Giáo viên sử dụng bằng đại học giả vẫn đứng lớp 25/10/2012 15:33:17

Một giáo viên có hơn 7 năm đứng trên bục giảng để truyền đạt văn hóa cho học sinh lại sử dụng bằng giả. Tuy đã bị “lật tẩy” từ lâu, nhưng đến nay cô vẫn đang đứng trên bục giảng với tấm bằng đại học giả.

Sự việc này xảy ra tại Trường THCS Nghi Trung (huyện Nghi Lộc, Nghệ An).

Cô giáo sử dụng bằng giả để được nâng lương

Thông tin từ các bậc phụ huynh, học sinh gửi đến PV phản ánh hiện nay tại Trường THCS Nghi Trung có trường hợp cô Trần Thị Kim Ngân (SN 1974) là giáo viên dạy môn Âm nhạc, Giáo dục công dân sử dụng bằng đại học giả để đứng lớp.

Để tìm hiểu rõ sự tình, chúng tôi đã tìm về Trường THCS Nghi Trung, nơi cô Kim Ngân đang công tác. Cô Trần Thị Thu Hương - hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Sự việc cô Kim Ngân dùng bằng giả là có thật. Khi kê khai bằng cấp, cô Ngân đã khai gian để được hưởng bậc lương cao hơn”.

Cô TrầnThị Kim Ngân tốt nghiệp Cao đẳng chuyên ngành Giáo dục công dân - Nhạc tại trường CĐ Sư phạm Đắk Lắk.

Được biết, cô Trần Thị Kim Ngân được phân công về giảng dạy tại Trường THCS Nghi Trung từ năm 2005, đến năm 2007 thì được chính thức tuyển dụng vào ngành. Giữa năm 2010, khi có chủ trương chuyển đổi mã ngạch, bậc lương của ngành giáo dục, cô Trần Thị Kim Ngân đã sử dụng bằng Đại học tại chức ngành Âm nhạc của Trường ĐH Sư phạm TPHCM để kê khai.

Sau đó, nhiều thông tin đã được phản ánh lên Phòng GD-ĐT huyện Nghi Lộc về việc nghi ngờ cô Kim Ngân có dấu hiệu sử dụng bằng giả. Tháng 2/2011, phòng GD-ĐT huyện Nghi Lộc đã gửi văn bản thông báo đến nhà trường về trường hợp cô Ngân có dấu hiệu sử dụng bằng đại học giả và yêu cầu chuyển tất cả hồ sơ lên cho Phòng tiến hành kiểm tra xác minh.

Ngay sau đó, tất cả hồ sơ có liên quan của cô Trần Thị Kim Ngân đã được chuyển lên phòng GD-ĐT để tiến hành điều tra xác minh tính xác thực của bằng cấp mà cô Ngân đang sử dụng.

Giáo viên sử dụng bằng đại học giả vẫn đứng lớp 2

Công văn phúc đáp xác minh bằng cấp của Trường ĐH Sư phạm TPHCM với trường hợp của Trần Thị Kim Ngân đã kết luận đây là “bằng giả mạo”vì trường không có chuyên ngành Âm nhạc.

Sau khi tiến hành gửi tất cả các văn bản để xác minh tại các trường mà cô Ngân đã theo học, ngày 14/12/2011, nhà trường nhận được văn bản photo xác minh của Trường ĐH Sư phạm TPHCM do Phòng GD-ĐT huyện Nghi Lộc gửi về với nội dung “phúc đáp xác minh đơn phản ánh của giáo viên và phòng GD-ĐT huyện Nghi Lộc”. Theo đó, văn bản do hiệu trưởng trường ĐH Sư phạm TPHCM - TS. Bạch Văn Hợp gửi Giám đốc Sở GD-ĐT Nghệ An, Phòng Tổ chức cán bộ Sở GD-ĐT xác nhận với 3 nội dung: “Trường Đại học Sư phạm TPHCM không có ngành Âm nhạc, nên không có sinh viên tốt nghiệp ngành này; Không đúng chữ kỹ của ông Bùi Mạnh Nhị; Bằng tốt nghiệp của Trần Thị Kim Ngân như trên là giả mạo”.

Ngày 29/03/2012, hiệu trưởng Trường CĐ Sư phạm Đắk Lắk - Phạm Vũ Luật có công văn gửi Trưởng phòng GD-ĐT huyện Nghi Lộc xác nhận: Trần Thị Kim Ngân tốt nghiệp hệ cao đẳng chính quy năm 2003 ngành Giáo dục công dân - Nhạc, với loại Trung bình - khá cấp ngày 1/8/2003.

