Trong ngày tư vấn tuyển sinh hướng nghiệp 2013 được tổ chức tại Trường ĐH Bách khoa Hà Nội hôm 10/3, nhiều câu hỏi thắc mắc về nhóm ngành kinh tế, tài chính - ngân hàng sau 5 năm nữa sẽ như thế nào?
Hoang mang về các ngành kinh tế
Trả lời nhiều câu hỏi thắc mắc của học sinh về khối ngành kinh tế đang có xu hướng cắt giảm chỉ tiêu trong năm nay và những năm tới, đại diện các trường có khối này “trấn an” các em bằng cách nói về tương lai của các ngành này trong 5 năm tới, giống như một chu kỳ của sự phát triển.
Trước thắc mắc của học Trường THPT Thăng Long (Hà Nội) Nguyễn Thùy Dương về các khối thi ngành kinh tế Trường ĐH Hà Nội, điều kiện để được học 2 văn bằng là như thế nào, Ths Lê Quốc Hạnh - trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Hà Nội giải đáp: Năm 2013 một số ngành trong trường đào tạo bậc cao như Quốc tế kinh tế, Lữ hành, Kế toán, Tài chính – Ngân hàng khi trúng tuyển sinh viên phải tiếp tục học 2-3 kỳ tiếng Anh cho tới khi đạt chuẩn mới được lựa chọn chuyên ngành thích hợp.
Các buổi tư vấn tuyển sinh nhóm ngành kinh tế, khoa học xã hội, công an, quân đội,
ngoại ngữ luôn thu hút nhiều học sinh tham gia. Ảnh Xuân Trung
Trường hợp sinh viên đã đỗ vào một ngành của trường mà có nguyện vọng học thêm một ngành khác để có 2 bằng thì học lực của sinh viên đối với ngành trúng tuyển phải đạt loại khá trở lên (điểm trung bình chung từ 7.0 trở lên). Quy định định này đã được trường áp dụng từ năm 2007.
Trả lời câu hỏi nếu thí sinh không đủ điểm vào khoa đã đăng kí dự thi mà đủ điểm sàn vào trường, trường hợp này trường ĐH Kinh tế Quốc dân có xét cho thí sinh sang khoa khác không, ông Nguyễn Quang Dong - Trưởng phòng Đào tạo của trường cho biết: Trường đều có điểm sàn vào trường và các ngành, nếu không trúng tuyển vào ngành đăng kí thí sinh sẽ được chuyển sang ngành khác còn chỉ tiêu.
"Nóng" nhất trong phần thắc mắc tại nhóm ngành kinh tế là câu hỏi băn khoản của một học sinh lớp 12. Em nói rằng rất thích học ngành kinh tế, tài chính – ngân hàng nhưng chỉ tiêu của ngành này từ năm 2013 được Bộ GD&ĐT cắt giảm và không cho mở mới, nguồn nhân lực nhóm ngành này đang dư thừa, nhiều học sinh muốn thi và tương lai của nhóm ngành này trong vòng 4-5 năm tới sẽ ra sao?
Đại diện Trường Đại học Tài chính - Marketing Tp.HCM, PGS.TS Hoàng Trần Hậu “trấn an” bằng việc mô tả hình tượng “một đội bóng đều có đẳng cấp và phong độ, việc phong độ chỉ nhất thời còn đẳng cấp với các ngành kinh tế thì mãi mãi”.
“Kinh tế giảm trong những năm qua khiến việc Nhà nước không đào tạo ngành kinh tế nữa đó cũng là một chu kỳ của nó, vì kinh tế có năm phát triển, có năm suy thoái. Năm 2013 kinh tế có thể ảm đạm nhưng những năm tới kinh tế thế giới phát triển, việc làm cho ngành kinh tế sẽ nhiều hơn và dĩ nhiên ngành kinh tế sẽ được khôi phục”, ông Hậu nói.
PGS.TS Hoàng Trần Hậu cho biết thêm, hiện tượng dư thừa lao động không chỉ ở ngành kinh tế mà còn ở một số các ngành khác, nên chỉ nói dư thừa nguồn nhân lực kinh tế là một nhận định chủ quan. Điều quan trọng các thí sinh lựa chọn ngành nghề phải căn cứ vào mình muốn gì, làm theo năng lực và đam mê chứ không chạy theo phong trào. “Cơ hội chỉ đến với những người biết chuẩn bị tốt nhất”, ông Hậu nhấn mạnh tới thí sinh.
Về vấn đề này ông Nguyễn Quang Dong tiếp lời, việc đầu tư học trong 4 năm là thời gian dài, có thể hiện kinh tế đang ở trong tình trạng suy thoái dẫn đến giảm nhân công, nhưng không biết 5 năm tới sẽ như thế nào những rõ ràng đó là một chu kỳ. “Ngành hôm nay thí sinh đăng kí nhiều và ngành có cơ hội kiếm việc làm là hoàn toàn khác nhau, nên các thí sinh phải lưu ý lúc đăng kí dự thi, học tốt và đào tạo tốt thì vấn đề việc làm không lo”, ông Dong lưu ý.
"Nóng" ngành công an, báo chí
Làm thế nào để tránh tiêu cực trong khâu sơ tuyển vào các trường công an, việc Bộ Công an không công bố điểm thi năng khiếu trong sơ tuyển điều này có tránh được tiêu cực không? Đây những vấn đề liên quan tới các trường công an được nhiều thí sinh thắc mắc nhất.
