Ai trả tiền cho sách giáo khoa điện tử? 19/07/2014 09:09:20

 Còn nhiều ý kiến băn khoăn xung quanh đề án thí điểm chương trình sách giáo khoa điện tử lớp 1, 2, 3 bậc tiểu học tại TP.HCM do UBND TP tổ chức ngày 18.7

 Theo các công ty giới thiệu giải pháp thực hiện đề án này, sách giáo khoa (SGK) điện tử sẽ xóa bỏ những hạn chế của SGK truyền thống như cồng kềnh, cập nhật chậm, thể hiện đơn điệu, khó tra cứu, không tương tác nhưng vẫn quản lý được học sinh khi tiếp cận với thế giới mạng, hiệu quả cao nhờ ứng dụng công nghệ...

Sau khi xem bản giới thiệu của bài học tiếng Việt trong chương trình lớp 1, lãnh đạo các trường tiểu học có nhiều ý kiến đóng góp. Bà Nguyễn Thị Ngọc Hạnh, Phó hiệu trưởng Trường tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm (Q.1) đòi hỏi có sự thống nhất ngôn ngữ bởi trong bài về tự nhiên xã hội thể hiện hoàn toàn bằng tiếng Việt nhưng đến phần bài tập tìm đúng sai thì lại dùng từ vựng tiếng Anh True - False. Còn bà Trần Thị Thanh Thủy, Phó phòng Giáo dục Q.10 băn khoăn: “Ô li, nét chữ, hình ảnh, nốt nhạc chưa chuẩn, các dấu chưa rõ. Sự tương tác giữa giáo viên và học sinh ở phần bài tập chưa thấy tài liệu lưu trữ”. Còn ông Nguyễn Quang Vinh, Trưởng phòng Giáo dục tiểu học Sở GD-ĐT phát hiện một số bản đồ sử dụng tiếng Anh nên đề xuất phải Việt hóa các ứng dụng cài đặt...

Tuy nhiên, vấn đề quan trọng hơn cả là việc đầu tư cho đề án này như thế nào. Bà Ngọc Hạnh hỏi cụ thể: “Máy tính bảng để sử dụng SGK điện tử này sẽ do ai trang bị? Nếu là phụ huynh thì không phải ai cũng có điều kiện như vậy. Những gia đình không có kinh tế thì con em họ sẽ không có cơ hội tiếp cận cái mới? Còn nếu kinh phí nhà nước đầu tư thì việc sử dụng sẽ như thế nào, học sinh có được mang về nhà hay không?”. Bà Trần Thị Bình Minh, Phó giám đốc Sở Kế hoạch - Đầu tư, thừa nhận kinh phí nhà nước không thể kham nổi. Ông Lê Thái Hỷ, Giám đốc Sở Thông tin - Truyền thông TP.HCM, yêu cầu: “Phải có đề án cụ thể, mục tiêu rõ ràng để sau khi thí điểm phải có đánh giá. Đã thí điểm phải có khảo sát và chọn sao cho phù hợp giữa nội thành và ngoại thành chứ không chỉ tính trong một trường. Cũng từ chương trình này, nên chăng thành phố có sự kích cầu nội địa trong việc sử dụng thiết bị, phù hợp với tái cơ cấu nền kinh tế, cần sự đa dạng về phần mềm, tạo sự cạnh tranh chứ không nên độc quyền”.

Ông Nguyễn Văn Lâm, Phó trưởng ban Kinh tế và ngân sách HĐND TP, cho biết: “Tôi cũng chưa có đề án trong tay, hỏi thì được biết là khoảng 4.000 tỉ đồng. Đầu tư cho con người là rất quan trọng, đừng thấy số tiền lớn quá thì sợ nhưng quan trọng là lựa chọn đầu tư trong thời điểm nào. Phải khảo sát nhu cầu từng vùng, năng lực tài chính của từng gia đình, nghiên cứu đầu tư ở trường nào ở từng khu vực nội và ngoại thành...”.

Tại buổi làm việc, ông Hứa Ngọc Thuận, Phó chủ tịch UBND TP, kết luận: “Thành phố giao cho Sở Giáo dục - Đào tạo xây dựng đề án. Sau hội thảo này đề án phải được gửi đầy đủ cho các nhà quản lý giáo dục. Nếu đồng tình thì vào đầu năm học sẽ lấy ý kiến của phụ huynh học sinh”.

Bích Thanh ( báo Thanh Niên)