Nữ sinh vượt lên từ 'cái chết trắng' của bố 27/04/2013 10:05:52
Hà kể cho tôi nghe, bố của em mất sớm vì thuốc phiện. Mẹ của em bỏ đi lấy chồng mới, túng quẫn mẹ bế hai chị em đang ngủ đặt xuống đất, bán cả chiếc giường cũng là tài sản cuối cùng rồi bỏ đi.
 
Hai lần vượt qua nỗi đau

Phạm Thị Hà sinh ra và lớn lên tại mảnh đất nghèo thuộc Yên Bái. Hiện Hà là sinh viên năm thứ 3, khoa Ngữ văn, ĐH Sư phạm Hà Nội II.

Hà đã có một tuổi thơ đong đầy nước mắt nhưng em luôn nuôi dưỡng một khát vọng sống mãnh liệt vươn lên học tập đạt kết quả tốt. Những năm học cấp III Hà liên tiếp đoạt giải HSG cấp tỉnh, cấp quốc gia môn Địa lý. Trong kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ, Hà đã thi đỗ với điểm số cao, nhận học bổng toàn phần giành cho sinh viên loại giỏi. Gần đây nhất, Hà đoạt giải nhất kỳ thi Olympic môn Từ vựng ở ĐH Sư phạm Hà Nội II.

Chia sẻ về bản thân mình, Hà kể: "Ngay từ ngày nhỏ, bố của em đã nghiện thuốc phiện, rồi sau đó phải đi trại cai nghiện. Không lâu sau đó, mẹ của em đã từ bỏ hai anh em trong lúc ngủ để đi biệt xứ. Căn nhà trống hoang, không có tài sản gì đáng giá, mẹ đã đặt hai anh em đang ngủ xuống đất để bán đi tài sản duy nhất còn lại đó là chiếc giường. Mẹ để giấy khai sinh lại".

Lúc đó Hà mới 4 tuổi, còn anh trai 6 tuổi, không có bố mẹ bên cạnh, hai anh em sống cùng bà nội.
 
Bố nghiện, mẹ bỏ đi, cô gái trẻ vẫn kiên trì học hành để trở thành giáo viên.
 
Hai năm sau, bố Hà trở về từ trại cai nghiện. Bố con được đoàn tụ, niềm vui khôn xiết. Khi đó, Hà chập chững bước vào lớp 1, anh trai đã học lớp 3. Hai anh em hàng ngày dắt nhau đi lấy củi, nhặt quả trẩu, tuốt lá chè đem bán. Ba bố con dựa vào nhau mà sống qua ngày. Dù khó khăn trăm bề, nhưng đó lại là quãng thời gian Hà hạnh phúc nhất. 

Thế nhưng, những chuyện buồn không thôi ập đến, bố của Hà lại tái nghiện. Hà nhớ mãi, có lần trong nhà hết gạo, không còn gì để ăn, cả ba bố con phải ăn sắn thay cơm.

Bố nói: "Bố đã chịu mọi cảnh cực khổ rồi, không bao giờ muốn các con giống như thế. Nhưng bố xin lỗi, bố không từ bỏ được thuốc phiện". Và bố của cô đã khóc… Giọt nước mắt của tình máu mủ, cũng là giọt nước mắt bất lực của người đàn ông khiến Hà đau nhói, em chỉ còn biết thương bố nhiều hơn.

Khi Hà bước chân vào lớp 4 cũng là lúc bố em tiếp tục đi trại cải tạo lần thứ hai. Hà và anh trai ở cùng bà nội đã già yếu. Anh trai Hà đã phải nghỉ học từ năm lớp 9 để đi làm thuê trên tỉnh, dưới huyện. Hà may mắn hơn anh là được tiếp tục theo đuổi giấc mơ vào Đại học.

Không lâu sau đó, bố của Hà mất vì thuốc phiện. Quá đau đớn, trong thời gian đó Hà rơi vào tình trạng học hành sa sút. Thế nhưng, thương bà già yếu vừa mắc bệnh suy thận, suy tim, thương anh trai ngày đêm quần quật làm thuê Hà gắng gượng dậy.

Thời gian này cũng là thời gian Hà chuẩn bị bước vào hai kỳ thi quan trọng nhất: tốt nghiệp và đại học. Cô gái nhà nghèo đã vượt qua mọi nỗi đau để thi đỗ điểm cao Khoa văn, ĐH Sư phạm Hà Nội II.

Những điều đặc biệt của ngành sư phạm

Đối với nhiều người, đỗ đại học là niềm vui thì đối với Hà là cả một gánh nặng. Trong suốt quá trình học đại học, Hà đã làm nhiều nghề để trang trải cuộc sống. Nhiều khi ở phòng, thấy các bạn được cha mẹ gọi điện hỏi thăm, Hà tủi thân chỉ biết nằm trùm chăn mà khóc. 

Phạm Thị Hà cho biết: Em lựa chọn khoa văn, ĐH Sư phạm Hà Nội II bởi sở thích cá nhân và nguyện vọng của bà nội. Thêm nữa, học ngành Sư phạm sẽ được miễn giảm học phí, phù hợp với hoàn cảnh hiện tại của em.

Hà yêu thích ngành sư phạm bắt nguồn từ chính sự yêu quý, kính trọng thầy cô giáo của mình. Hà tâm sự: Em còn nhớ như in ngày học lớp 4, thầy giáo chủ nhiệm lớp ngày nào cũng đưa em về vì quãng đường từ trường về nhà khá xa. Thầy còn tận tâm giúp đỡ, động viên em rất nhiều điều trong cuộc sống. Thầy chính là động lực để em phấn đấu vươn lên, ước mơ trở thành cô giáo.

Đối với nghề, Hà quan niệm: "Nghề giáo là một nghề cao quý nhưng cũng đầy vất vả, hy sinh. Người giáo viên phải là người có bản lĩnh, lòng nhẫn nại và yêu nghề thì mới có thể theo đuổi được con đường này".

Trong thời buổi hiện tại, ngành sư phạm vẫn còn nhiều hạn chế như lương thấp, khó xin việc, chế độ đãi ngộ chưa nhưng điều đó không làm Hà suy nghĩ. Em cho rằng: "Sư phạm sẽ có những điều mà các ngành khác không có được. Tình cảm hồn nhiên, chân thành của học sinh là món quà quý giá nhất người giáo viên nhận được".


Theo Infonet