Liên quan đến sự việc 18 bác sĩ bị phơi nhiễm HIV sau khi cấp cứu một ca bệnh đặc biệt tại Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, sáng 9/7 phóng viên đã có mặt tại Bệnh viện này và trực tiếp gặp các bác sĩ đã trực tiếp phẫu thuật và cấp cứu cho bệnh nhân bị nhiễm HIV.
Chia sẻ với phóng viên BS Nguyễn Nhật Hoan, người trực tiếp hồi sức cho bệnh nhân nhiễm HIV bằng tay không chia sẻ: “Khi đó bệnh nhân vào viện đã quá nặng, các bác sĩ đặc biệt là bác sĩ hồi sức như chúng tôi không kịp đeo găng, đội mũ, đeo khẩu trang vì bệnh nhân đã ngừng tim, nên phải cấp cứu khẩn cấp. Lúc đó, chúng tôi không còn đủ thời gian để bảo vệ mình”.
Theo BS Hoan, sau khi hồi sức, tim bệnh nhân đập lại, chúng tôi vẫn không hề hay biết bệnh nhân bị nhiễm HIV. “Chúng tôi chỉ biết bệnh nhân bị HIV sau khi có kết quả test. Khi biết tin trên tôi cũng khá bất ngờ vì không ít bác sĩ tay không cấp cứu hồi sức cho bệnh nhân, thậm chí có bác sĩ tay còn đỏ máu sau khi cấp cứu xong.
Trong quá trình làm việc tại viện, chúng tôi phải cấp cứu cho không ít bệnh nhân nhiễm HIV, nhưng đây là ca bệnh đặc biệt, bệnh nhân rất nặng và việc không có sự dự phòng để cấp cứu và mổ cho một bệnh nhân HIV, thì đây là trường hợp đầu tiên tại viện”.
Nói về nguy cơ lây nhiễm HIV cao nhất trong quá trình cấp cứu cho bệnh nhân, BS Hoan cho biết: “Khi cấp cứu hồi sức cho bệnh nhân, giai đoạn lấy ven máu cho bệnh nhân là có nguy cơ cao nhất, đây là lúc bác sĩ trực tiếp tiếp xúc với máu tươi của bệnh nhân”
BS Hoan cho biết, sau khi có thông tin về việc bệnh nhân nhiễm HIV, lãnh đạo bệnh viện đã làm hô sơ và cho uống thuốc kháng virus HIV dự phòng. Hiện tại, chúng tôi vẫn đang phải uống hàng ngày, mỗi ngày 2 lần.
Về bàn thân mình, BS Hoan tâm sự: “Sau khi sự việc xảy ra, gia đình tôi cũng việc chuyện. Tuy nhiên, tôi không có gì lo lắng cả, bởi dù là trực tiếp hổi sức cho bệnh nhân bằng tay không, nhưng chỉ những trường hợp tay chân xước, sát mới có nguy cơ lây nhiễm cao.
Tất nhiên, cho tới thời điểm hiện tại khi chưa có kết quả xét nghiệm cuối cùng trong một số dinh hoạt gia đình cũng có xáo trộn nhất định, nhưng gia đình tôi hoàn toàn chia sẻ và động viên, vì đó là nghề của chúng tôi: cứu người”.
Cùng trong ca cấp cứu này, BS Lương Quốc Khải – Trưởng khoa Đẻ (BV Phụ sản Hà Nội), người trực tiếp phẫu thuật cho bệnh nhân cho biết: “Bản thân tôi trực tiếp phẫu thuật cho bệnh nhân, tuy nhiên tôi lại không hề lo lắng về việc nhiễm HIV hay không. Quan trọng nhất là mình đã cứu được bệnh nhân”.
Theo BS Khải: “Sau khi biết thông tin, gia đình đặc biệt là vợ (làm cùng nghề y tế) rất chia sẻ với tôi. Hiện tại, tôi chỉ lo cho các bác sĩ trẻ vì tâm lý họ chưa vững vàng, chưa va chạm những ca bệnh như thế này và cả gia đình họ nữa”.
BS Khải đang thăm khám, dặn dò bệnh nhân trước khi ra viện.
Chia sẻ với phóng viên, BS Khải cho biết: “Nếu bây giờ gặp một trường hợp tương tự tôi vẫn tiến hành cấp cứu, mổ bình thường mà không hề lo sợ hay kỳ thị. Nếu có một chút kỳ thị bệnh nhân thì tôi đã không phải là bác sĩ”.
Trước đó, ngày 4/7, chị N.T.H cùng con trai 12 tuổi đi ô tô khách từ Quảng Ninh (nơi chị đang sống cùng nhà chồng) về Hương Sơn, Mỹ Đức (Hà Nội) thăm quê ngoại. Đi tới đoạn Phố Nối, Hưng Yên, chị thấy có hiện tượng xuất huyết âm đạo và bị ngất xỉu.
Con trai chị vội gọi điện báo cho cô ruột của cháu đang làm tại Hà Nội. Khi xe khách tới Hà Nội, chị được con và em chồng đưa ngay vào phòng Cấp cứu của Bệnh viện Phụ sản Hà Nội.
Theo chia sẻ của người nhà bệnh nhân, khi vào viện, bệnh nhân H. đã ngất lịm, người xanh tái, không biết gì, máu từ đường âm đạo chảy ra xối xả, ướt đẫm quần áo.