20 tuổi và là SV năm 2 ĐH, nhưng Xuân Tiến có chiều cao chỉ bằng học sinh cấp 1 - 1m26. Ngoại hình đặc biệt, nhưng Tiến không bao giờ mặc cảm, thậm chí còn coi đó là "đặc sản" của mình.
Trần Xuân Tiến sinh năm 1993, có sở thích nghe nhạc, xem phim, thiết kế, xem clip hài. Tiến học năm 2, ĐH Mỹ thuật FPT chuyên ngành Thiết kế quảng cáo, phim ảnh. Cậu là diễn viên - thiết kế cho Damtv, đóng vai các phim Kính đa tròng, Tài tiếu tuyệt, Mặt nạ.
Đã 20 tuổi, nhưng Trần Xuân Tiến chỉ cao 1m26, cộng thêm gương mặt nhỏ nhắn nên không ít người cứ nhầm lẫn cậu chỉ mới là học sinh cấp 1. Thông thường, đối với những người có vẻ ngoài đặc biệt như Tiến sẽ rất dễ mặc cảm và tự ti. Thế nhưng cậu lại thoải mái, vô tư hòa nhập vào cuộc sống như một người bình thường. Cậu có những suy nghĩ chín chắn, và khá chất như một người đàn ông trưởng thành. Tiến cũng không bao giờ buồn hay cảm thấy khó chịu khi bị người khác gọi mình là "thằng lùn" này, "thằng lùn" nọ, mà ngược lại, lúc nào cậu cũng vui vẻ, yêu đời và còn xem cái lùn ấy như là "đặc sản" của riêng mình.
Chàng trai "ốc tiêu" đầy hồn nhiên và vui vẻ - Trần Xuân Tiến.
Để có được sự hòa nhập với cộng đồng như hôm nay, Tiến tâm sự rằng bản thân đã phải đánh đổi cả một quãng thời gian dài ấu thơ, đối mặt với những lời châm chọc, bới móc và tò mò của những người bạn cùng trường và quanh xóm. Để giờ đây, Tiến tự tin hơn bất cứ ai và còn cảm thấy rất hạnh phúc vì được mang tiếng cười đến cho mọi người.
- Tiến có thể kể lại quãng thời gian khó khăn nhất của mình không?
- Mình sinh ra tại Đà Nẵng, năm 3 tuổi thì cùng gia đình chuyển lên Buôn Mê Thuột theo chế độ kinh tế mới. Và hiện giờ mình đang dần thích nghi với cuộc sống tự lập tại TP.HCM.
Với mình mà nói, từ lúc mới cất tiếng khóc chào đời cho đến hết cấp 2 là quãng thời gian khó khăn nhất. Lúc nhỏ, mình thường bị đám trẻ trong xóm trêu chọc do mãi chẳng thấy lớn. Cho đến tuổi đi học ngỡ đâu sẽ được quen biết nhiều bạn bè mới, rồi họ sẽ cảm thông và giúp đỡ mình. Nhưng rồi từ năm cấp 1 cho đến hết cấp 2, hễ bước chân vào trường là mình liền trở thành tâm điểm chú ý của mọi người. Họ nhìn thôi thì có thể mình đã không phải lo lắng, nhưng nhiều người còn chỉ trỏ, xì xào, nói mình là "thằng lùn" này, "thằng lùn" nọ đủ điều. Nó khiến mình cảm thấy sợ mỗi khi gặp người lạ và dường như không dám ra ngoài, hay tiếp xúc với ai.
Tuổi thơ của Tiến không được vui vẻ như các bạn.
- Nguyên do gì đã làm ảnh hưởng đến sự phát triển về chiều cao của Tiến?
Thật ra gia đình của Tiến ai cũng đều rất cao, bố 1m72, mẹ 1m68, thậm chí đứa em trai năm nay mới học lớp 11 mà đã cao 1m72. Chỉ duy một mình Tiến là có thân hình đặc biệt nhất trong cả gia đình mà thôi.
