Cục khảo thí
và Kiểm định chất lượng (Bộ GD-ĐT) cho biết, theo báo cáo của 46 đơn vị cho cả
giáo dục THPT và GDTX, tỷ lệ tốt nghiệp với hệ Giáo dục THPT là 99,01%, với hệ
GDTX là 86,977%, con số này nhìn chung không có biến động nhiều so với năm
2013.
Mặc dù mới chỉ là con số sơ bộ của 46
tỉnh, thành cả nước, tuy nhiên qua đây có thể thấy bước đầu tỷ lệ đỗ tốt nghiệp
hệ THPT tăng gần cán đích 100%, hệ Giáo dục thường xuyên (GDTX) đột biến khi
tăng gần 9% so với năm 2013.
Thí sinh tại
hội đồng thi THPT Kim Liên (quận Đống Đa, Hà Nội) bàn luận sau buổi thi Địa lý,
kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2014. (Ảnh: Hoàng Mạnh)
Theo đánh giá của Cục khảo thí và Kiểm định chất lượng
(Bộ GD-ĐT), kết quả này phản ánh
những điều chỉnh, đổi mới của kỳ thi năm nay đã có tác động tích cực, nâng cao
chất lượng đánh giá công nhận tốt nghiệp THPT. Cụ thể, học sinh thi 4 môn gồm 2
môn bắt buộc (Toán, Ngữ văn) và 2 môn do thí sinh tự chọn trong số các môn Vật
lí, Hóa học, Sinh học, Lịch sử, Địa lí, Ngoại ngữ. Điều này vừa giảm áp lực thi
cử, vừa phát huy năng lực, sở trường và định hướng nghề nghiệp của các em học
sinh;
Kết hợp sử dụng kết quả thi 4 môn thi với kết quả học tập tất cả các môn của
lớp 12 để xét công nhận và xếp loại tốt nghiệp. Theo
đó, có 4 môn được đánh giá thông qua kỳ thi cấp quốc gia (kỳ thi tốt nghiệp
THPT), các môn còn lại được đánh giá ở cấp trường; Chủ trương này chính là thực
hiện nguyên tắc “Học gì thi nấy, học môn nào thi môn nấy”, khắc phục hiện tượng
học lệch. Đây chính là yếu tố tạo yêu cầu, động lực để học sinh học toàn diện
hơn, học đều các môn hơn, từng bước đáp ứng mục tiêu giáo dục toàn diện; Kết
quả học tập của học sinh được ghi nhận một cách toàn diện và liên tục hơn, học
sinh tránh được những rủi ro có thể xảy ra trong kỳ thi;
Đề thi năm nay có yêu cầu cao hơn các năm trước, tăng
cường các câu hỏi đòi hỏi học sinh vận dụng kiến thức tổng hợp để giải quyết
vấn đề chứ không nặng về ghi nhớ máy móc các số liệu, sự kiện hay trả lời theo
các khuôn mẫu có sẵn. Đề thi môn Ngữ văn có phần đọc hiểu và làm văn, đề thi
môn Ngoại ngữ có phần viết và trắc nghiệm. Đề thi
các môn Ngữ văn, Lịch sử, Địa lí đã gắn với thực tiễn đời sống chính trị xã hội
và yêu cầu kiến thức liên bộ môn. Phần đọc hiểu trong đề thi môn Ngữ văn sử
dụng ngữ liệu ngoài sách giáo khoa; đề thi các môn Ngữ văn, Lịch sử và Địa lí
có câu hỏi gắn với nội dung bảo vệ chủ quyền, biển đảo, cập nhật được những vấn
đề thời sự đang được dư luận trong nước và quốc tế quan tâm, có ý nghĩa giáo
dục lòng yêu nước, tinh thần dân tộc, ý thức trách nhiệm công dân; đồng thời
phát huy tính tích cực, độc lập, chủ động, sáng tạo của thí sinh; Do đó, điểm
thi năm nay phản ánh sát hơn năng lực của học sinh.
