Dự thảo liên thông mới: Không quản được thì “chặt gốc” 17/10/2012 15:21:03
“Thả nổi” hình thức đào tạo liên thông trong một thời gian dài nên việc Bộ GD-ĐT soạn thảo một quy định mới để chấn chỉnh là điều cần thiết. Tuy nhiên, với quan điểm “chặt gốc” nửa vời, dự thảo được đưa lên mạng cho thấy có nhiều bất cập.
 
Theo quan điểm của Bộ GD-ĐT thì bất cập của đào tạo liên thông hiện nay chính là khâu tuyển chọn đầu vào quá “lỏng lẻo”. Chính vì thế mà giải pháp Bộ đưa ra trong dự thảo đó là đối với tuyển sinh đào tạo liên thông từ trình độ trung cấp nghề, trung cấp chuyên nghiệp lên trình độ đại học, thí sinh dự thi tuyển 2 môn văn hóa theo khối thi của ngành thí sinh dự định học liên thông trong kỳ thi tuyển sinh CĐ, ĐH hệ chính quy hàng năm do Bộ GD-ĐT tổ chức và 1 môn cơ sở ngành.
 
Cần có một đánh giá trước khi chấn chỉnh đào tạo liên thông.
 
Tuyển sinh đào tạo liên thông từ trình độ trung cấp nghề, trung cấp chuyên nghiệp lên trình độ cao đẳng hoặc từ trình độ cao đẳng nghề, cao đẳng lên trình độ đại học thì thí sinh dự thi tuyển 1 môn văn hóa theo khối thi của ngành thí sinh dự định học liên thông trong kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ hệ chính quy hàng năm do Bộ GD-ĐT tổ chức và 2 môn cơ sở ngành.

Xóa sổ liên thông từ trung cấp lên ĐH?

Theo quy định hiện hành thì đối với đào tạo liên thông từ trình độ trung cấp lên trình độ đại học phải được Bộ GD-ĐT chấp thuận bằng văn bản khi nhà trường đủ điều kiện. Tuy nhiên, dự thảo liên thông mới thì lại giao quyền tự chủ cho các trường. Theo đó, thủ trưởng cơ sở giáo dục ĐH quyết định đào tạo liên thông khi đáp ứng các điều kiện quy định và báo cáo kế hoạch đào tạo liên thông với Bộ GD-ĐT chậm nhất 3 tháng trước khi tổ chức tuyển sinh.

Nghe qua dự thảo thì có vẻ như cơ hội của sinh viên TCCN rộng mở bởi số các trường đào tạo liên thông hệ này lên ĐH sẽ nhiều hơn. Song với việc thay đổi môn thi so với trước kia thì gần như cánh cửa không còn.

Trước đây, đối với những lớp đào tạo liên thông, đối tượng tuyển sinh là những người đã có bằng tốt nghiệp trung cấp, các thí sinh phải tham dự thi tuyển 3 môn gồm: hai môn cơ bản và một môn cơ sở ngành (hoặc thực hành nghề). Đề thi các môn cơ bản được lấy từ ngân hàng đề thi của Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục thuộc Bộ GD-ĐT. Đề thi môn cơ sở ngành (hoặc thực hành nghề) do hiệu trưởng nhà trường quy định. Với quy định này, chí ít cơ hội cho thí sinh tốt nghiệp TCCN cũng rộng mở hơn nếu các em chịu khó học hỏi và nâng cao tay nghề. Với dự thảo mới, Bộ GD-ĐT yêu cầu phải dự thi hai môn văn hóa cùng với kì thi ĐH, CĐ chẳng khác gì “đánh đố” bởi hầu hết các em theo học TCCN đều có lực học phổ thông ở mức trung bình thập chí là dưới trung bình. Ngoài ra sau 2-3 năm học TCCN thì lượng kiến thức phổ thông cũng đã mai một nên việc yêu cầu tổng điểm 2 môn văn hóa cộng với môn cơ sở ngành đạt từ 15 trở lên là bài toán “vô cùng khó” dành cho đối tượng này.

