Tại sao chỉ 91/912 trường mầm non TP.HCM đạt chuẩn quốc gia? 18/08/2014 16:23:27

Ông Hứa Ngọc Thuận (hàng đầu, giữa), phó chủ tịch UBND TP, giải trình tại cuộc họp - Ảnh: H.HG

Đây là buổi làm việc của Ủy ban Văn hóa giáo dục thanh thiếu niên nhi đồng của Quốc hội với UBND TP.HCM tổ chức tại TP.HCM. 

Báo cáo tại buổi họp, Th.S Trần Thị Kim Thanh, phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM, cho biết TP hiện có 912 trường MN, tăng 85 trường so với cùng kỳ năm trước; 1.469 nhóm, lớp MN tư thục có phép, tăng 226 nhóm, lớp.

Chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ được giữ vững, không xảy ra dịch, bệnh lớn. 100% các cơ sở giáo dục MN đều tổ chức thực hiện chương trình GDMN theo quy định của Bộ GD-ĐT. Môi trường GD được xây dựng thân thiện, toàn diện về vật chất và tinh thần.

Tuy nhiên, bà Thanh cũng nhìn nhận: “Có thiếu sót trong quá trình quản lý nên đã xảy ra sự việc đáng tiếc (vụ hành hạ trẻ ở nhóm trẻ tư thục không phép Phương Anh), tuy cá biệt nhưng ảnh hưởng nặng nề đến uy tín của ngành GDMN TP và gây bức xúc trong dư luận”.

Vì sao trẻ 6 tháng không đi học?

Cũng theo bà Thanh, chất lượng chăm sóc giáo dục trẻ ở một số cơ sở MN ngoài công lập còn thấp, điều kiện sống của trẻ còn hạn chế nên chưa tạo được sự công bằng đối với trẻ.

Bên cạnh đó, cơ sở MN ngoài công lập quá nhiều và phát triển rất nhanh nên các phòng GD-ĐT gặp nhiều khó khăn trong công tác quản lý. Hiện các quận, huyện phải huy động toàn bộ ban giám hiệu các trường MN công lập quản lý và hỗ trợ chuyên môn cho các trường, nhóm, lớp ngoài công lập trên địa bàn.

Chất vấn tại buổi họp, các đại biểu Quốc hội băn khoăn: TP thí điểm nhận trẻ 6 – 24 tháng trong trường MN công lập hiện tại đã làm đến đâu? Tại sao số lượng trẻ xin học các lớp này lại quá ít, còn vướng mắc gì không? TP.HCM là một TP lớn, hiện đại nhưng tại sao chỉ có 91/912 trường MN đạt chuẩn quốc gia? Theo báo cáo thì TP đã làm công tác phổ cập GDMN 5 tuổi rất tốt nhưng với HS lứa tuổi 3,4 tuổi thì sao? Với đặc thù của bậc học MN, giáo viên 50 tuổi trở lên không còn phù hợp vì không thể hát, múa như những giáo viên trẻ, TP giải quyết việc này như thế nào…

Trả lời chất vấn, Th.S Trần Thị Kim Thanh cho rằng: “Mặc dù có nhu cầu thật nhưng phụ huynh cũng băn khoăn khi gửi trẻ vào trường MN, đặc biệt là trẻ 6 tháng tuổi".

Theo bà Thanh, hiện TP đã chuẩn bị tất cả điều kiện cần thiết để đón học sinh lứa tuổi này nhưng theo thông tin ban đầu thì số học sinh ra lớp chưa nhiều.

"Mặt khác, cũng nên nói thêm là trường MN công lập nhận học sinh từ 7g sáng, trả trẻ 5g chiều, trong khi nhiều phụ huynh lại muốn gửi con gần chỗ làm để họ có thể tranh thủ cho con bú. Hoặc có người làm công nhân trực theo ca, kíp thì có nhu cầu gửi con theo ca, kíp trong khi trường công lập thì nhận trong giờ hành chính. Chúng tôi sẽ nắm thêm xem thực chất nguyên nhân là gì” - bà Thanh nói.

Về những giáo viên lớn tuổi, bà Thanh cho biết các trường MN sẽ bố trí những GV lớn tuổi phụ trách các lớp nhà trẻ dưới 36 tháng. Đây là những cô giáo giàu kinh nghiệm chăm sóc trẻ nên các cô chăm sóc cháu nhỏ rất tốt.

Mỗi năm TP.HCM tăng 1 quận về dân số

Tại cuộc họp, ông Hứa Ngọc Thuận, phó chủ tịch UBND TP, giải trình: "Trước khi trình đề án thí điểm nhận trẻ 6 tháng vào trường công lập, chúng tôi đã lấy ý kiến của nhiều ngành, nhiều giới.

Đề án làm trong sáu tháng và bắt nguồn từ dưới các phường chứ không phải từ trên áp xuống. Muốn biết nguyên nhân sâu xa phải đợi năm học mới bắt đầu đã".

Về việc TP có quá ít trường đạt chuẩn quốc gia, ông Thuận cho rằng: “Tất cả trường không đạt chuẩn đều “vướng” về diện tích chứ không vướng các tiêu chí khác. Cứ mỗi năm TP tăng một quận về dân số, mỗi năm TP tăng 600.000 lao động nhập cư. Dù là nhập cư thì TP vẫn phải chăm lo về giáo dục cho các cháu. Mùa tựu trường là tụi tôi đau đầu nhất. Năm nào TP cũng xây dựng thêm 1.400 - 1.500 phòng học mới nhưng vẫn quá tải".

Ông Thuận cho biết 11 phường không có trường MN công lập là do trong nội đô không thể giải tỏa nhà dân. Hiện TP có nhiều điểm trường không thể chấp nhận do không đủ diện tích cũng không thể nâng tầng. Sắp tới TP sẽ xây dựng trường mầm non liên phường để đảm bảo cho học sinh được đi học gần nhà nhất.

Về thực trạng gửi trẻ là con em công nhân ở KCX, KCN, ông Thuận nói: "10 năm trước đây xây dựng KCX, KCN không có trường học, bây giờ muốn thì phải điều chỉnh. Chúng tôi phải báo cáo Thành ủy TP  và xin chiết ra 1-2% công viên cây xanh ở các KCX, KCN để xây dựng trường MN,  giải quyết hai vấn đề: giảm tải trường MN phường vốn đang quá tải, công nhân làm ở đâu gửi con ở đó. Dự kiến chi khoảng 1.400 tỷ xây dựng tại bảy điểm trường".

Ông Thuận kiến nghị: T.Ư  xem xét cho trường MN ngoài công lập được thuê đất xây trường, giảm 50% thuế đất xây trường ở nội thành, 100% ở ngoại thành để mời gọi những người có tâm huyết đầu tư vào giáo dục. Đừng gọi họ là công ty, doanh nghiệp mà là những người đầu tư vào GD để miễn giảm thuế thu nhập cá nhân, thuế thu nhập doanh nghiệp.

HOÀNG HƯƠNG ( BÁO TUỔI TRẺ)