Doanh nghiệp Trung Quốc cung cấp giống ớt, bảo đảm bao tiêu nên hàng loạt hộ
dân đã đổ xô trồng loại cây này. Song, khi thu hoạch, công ty Trung Quốc chỉ đến
thu mua lấy lệ rồi... “chạy làng”
Đang vào
mùa thu hoạch nhưng trên cánh đồng trồng ớt tại xã Khánh Sơn, huyện Nam Đàn, tỉnh
Nghệ An những ngày giữa tháng 6 này lại vắng hẳn bóng người. Chẳng ai mặn mà với
việc thu hoạch ớt bởi doanh nghiệp (DN) Trung Quốc thu mua đã “bỏ chạy” từ giữa
tháng 5/2014.
Đắng cay vì ớt
Gặp chúng tôi trên ruộng ớt dần chết khô tại
cánh đồng Trự Càn, lão nông Nguyễn Văn Hòa - ngụ xóm 6, xã Khánh Sơn - cho biết:
tháng 11/2013, nghe UBND xã thông báo trồng giống ớt có xuất xứ Trung Quốc năng
suất cao, sản phẩm sẽ được DN bao tiêu ngay nên cũng như nhiều hộ dân khác, gia
đình ông làm 2 sào.
Ông Nguyễn Văn
Hòa - xã Khánh Sơn, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An - bên cách đồng ớt dần chết khô
“Bỏ hàng
triệu đồng mua phân thuốc rồi bỏ công chăm sóc gần 6 tháng trời nhưng đến khi
thu hoạch, công ty chỉ mua được khoảng 100 kg với giá 5.500 đồng/kg. Từ đó đến
nay đã hơn 1 tháng, ớt hái về để đầy nhà nhưng không thấy DN Trung Quốc quay lại
thu mua” - ông Hòa chán nản.
Theo tìm
hiểu của chúng tôi, xã Khánh Sơn có 72 hộ dân trồng 7,2 ha ớt giống
GB17615.3-2010 do một DN Trung Quốc cung cấp. Cả tháng nay, người dân thu hoạch
ớt về chất đầy nhưng công ty Trung Quốc vẫn không quay lại thu mua. Do DN không
thu mua đúng như hợp đồng đã cam kết, giá bán ra thị trường lại quá rẻ nên hiện
tại, nhiều ruộng ớt chín rục nhưng nông dân đành bỏ mặc.
“Xã đứng
ra ký hợp đồng với công ty Trung Quốc, bảo đảm người trồng ớt sẽ được DN này
thu mua giá cao nên bà con mới đổ xô canh tác. Giờ thì bao nhiêu công sức mấy
tháng trời đầu tư vào trồng ớt chắc là mất hết cả rồi” - anh Võ Quang Công - ngụ
xóm 9, xã Khánh Sơn - bức xúc.
Tại xã
Nghi Kiều, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An, hàng trăm hộ dân cũng trồng khoảng 10
ha ớt GB17615.3-2010. “Hàng trăm tấn ớt tươi đã được bà con thu hoạch từ lâu
nhưng phía DN Trung Quốc chỉ đến thu mua lấy lệ 1,5 tấn vào đầu tháng 5 rồi biến
mất tăm” - ông Lê Văn Hai, nông dân xã Nghi Kiều, rầu rĩ.
Đổ thừa
“lý do khách quan”
Theo hợp
đồng kinh tế về liên kết sản xuất và tiêu thụ ớt giữa Công ty TNHH thực nghiệp
Dục Dã Thượng Hải và UBND xã Khánh Sơn ký ngày 15-3, phía DN Trung Quốc chịu
trách nhiệm bao tiêu sản phẩm ớt tươi cho người trồng. Vào đầu tháng 5-2014,
khi người dân xã Khánh Sơn bắt đầu thu hoạch ớt, đại diện Công ty Dục Dã Thượng
Hải có đến thu mua nhưng với số lượng rất ít.
“Ngày 10
và 11/5, công ty cử đại diện đến thu mua ớt. Bình quân người dân đem 5 kg ớt đến
thì họ loại mất 4 kg vì cho rằng không bảo đảm chất lượng. Sau khi thu mua một
số ít ớt, DN này bỏ chạy, không quay lại nữa. Người dân đành hái ớt về phơi khô
hoặc bỏ chín rục ngoài đồng” - ông Phạm Việt Hùng, Ban Nông nghiệp xã Khánh
Sơn, cho biết.
