"Không nên có điểm sàn, cần dứt khoát bỏ điểm sàn trong tuyển sinh trước hết và cơ bản là vì chủ trương đó là sai, là vô lý, mọi lý lẽ bào chữa của những người có trách nhiệm đều không thể chấp nhận".
Thí sinh tham gia kỳ thi tốt nghiệp THPT 2012. Ảnh Lê Hiếu.
Cuộc họp mới đây giữa Bộ GD&ĐT và Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng ngoài công lập Việt Nam theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ đã đi đến một kết quả quan trọng là: Bộ GD&ĐT ủng hộ các trường có phương án tuyển sinh riêng theo Luật Giáo dục đại học (thi tuyển, xét tuyển hoặc kết hợp thi tuyển với xét tuyển).
Tuy nhiên cũng tại cuộc họp, đại diện Hiệp hội cũng đề nghị Bộ nên cải tiến, bỏ cuộc thi "ba chung" (kèm theo đó là "điểm sàn"), tổ chức tốt kỳ thi tốt nghiệp THPT để từ đó các trường chủ động xét tuyển. Bộ cho biết sẽ nghiên cứu, cân nhắc phương án này, tuy nhiên đến năm 2015 cách thức thi cơ bản vẫn giữ "ba chung" và "điểm sàn".
Ở góc độ của mình, nhà văn Nguyên Ngọc với nhiều đóng góp có giá trị cả ở lĩnh vực nghiên cứu văn hóa, giáo dục có bài viết riêng khẳng định: Bằng tốt nghiệp phổ thông chính là "điểm sàn" vào đại học.
Dưới đây là bài viết của nhà văn Nguyên Ngọc:
Vừa qua, khi mùa tuyển sinh sắp đến, lại xôn xao ý kiến chung quanh chủ trương có điểm sàn trong thi đại học và cao đẳng. Nhiều ý kiến cho rằng chủ trương điểm sàn gây khó khăn rất lớn cho việc tuyển sinh của các trường ngoài công lập, thậm chí có thể làm tan rã hệ thống trường ấy, sẽ gây không biết bao nhiêu tổn hại cho xã hội.
Quả tác hại của chủ trương duy trì điểm sàn đối với tuyển sinh của các trường ngoài công lập là có thật. Tuy nhiên nếu chỉ nói như vậy thì hóa ra không nên duy trì điểm sàn chỉ là vì nó khiến các trường ngoài công lập khó tuyển sinh. Hoàn toàn không phải như thế. Không nên có điểm sàn, cần dứt khoát bỏ điểm sàn trong tuyển sinh trước hết và cơ bản là vì chủ trương đó là sai, là vô lý, mọi lý lẽ bào chữa của những người có trách nhiệm đều không thể chấp nhận.
Hãy xem cảnh tượng nghịch lý diễn ra hằng năm, những năm gần đây lại càng kỳ quặc hơn, vừa bi đát vừa buồn cười: chúng ta có hai kỳ thi, cách nhau trên dưới một tháng, thi tốt nghiệp phổ thông đỗ gần 100%, rồi thi đại học, cũng nguyên những người đó đi thi, lại rớt trên dưới nửa triệu người!
Vậy thì học phổ thông để làm gì? Thi tốt nghiệp phổ thông để làm gì? Tấm bằng tốt nghiệp phổ thông có ý nghĩa gì?
Học phổ thông là để tạo cho mình một trình độ, với trình độ đó thì có thể học tiếp đại học. Thi tốt nghiệp phổ thông là để chứng minh rằng sau 12 năm đèn sách, trình độ cần có đó đã đạt được.
Tấm bằng tốt nghiệp phổ thông là giấy chứng nhận quyền vào đại học của người học, cũng chính là “điểm sàn” để vào đại học, nếu ta muốn có cái gọi là “điểm sàn”. Cần nhấn mạnh: được vào học đại học là quyền của người đã tốt nghiệp phổ thông, mà chứng cớ hiển nhiên là tấm bằng tốt nghiệp của họ. Không ai được, bằng bất cứ quy định gì, ngăn cản quyền đó.
Những người chủ trương điểm sàn bảo: siết chặt đầu vào bằng điểm sàn là để đảm bảo chất lượng đại học, không để cho những người có điểm thi đại học quá thấp vào đại học. Nói thế nghe thật buồn cười: nhưng họ vừa đổ thi tốt nghiệp phổ thông cơ mà? Vậy thì chỉ có thể giải thích: kết quả thi tốt nghiệp phổ thông chỉ là kết quả dỏm! Nó không hề chứng tỏ được trình độ thật của người học. Tức vấn đề là ở thi phổ thông.
Kết luận rất rõ ràng: muốn nâng cao chất lượng đầu vào đại học thì thi tốt nghiệp phổ thông phải thực chất, nghĩa là siết chặt đầu ra ở phổ thông, chứ không phải siết chặt đầu vào đại học. Cũng tức là trở lại nguyên lý muôn đời của việc học: đảm bảo chất lượng bằng siết chặt đầu ra, chứ không phải đầu vào. Về nguyên tắc, ai muốn học cũng được học, còn có học được không, có đạt được trình độ của cấp học đó không, thì phải qua một kiểm tra nghiêm ngặt ở đầu ra. Ở ta hiện nay, lạ thay, đang làm hoàn toàn ngược lại.
(Ở nhiều nước tiên tiến thậm chí học ở đâu cũng được, tự học ở nhà cũng được, bố mẹ anh em bạn bè … dạy cho cũng được, miễn thi đỗ đầu ra đàng hoàng, thực chất).
Sau khi có bằng tốt nghiệp phổ thông – tức là đã có “điểm sàn” rồi - thì có quyền cầm tấm bằng đó xin vào bất cứ trường đại học nào. Mỗi trường đại học sẽ tùy tiêu chí và khả năng tiếp nhận của mình mà tuyển chọn theo cách của họ, hoặc bằng một kỳ thi, hoặc bằng phỏng vấn, xem xét học bạ …
Và như vậy cũng không cần có một kỳ thi đại học quy mô quốc gia, nặng nề, phức tạp, tốn kém, và thực sự là vô lý như hiện nay.
Còn một điều nữa, xin được hỏi những người có trách nhiệm: những thí sinh không đạt điểm sàn, không đỗ đại học ở kỳ thi quốc gia, nhưng con nhà giàu, có tiền, đi xin vào các trường đại học “quốc tế” bây giờ đang nhan nhản ở Việt Nam, ở đấy chẳng cần “điểm sàn” nào hết, mà cũng là trên đất nước thân yêu của ta đây, thưa Bộ, Bộ nghĩ thế nào?
Không trả lời được những câu hỏi trên, thì nên dứt khoát bỏ điểm sàn vô lý, vô nghĩa, và tai hại nữa.
Nhà văn Nguyên Ngọc (SN 1932, quê ở xã Bình Triều huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam) là một nhà văn hóa nổi tiếng của Việt Nam, với nhiều vai trò: nhà văn, nhà báo, biên tập, dịch giả, nhà nghiên cứu văn hóa, giáo dục, gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc và chấn hưng giáo dục Việt Nam.
Riêng trong lĩnh vực văn học, ông là một nhà văn quân đội xuất sắc với những tác phẩm đi cùng năm tháng như: Đất nước đứng lên, Rẻo cao, Đường chúng ta đi, Đất Quảng, Rừng xà nu...
Theo Giáo dục Việt Nam