân. 1 năm qua, tôi đã làm nhiều thứ để cải thiện năng lực của mình - chỉnh sửa lại các nghiên cứu, nâng cao năng lực ngoại ngữ, và quan trọng nhất, thay đổi thái độ sống, rèn luyện sự tự tin qua giao tiếp. Con thuyền mới của tôi không chắc sẽ vượt được đợt sóng sắp tới, nhưng tôi biết mình đã đóng nó chắc chắn hơn trước nhiều rồi.ư
(Theo: Mực tím)