Mới đây,
ngày 12/6, bà Bành Bội Tuấn, đại diện Công ty Dục Dã Thượng Hải, đã đến làm việc
với UBND xã Khánh Sơn. Bà Tuấn cho rằng việc thu mua ớt của người dân gián đoạn
vì “lý do khách quan”. Ông Tô Bá Thắng, Phó Chủ tịch UBND xã Khánh Sơn, cho biết
thời gian tới, xã sẽ mời Liên minh HTX Nghệ An (đơn vị đứng ra ký hợp đồng với
công ty Trung Quốc cung cấp giống ớt) và đại diện Công ty Dục Dã Thượng Hải làm
việc để tìm hướng giải quyết cho người trồng.
Tại xã
Nghi Kiều, chính quyền địa phương cũng đang tìm cách liên hệ với Công ty Dục Dã
Thượng Hải để yêu cầu DN này tiêu thụ sản phẩm cho người dân theo hợp đồng.
“Ngày 11-6, đại diện DN đến làm việc với xã. Chúng tôi yêu cầu họ mua ớt khô
nhưng họ trả giá quá thấp nên người dân không đồng ý. Việc công ty không thu
mua sản phẩm ớt tươi như cam kết đã gây thiệt hại cho người dân. Sắp tới, chúng
tôi sẽ làm việc với DN Trung Quốc để tìm cách hỗ trợ thiệt hại phần nào cho bà
con” - một lãnh đạo xã Nghi Kiều cho biết.
Theo tìm
hiểu của chúng tôi, việc yêu cầu phía DN Trung Quốc đền bù thiệt hại là rất
khó. Bởi lẽ, trong hợp đồng ký kết với Công ty Dục Dã Thượng Hải có một điều
khoản mà sự bất lợi luôn thuộc về phía người dân khi xảy ra tranh chấp. Đó là nếu
do nguyên nhân khách quan, bất khả kháng như thiên tai, dịch bệnh hoặc quan hệ
Việt - Trung xảy ra mâu thuẫn… thì 2 bên đều không phải chịu trách nhiệm về tài
chính.
Người trồng lỗ nặng
Tại Gia Lai, theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát
triển nông thôn, toàn tỉnh hiện có gần 3.000 ha trồng ớt. So với mức giá gần
50.000 đồng/kg cuối năm 2013 và vài tháng đầu năm 2014, hiện thương lái Trung
Quốc chỉ thu mua ớt với giá 7.000 - 9.000 đồng/kg. Với mức giá này, người trồng
ớt chắc chắn lỗ nặng.
Đak Pơ là huyện có hơn 5.000 ha đất trồng rau. Đầu năm
2014, khi giá rau hạ, giá ớt tăng cao, nhiều người đã quyết định chuyển sang
trồng ớt. “Thấy rau rớt giá nên gia đình tôi chuyển toàn bộ diện tích hơn 2
sào sang trồng ớt mong kiếm lời. Ai ngờ giá ớt rớt thê thảm, tôi phải bù lỗ
trả tiền cho nhân công” - bà Lê Thị Thanh - ngụ xã Cư An, huyện Đak Pơ - cho
biết.
Theo tính toán của người trồng thì vốn đầu tư trung
bình cho một sào ớt là 15-20 triệu đồng, khoảng 4 tháng thu hoạch một vụ. Với
mức giá đầu mùa 20.000-50.000 đồng/kg, bà con có thể lời 40 triệu đồng/sào.
Thế nhưng, trong vụ này, giá bán ra quá thấp khiến nông dân phải chịu lỗ vốn.
Gia đình ông Lê Văn Ơn - ngụ thôn Thuận Công, xã Cư An - trồng gần 3 sào ớt,
cho biết: “Tiền công hái ớt đã 120.000-150.000 đồng/người/ngày, mất hơn một nửa
giá bán ớt. Tính thêm chi phí đầu tư và công chăm sóc thì người trồng ớt phải
bù lỗ”.
Bà Nguyễn Thị Hà, một người chuyên thu mua ớt cho
thương lái Trung Quốc, cho rằng ớt rớt giá là do xuất khẩu sang Trung Quốc giảm,
trong khi người dân cứ ồ ạt trồng loại cây này. “Từ đầu mùa đến nay, tôi chưa
xuất được tấn ớt nào. Vì vậy, tôi chỉ thu mua cầm chừng khoảng 1 tấn/ngày và
cũng không biết khi nào mới xuất cho Trung Quốc được” - bà Hà lo lắng.
|
Theo Đức
Ngọc
Người Lao động