Học sinh tham gia buổi tư vấn tuyển sinh tại Hà Nội.
Giải đáp thắc mắc này, thiếu tá Nguyễn Mạnh Cường, Phó Trưởng phòng kế hoạch tuyển sinh, Cục đào tạo, Bộ Công an khẳng định hiện tại Bộ chưa áp dụng kiểm tra năng khiếu trong sơ tuyển. Còn việc sơ tuyển trước khi thi vẫn theo Quyết định của Bộ công an về học lực, hạnh kiểm, phẩm chất đạo đức và sức khỏe phải đạt tiêu chuẩn đề ra. Thiếu tá Cường lưu ý tới thí sinh, nếu có phát hiện ra tiêu cực ở đâu, khâu nào có thể phản ánh trực tiếp tới Phòng tổ chức (Công an tỉnh) hoặc Cục đào tạo (Bộ công an) sẽ có giải đáp.
Trong những năm qua chỉ tiêu nữ đối với các trường trong khối công an luôn được siết chặt, do đặc thù ngành nghề nên chỉ tiêu nữ luôn được thí sinh tò mò. Trước câu hỏi, trong năm 2013 điều kiện xét tuyển khi vào trường công an có áp dụng điều kiện phải là học sinh giỏi 3 năm trở lên, cao 1.58 mét trở lên không, Xét tuyển vào hệ trung cấp ngành công an như thế nào, Thiếu tá Nguyễn Mạnh Cường cho biết: Về các chỉ tiêu nữ từ năm 2011 ngành đã hạn chế chỉ tiêu bằng cách thắt chặt khâu sơ tuyển. Năm 2012 Bộ tiếp tục đề cao việc này bằng hai khâu giao trực tiếp cho các trường là sơ tuyển và chỉ tiêu cụ thể cho từng trường. Năm 2013 đối với học sinh nữ không cần có 3 năm là học sinh giỏi nếu đạt điều kiện vẫn được sơ tuyển bình thường, nữ có chiều cao từ 1.58 mét đến 1.75 mét.
Việc xét tuyển vào hệ trung cấp các trường công an năm 2013 được tiến hành đối với thí sinh không trúng tuyển vào các trường đã đăng kí dự thi trong khối công an, xét tuyển được phân theo luồng không đỗ HV Cảnh sát sẽ được xét xuống Trung cấp cảnh sát, không đỗ HV An ninh sẽ được xét xuống Trung cấp an ninh, tương tự với Phòng cháy chữa cháy…
Những người làm báo trong tương lai quan tâm tới các ngành mới của Học viện Báo chí và Tuyên truyền. TS Mai Đức Ngọc, Trưởng ban Đào tạo của HV thông báo, năm 2013 HV có thêm ngành đào tạo mới là Báo chí đa phương tiện, theo TS Ngọc đây là ngành xuất phát từ xu thế chung. Các chuyên ngành đào tạo trước đây tại HV chỉ mang tính chất chuyên sâu nhưng tương lai sẽ chuyển sang hướng hội tụ. Thực tế sinh viên tốt nghiệp ngành này vào các cơ quan báo chí có thể làm việc theo tích hợp nhiều loại hình báo chí, đáp ứng nhu cầu của cơ quan báo chí.
Nhiều thí sinh quan tâm khi học ngành Quan hệ quốc tế của HV Báo chí khi ra trường sẽ làm những gì, làm ở đâu, trong khi chuyên ngành này tại HV Ngoại giao cũng đào tạo, vậy khác nhau thế nào và cơ hội việc làm? TS Ngọc cho biết các em có thể làm việc tại Trung tâm đối ngoại trong nước và ngoài nước, ngành này đào tạo nhà báo hoạt động theo hướng đối ngoại và ngược lại.
Buổi tư vấn, gỡ rối trong tuyển sinh 2013 này được tổ chức ngày 8/3 với hơn 110 gian tư vấn đến từ 80 trường ĐH, CĐ trong cả nước.
Ưu tiên, hỗ trợ kinh phí đào tạo ngành Khảo cổ học
Ths Đinh Việt Hải, phó trưởng Phòng đào tạo Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (ĐHQG Hà Nội) cho biết, năm 2013 các nhành thuộc nhóm Khoa học cơ bản của trường (Chính trị học, Hán nôm, Nhân học, Lịch sử, Văn học, Triết học) tiếp tục sẽ được hỗ trợ kinh phí đào tạo 4,2 triệu đồng/sinh viên/năm và có thể tăng thêm.
Buổi tử vấn tuyển sinh thú vị hơn khi có một học sinh (giấu tên) cho biết rất thích làm nhà khảo cổ học, muốn thi vào trường ĐH KHXH&NV. Ths Hải hoan nghênh và cho biết, đây là ngành thuộc khoa Lịch sử đã có bề dày trên 50 năm. Tại trường Nhân văn có một số lớp chỉ có vài ba sinh viên, trong đó có ngành Khảo cổ, nhân lực ngành này luôn luôn thiếu và cần. Các em học ngành này là góp phần đưa di sản trở thành những giá trị văn hóa, kinh tế, chính trị và thậm chí là chủ quyền quốc gia, đóng góp cho đất nước phát triển: “Đây là lựa chọn đầy thú vị và có sự thỏa mãn đam mê nghề nghiệp”, Ths Hải cho biết.
Theo: Xuân Trung - Giáo dục Việt Nam