Như vậy, bằng đại học chuyên ngành Âm nhạc được ghi là do Trường ĐH Sư phạm TPHCM cấp mà cô Ngân đang sử dụng là bằng giả. Khi thực hiện chủ trương của ngành giáo dục về chuyển đổi mã ngạch, bậc lương, cô Trần Thị Kim Ngân đã khai gian bằng cấp, từ bằng Cao đẳng thành bằng Đại học tại chức để được hưởng bậc lương và phụ cấp cao hơn.

Dùng bằng giả… vẫn giảng dạy ở trường chuẩn quốc gia 

Sau khi Trường ĐH Sư phạm TPHCM có công văn xác minh, bằng đại học tại chức mà cô Trần Thị Kim Ngân sử dụng đích thực là bằng giả, đến nay, cô Ngân vẫn đang tiếp tục được công tác và hưởng lương bậc đại học bình thường tại Trường THCS Nghi Trung. Điều này khiến phụ huynh và học sinh của trường không đồng tình và không thể chấp nhận được, nhất là Trường THCS Nghi Trung là trường đạt chuẩn quốc gia.

Lý giải cho việc cô Ngân hiện vẫn đang được công tác tại trường sau khi biết cô Ngân sử dụng bằng giả, cô Trần Thị Thu Hương - hiệu trưởng Trường THCS Nghi Trung cho biết: Từ tháng 2/2012, nhà trường đã nhận được văn bản của Sở GD-ĐT Nghệ An và Phòng GD-ĐT huyện Nghi Lộc về việc cô Ngân dùng bằng giả. Nhưng do trường chưa nhận được ý kiến chỉ đạo xem xét hình thức kỷ luật cô Ngân, nên trường chưa tiến hành các hình thức kỷ luật.

Ngày 28/5/2012, Phòng GD-ĐT huyện Nghi Lộc ra công văn chỉ đạo về việc hướng dẫn quy trình xem xét hình thức kỷ luật đối với cô Ngân. Nhưng sang đầu tháng 6/2012, nhà trường mới nhận được văn bản. Vào thời điểm đó, nhà trường đang tiến hành tổng kết năm học để nghỉ hè, mọi công tác xếp loại giáo viên đã làm xong nên chưa thực hiện được văn bản của Phòng GD-ĐT huyện.

Đến ngày 26/7/2012, nhà trường bắt đầu tiến hành họp Hội đồng kỷ luật và căn cứ vào Nghị định 27 của Thủ tướng Chính phủ nhất trí tiến hành, cảnh cáo toàn ngành, buộc hoàn trả lại chế độ lương và phụ cấp khác đang hưởng theo bằng cấp giả đối với cô Ngân. Và cho cô Ngân viết bản tự kiểm điểm. Nhưng do thời điểm này đang trong kỳ nghỉ hè nên Phòng GD-ĐT huyện Nghi Lộc đã tạm hoãn việc thông báo thi hành kỷ luật để đảm bảo quyền lợi cho giáo viên.

Ngày 12/9/2012, nhà trường tiếp tục họp hội đồng kỷ luật để xem xét, biểu quyết hình thức kỷ luật đối với cô Ngân. Sau khi thống nhất, hội đồng đã đồng ý biểu quyết mức cảnh cáo toàn ngành, buộc hoàn trả lại toàn bộ chế độ lương, phụ cấp khác mà cô Ngân hưởng theo bằng giả và hưởng theo chế độ lương, phụ cấp đúng với bằng cấp được đào tạo là cao đẳng.

Giáo viên sử dụng bằng đại học giả vẫn đứng lớp 3

Bằng đại học chuyên ngành Âm nhạc của Trường ĐH Sư phạm TPHCM mà cô Trần Thị Kim Ngân sử dụng là bằng giả mạo.

Tôi rất lấy làm tiếc với trường hợp của cô Ngân và đây cũng là bài học kinh nghiệm cho những người thực hiện công tác giảng dạy. Sắp tới huyện sẽ có quyết định hình thức xử lý đối với cô Ngân. Theo đó, sẽ truy thu và hoàn trả lại chế độ lương và phụ cấp của cô Ngân từ lúc cô sử dụng bằng giả. Sau đó, buộc phải chuyển cô Ngân khỏi trường. Chúng tôi cũng mong muốn cấp trên giải quyết vấn đề này sớm hơn để trường ổn định tình hình dạy và học”, cô Trần Thị Thu Hương nói.

(Theo Dân trí)