Tuyển sinh ĐH, CĐ 2013: “Chọi” cao, đừng lo 16/05/2013 14:19:50
Nhiều trường, ngành có tỉ lệ “chọi” rất cao khiến thí sinh phải đắn đo khi đã chọn. Tuy nhiên, ThS Mỵ Giang Sơn, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Sài Gòn, nói: “Tỉ lệ “chọi” chỉ để tham khảo chứ không phải yếu tố quyết định điểm trúng tuyển”.

Các trường ĐH, CĐ đã thống kê chi tiết số lượng thí sinh đăng ký dự thi vào từng ngành đào tạo để lập phòng thi, in giấy báo dự thi và gửi giấy báo dự thi cho thí sinh từ ngày 30-5. Trong đó, nhiều trường, ngành có tỉ lệ “chọi” rất cao khiến thí sinh không khỏi đắn đo khi đã chọn. Tuy nhiên, ThS Mỵ Giang Sơn, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Sài Gòn, nói: “Tỉ lệ “chọi” chỉ để tham khảo chứ không phải yếu tố quyết định điểm trúng tuyển”.

“Chọi” càng cao, ảo càng lớn

Tại buổi bàn giao hồ sơ đăng ký dự thi của các Sở GD&ĐT cho các trường trong tuần qua, Trường ĐH Sài Gòn được rất nhiều thí sinh lựa chọn, nhất là các tỉnh Bình Thuận, Đà Lạt, TP.HCM… với hơn 48.000 hồ sơ. Tuy nhiên, ThS Mỵ Giang Sơn cho biết: “Chúng tôi không muốn công bố tỉ lệ “chọi” theo ngành vì có những ngành tỉ lệ “chọi” rất cao sẽ khiến thí sinh hoang mang. Điều bất ngờ là hai ngành giáo dục tiểu học và giáo dục mầm non tăng mạnh so với các năm. Hồ sơ đăng ký dự thi tăng không có nghĩa là cơ hội trúng tuyển của thí sinh sẽ giảm đi. Chất lượng thí sinh sẽ quyết định việc trúng tuyển”.

TS Trần Đình Lý, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM, cho hay: “Tỉ lệ “chọi” thật phải tính trên số thí sinh đến dự thi thực tế so với chỉ tiêu. Hiện tại, tỉ lệ này không chính xác vì thí sinh nộp nhiều hồ sơ nên tỉ lệ ảo rất nhiều. Kinh nghiệm nhiều năm làm tuyển sinh cho thấy tỉ lệ ảo trung bình của các trường tốp trên là 20%-25%, còn các trường tốp dưới số ảo càng lớn”.
 
 Các trường ĐH, CĐ nhận bàn giao hồ sơ đăng ký dự thi tuyển sinh năm 2013 từ các Sở GD&ĐT. Ảnh: QUỐC DŨNG

Thực tế, nhiều năm qua những trường có tỉ lệ “chọi” càng cao thì tỉ lệ ảo càng lớn. Chẳng hạn năm 2012 Trường ĐH Sài Gòn có gần 51.000 hồ sơ đăng ký dự thi nhưng đến ngày thi số thí sinh thực chỉ hơn 37.000 (không tính thí sinh thi nhờ). Tương tự, Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM có hơn 45.600 nhưng chỉ có hơn 35.000 thí sinh dự thi; Trường ĐH Tài chính-Marketing chỉ có hơn 23.000 thí sinh dự thi trong hơn 27.800 hồ sơ đăng ký...

Số lượng hồ sơ không là yếu tố quyết định

TS Nguyễn Quốc Chính, Phó Trưởng ban Đào tạo ĐH và sau ĐH, ĐH Quốc gia TP.HCM, cho biết hồ sơ đăng ký dự thi vào các trường thành viên của ĐH này như ĐH Bách khoa, ĐH KHXH&NV, khoa Y tăng 5%-12%, còn Trường ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐH Quốc tế tương đương năm trước. Riêng hồ sơ vào Trường ĐH Công nghệ thông tin tăng đến 41% còn hồ sơ vào Trường ĐH Kinh tế-Luật lại giảm 22%.

“Tỉ lệ “chọi” không thay đổi nhiều nên dự báo điểm trúng tuyển sẽ ổn định. Riêng Trường ĐH Công nghệ thông tin có khả năng sẽ thay đổi điểm vì tỉ lệ tăng rất cao. Còn Trường ĐH Kinh tế-Luật có thể sẽ biến động nhiều khi ngành tài chính ngân hàng từ 1 “chọi” 10,5 của năm trước thì năm nay chỉ còn 1 “chọi” 1,9; ngành quản trị kinh doanh cũng giảm mạnh… Tuy nhiên, điểm trúng tuyển tăng hay giảm phụ thuộc nhiều vào chất lượng thí sinh dự thi chứ không phải số lượng hồ sơ” - TS Chính nhận định.

PGS-TS Lý Văn Xuân, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Y Dược TP.HCM, cũng cho biết: “Hằng năm tỉ lệ “chọi” vào y đa khoa, dược học rất thấp (khoảng 1 “chọi” 6) nhưng điểm trúng tuyển luôn cao nhất trường với mức 25,5-26. Trong khi các ngành điều dưỡng, xét nghiệm y học, kỹ thuật y học… “chọi” rất cao (khoảng 1 “chọi” 30) nhưng điểm chỉ mức 21-23. Điều này cho thấy chất lượng thí sinh quyết định điểm trúng tuyển, thí sinh đã biết căn cứ vào điểm trúng tuyển các năm trước để lượng sức mình”.

Hồ sơ đăng ký dự thi giảm 6%

Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục (Bộ GD&ĐT) thống kê cả nước có 1.710.983 hồ sơ đăng ký dự thi năm 2013, giảm 6% so với năm 2012. Trong đó, hồ sơ dự thi ĐH là 1.343.656 hồ sơ (chiếm 79%).

Nếu năm 2012, khối A là sự lựa chọn của 47,2% thí sinh dự thi ĐH thì năm nay chỉ còn 39,1%. Trong khi đó, khối A1 năm nay có 10,2% (tăng 5%); khối B 23,2% (tăng 1,9%); khối C 6% (giảm 0,2%).

Một số nhóm ngành tăng hồ sơ như khoa học giáo dục tăng 3,1%; khoa học sức khỏe tăng 1,7%; công nghệ kỹ thuật tăng 0,5%; môi trường và bảo vệ môi trường tăng 1,4%; nông, lâm, thủy sản tăng 0,3%. Trong khi đó, nhóm ngành kinh tế và quản lý giảm 10,5% nhưng vẫn chiếm tỉ lệ cao nhất trong tổng số hồ sơ đăng ký dự thi theo nhóm ngành.

Những trường, ngành có tỉ lệ “chọi” thấp nhưng luôn có điểm trúng tuyển rất cao vì đây là các trường có truyền thống, thu hút nhiều thí sinh giỏi. Còn những trường, ngành có đông thí sinh dự thi, tỉ lệ “chọi” cao thì thường là điểm trúng tuyển không cao nên dễ thu hút thí sinh. Do đó, điểm trúng tuyển nhiều năm liên tiếp của ngành thí sinh dự thi mới là yếu tố quyết định độ khó, dễ trúng tuyển vào ĐH. Rất hiếm một ngành nào đó điểm trúng tuyển tụt xuống vì thí sinh tăng hay giảm, bởi khi nộp hồ sơ thí sinh phải biết ngưỡng nào mình có thể vượt qua.

Theo: Kênh 14