Mình nghe mẹ bảo, lúc mới sinh, mình được tận 4,8kg. Vì quá lớn, nên mình chỉ chui ra được có nửa cái đầu thì không thể ra thêm được nữa. Lúc đó bác sĩ lo mình bị ngộp mà chết nên bắt buộc phải dùng máy hút ra. Sau này đi khám bác sĩ, mình mới được cho biết trong quá trình hút đã làm ảnh hưởng đến tuyến yên phát triển hóc môn sinh trưởng. Vì vậy tuy mình có thể phát triển trí tuệ bình thường, nhưng về chiều cao thì không thể cải thiện.
- Tiến đã đối mặt, và khắc phục như thế nào để giờ đây không còn phải sợ những lời trêu chọc kia?
- Những điều này từng khiến mình dường như mất đi cả niềm tin và suýt phải bỏ học vì không dám đối diện với bạn bè. Ngày xưa mình còn bị máy quay và máy chụp ảnh, đó cũng là lý do vì sao mà hiện giờ ở nhà mình chẳng có nhiều ảnh lúc nhỏ.
Mọi chuyện dần thay đổi khi mình vào lớp 10, bắt đầu biết nhận thức, biết suy nghĩ nhiều hơn, cộng thêm gặp được rất nhiều người bạn tốt. Các bạn thường hay khuyên mình thế này: "Trời cho sao thì mày cứ để vậy, phải phấn đấu lên chứ làm sao mà mày sống buông thả thế kia được". Thế là mình bắt đầu bỏ ngoài tai những lời trêu đùa ác ý, rồi dần dần học cách khắc phục. Ai muốn nói gì thì mình sẽ quay lại cười với họ đầy thiện chí, để cho họ biết rằng mình sẽ không bao giờ buồn hay từ bỏ bản thân vì những lời nói vu vơ đấy.
- Trong sinh hoạt hằng ngày của Tiến hẳn phải gặp rất nhiều khó khăn?
- Không phải "rất nhiều", mà chỉ là "một ít" mà thôi. Mình vẫn sinh hoạt như mọi người, chỉ có việc đi lại bằng phương tiện thìgặp chút khó khăn. Lúc còn đi học, mình được bố mẹ sắm cho chiếc xe đạp be bé xinh xinh, kiểu của trẻ con hay dùng. Thay vì một người bình thường có thể tập chạy trong vòng 3 ngày, hoặc cao lắm là 1 tháng. Nhưng mình đến mãi hơn 3 tháng sau mới chạy được xe đạp, và hậu quả là đầu gối, mắt cá trầy xước, máu me tùm lum do ngã nhiều lần.
Rồi đến năm học cấp 3, trường mới cách nhà mình đến hơn 3 cây số, nên mỗi ngày đều có 1 người bạn đến chở mình đi. Mình thật sự rất cám ơn bạn ấy vì đã giúp đỡ mình rất nhiều. Cậu ấy không trêu chọc cũng không kỳ thị mình, ngược lại còn sẵn sàng giúp đỡ mỗi khi mình cần tới. Bây giờ sống tự lập, đi đâu mình lại phải nhờ vả mấy người bạn đến chở. Nếu không ai rảnh thì mình tự bắt xe bus hoặc đi bộ.
Một kỷ niệm vui vui muốn kể cho các bạn nữa là mình sợ Tết lắm! Vì Tết tới là ít khi nào mình sắm được bộ quần áo mới. Mình thì lớn rồi, mà cỡ mình chỉ có loại quần áo cho con nít mới mặc vừa thôi. Các bạn cũng biết đấy, đồ của trẻ con không là siêu nhân, thì cũng là hiệp sĩ, rồi màu mè hoa lá hẹ tanh bành. Thỉnh thoảng có đi đâu gặp cái áo hay cái quần nào mặc vừa mà ưng ý một phát là mình rinh về ngay (cười).
- Một mình rời quê đến thành phố xa lạ, gia đình của Tiến không lo lắng sao?