Khi chúng tôi thực hiện các bài viết về liên thông nhiều độc giả đều cho rằng với các quản lý hiện nay thì không nên duy trì hệ liên thông từ TCCN lên thẳng ĐH bởi nó quá bất công. Điều đó được thể hiện ở chỗ: Đầu vào TCCN không phải dự thi ĐH, CĐ mà chỉ xét qua học bạ. Sau đó nếu học tốt được liên thông lên ĐH ngay, trong khi chất lượng kì thi đầu vào cũng như đào tạo lại có quá nhiều bất cập.

Xét về góc độ nào đó thì cách làm của Bộ GD-ĐT sẽ được phần lớn xã hội đồng tình nhưng mặt trái của nó là đẩy các trường TCCN vào con đường khó khăn. Lâu nay việc tuyển sinh TCCN đã quá “bi đát”, chiêu “hút” thí sinh của hầu hết đơn vị này là lời hứa sau khi tốt nghiệp nhà trường sẽ tạo điều kiện được liên thông lên bậc cao hơn.

“Nếu Bộ muốn siết để nâng cao chất lượng thì nên siết chỉ tiêu, siết quá trình đào tạo, siết đầu ra chứ không nên siết đầu vào” - hiệu trưởng một trường TCCN ở Hà Nội chia sẻ.

Lỗ hổng của quy định mới

Nếu như dự thảo mới “khắt khe” với liên thông từ TCCN lên thẳng ĐH thì các hình thức liên thông từ TCCN lên CĐ và từ CĐ lên ĐH có phần nhẹ nhàng thậm chí là so với trước chẳng thay đổi là bao.

Theo dự thảo thì tuyển sinh đào tạo liên thông từ trình độ trung cấp nghề, trung cấp chuyên nghiệp lên trình độ cao đẳng hoặc từ trình độ cao đẳng nghề, cao đẳng lên trình độ đại học, thí sinh phải dự thi 3 môn: một môn văn hóa và 2 môn cơ sở ngành. Trong đó hai môn cơ sở ngành do trường tổ chức tuyển sinh. Điều kiện ràng buộc là điểm xét tuyển 3 môn thi phải đạt từ 15 điểm trở lên, không có môn thi điểm 0 và xét điểm trúng tuyển của từng ngành học.

Rõ ràng quy định này không có sự thay đổi là bao so với trước kia bởi trường chỉ cần “nới” hai môn cơ sở ngành và thí sinh dự thi môn văn hóa không bị điểm 0 thì việc trúng tuyển quá nhẹ nhàng. Thậm chí nếu các trường cố tính chọn môn văn hóa là môn thi trắc nghiệm thì cánh cửa càng rộng hơn bởi về mặt lý thuyết thí sinh chỉ cần chọn chung một đáp án là đã có 2,5 điểm.

Một cán bộ tuyển sinh phía Nam chia sẻ: “Đối với hệ CĐ nghề thì khâu tuyển chọn đầu vào không khắt khe, thời gian học cũng kéo dài 3 năm. Do đó, nếu dự thảo này trở thành hiện thực thì thí sinh sẽ đầu đơn đi học CĐ nghề sau đó liên thông lên ĐH chính quy bởi hình thức này có cơ hội trúng tuyển lớn hơn.

Đối với các em học hệ trung cấp thì cũng có thể họ sẽ dùng cách “nâng cấp bằng” từng “bậc” (liên thông lên CĐ rồi từ CĐ lên ĐH). Hình thức này có nhược điểm là sẽ kéo dài thời gian đào tạo”.

“Theo quan điểm của tôi thì Bộ GD-ĐT nên tổ chức một hội thảo đánh giá một cách kỹ càng về khâu đào tạo liên thông để qua đó có giải pháp tối ưu. Không nên cứ thấy bất cập ở đâu là “chặn” ở đó. Với cách làm nửa vời này không giải quyết được bất cập mà có khi lại phát sinh thêm các hình thức tiêu cực khác” - cán bộ này nhấn mạnh.

Như vậy với dự thảo mới đưa ra Bộ GD-ĐT vẫn chưa thể giải quyết được bài toán “chấn chỉnh” liên thông. Sở dĩ nó còn bất cập là do Bộ GD-ĐT "phớt lờ" khâu đánh giá và quan trọng hơn là đã "quên" ban hành một quy chế thi cụ thể.
(theo Dân trí