Như vậy, chủ trương nâng cao chất lượng đề thi của Bộ đã
đặt ra yêu cầu nhà trường và học sinh phải nỗ lực cố gắng dẫn đến kết quả dạy
học được nâng lên. Kết quả này
cũng là tiền đề để tiếp tục đổi mới thi theo hướng tiếp cận đánh giá năng lực
của học sinh những năm tới.
Đổi mới kỳ thi có tác động đến việc dạy và học
Mặc dù tỷ lệ đỗ tốt nghiệp gần 100% và theo quan điểm của
nhiều người là tổ chức kì thi là không còn cần thiết vì lãng phí do chỉ loại bỏ
được vài thí sinh nhưng Cục khảo thí và Kiểm định chất lượng Bộ GD-ĐT vẫn cho
rằng, những đổi mới của kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2014 đã có tác động tích cực
đến hoạt động dạy và học trong trường phổ thông. Nó được thể hiện trên một số
phương diện chính như: Đối với giáo viên, kỳ thi đã làm thay đổi nhận thức về
dạy học, thi, kiểm tra đánh giá; Việc đổi mới đề thi theo định hướng đánh giá
năng lực, cũng như việc chấm bài theo hướng mở đã đặt ra yêu cầu đối với mỗi
giáo viên phải đổi mới phương pháp giảng dạy, phương pháp kiểm tra, đánh giá
một cách thực chất hơn. Giáo viên phải tự bồi dưỡng, tham gia bồi dưỡng nâng
cao dần năng lực giảng dạy, kiểm tra, đánh giá theo định hướng phát triển năng
lực, phẩm chất học sinh; khắc phục dần tình trạng dạy học đối phó, truyền thụ
một chiều học thuộc lòng máy móc, tiêu cực trong dạy thêm, học thêm.
Đối với học sinh, kết quả thi cũng tác động mạnh vào nhận
thức của các em giúp phát huy hứng thú của các em, giúp các em định hướng nghề
nghiệp sau THPT hình thành, phát triển năng lực và phẩm chất của người học;
Khắc phục tình trạng học đối phó và sử dụng “phao thi”. Những đổi mới của kỳ
thi tốt nghiệp THPT năm nay đã thực sự đưa học sinh vào trung tâm của quá trình
dạy học.
Đối với ngành giáo dục và đào tạo, những đổi mới của kỳ
thi tốt nghiệp THPT năm 2014 đã góp phần thiết thực thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW Hội nghị Trung ương Tám, BCH
Trung ương khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo theo hướng “Đổi mới căn bản hình thức và phương
pháp thi, kiểm tra và đánh giá kết quả giáo dục, đào tạo, bảo đảm trung thực,
khách quan”; Phối hợp sử dụng kết quả đánh giá trong quá trình học với đánh giá
cuối kỳ, cuối năm học”.
Đối với xã hội, kỳ thi đã bước đầu giảm áp lực và tốn kém
cho xã hội, trở nên nhẹ nhàng, bình thường hơn, do đó đã nhận được sự đồng
thuận chung của xã hội. Đây là tiền đề ban đầu quan trọng để thực hiện lộ trình
đổi mới thi, kiểm tra, đánh giá.
Bộ GD-ĐT cũng khẳng định, thời gian tới tiếp tục tổ chức
chấm thẩm định và xử lý các vấn đề có liên quan sau kỳ thi nhằm rút kinh nghiệm
các khâu tổ chức thi nhất là coi thi, chấm thi;
Tổ chức rút kinh nghiệm trong quá trình chỉ đạo thực hiện
dạy học, kiểm tra đánh giá, thi và xét công nhận tốt nghiệp để phát huy các
nhân tố tích cực, khắc phục những yếu kém, tiêu cực.
Trên cơ sở đó xây dựng định hướng cho việc tổ chức dạy
học, đổi mới kiểm tra, đánh giá trong quá trình và thi tốt nghiệp THPT năm học
2014 - 2015 và các năm tiếp theo; hướng tới tổ chức kỳ thi chung vừa làm căn cứ
để xét công nhận tốt nghiệp, vừa cung cấp dữ liệu tin cậy để các cơ sở giáo dục
đại học sử dụng trong tuyển sinh đại học và cao đẳng.
Nguyễn Hùng ( dân trí)