- Bố mẹ mình lúc trước còn không kịp cản luôn đấy chứ! Nhưng mình đã quyết định phải làm một chuyến để thử thách bản thân. Mình nói với bố mẹ: "Hãy để cho con được thử một lần". Lúc đó mình nghĩ rằng thà thất bại còn hơn là chưa thử mà đã bỏ cuộc. Thế là độ vài tuần sau mình khăn gói vào Sài Gòn để học. Thời gian đầu sống cùng với cô chú, nhưng sau đó mình xin chuyển sang ở cùng đám bạn cùng quê cho thoải mái và vui hơn.
Các bạn chưa tưởng tượng được cảnh một ngày mẹ mình gọi điện thoại đến 6-7 lần để kiểm tra: "Con đã ăn gì chưa? Hôm nay con làm gì? Có gì khó khăn không thì báo với mẹ". Rồi mẹ còn đích thân xuống tận Sài Gòn dặn dò đủ thứ với cô chủ nhà trọ, nếu có gì thì hãy giúp đỡ mình nữa cơ. Mẹ thật sự rất lo lắng cho mình.
- Tiến thích nghi với cuộc sống ở thành phố như thế nào?
- Lúc xuống đây mình có nhiều cái để lo lắm, như: chẳng biết đi lại thế nào, trước giờ ăn uống cũng toàn được bố mẹ chăm nom, còn bây giờ phải tự làm mọi thứ. Mình còn đặc biệt sợ một chữ "hại"! Đó là "thương hại" và "ăn hại", nên nó là động lực để mình cố gắng nhiều hơn.
Như người ta bảo sống đâu quen đó, cái gì cũng cần thời gian để thích nghi. Sau hơn 1 năm sinh sống, giờ mình đã có thể thoải mái hơn rất nhiều. Đi chơi, đi học, cái gì cũng xả láng từ A tới Z với đám bạn thành ra tâm trạng lúc nào cũng vui (cười lớn).
- Thế cơ duyên nào đã giúp Tiến bén duyên với hài kịch, môn nghệ thuật mang niềm vui đến cho mọi người?
- Một may mắn nữa là những người bạn trong trường ĐH Mỹ Thuật rất quan tâm và đồng cảm với mình. Họ lúc nào cũng giúp đỡ và đối xử với mình như một người bạn bình thường đúng nghĩa. Có hoạt động gì họ cũng rủ rê, lôi kéo mình tham gia để học cách tự tin hơn trước đám đông. Rồi trong một chuyến đi Vũng Tàu, cả nhóm thấy vui quá xá rồi chợt nảy ra ý tưởng quay một đoạn clip nhái lại MV Mỗi người một nơi của ca sĩ Ưng Hoàng Phúc. Không ngờ về nhà up lên Youtube được cư dân mạng khen quá trời. Từ đó nhóm tụi mình có động lực cho ra đời nhiều clip hơn, theo kiểu vui vui, gần gũi với các bạn teen. Một trong những sản phẩm quen thuộc nhất với các bạn chắc có lẽ là Kính vạn bông.
Cũng từ những MV ấy mà các cô chú bên đài truyền hình biết tới mình, rồi mời mình tham gia trong chương trình hài tên Tài tiếu tuyệt, Kính đa tròng, mới đây nhất là một bộ phim truyền hình dài 30 tập sắp công chiếu.
Tiến nhớ các cô chú bên đài truyền hình hay bảo với mình thế này: "Em không đẹp, nhưng em rất độc". Mình xem đó là lời khen lớn nhất trong suốt thời gian đi diễn vừa qua. Em cám ơn các cô các chú đã tận tình hướng dẫn em.Dự định sắp tới của Tiến như thế nào?Mình phải hoàn thành xong việc học và lấy được bằng tốt nghiệp. Còn các hoạt động bên lề như đóng kịch cho Damtv hay đài truyền hình mình vẫn cố gắng duy trì. Hy vọng các bạn sẽ đón nhận và ủng hộ chàng "ốc tiêu" này (cười).
Theo TTVN