Hàng ngày, thầy Trường vẫn lặng lẽ truyền dạy kiến thức, uốn nắn chữ viết cho học trò. Thầy có khả năng viết chữ bằng miệng.
Còn nhiều thầy Nguyễn Ngọc Ký
Nghe tiếng người thầy đặc biệt, chúng tôi đã ngược về thôn Nhân Lý, xã Nam Phương Tiến (Chương Mỹ, TP.Hà Nội) để một lần được gặp và chứng kiến khả năng dạy học đặc biệt của người thầy khuyết tật. Trong căn nhà cấp 4 tuềnh toàng, trên chiếc xe lăn, thầy Phùng Văn Trường vẫn say sưa giảng bài, nắn chữ cho hàng chục em học sinh trong thôn.
Thầy giáo Phùng Văn Trường.
Trường sinh ra trong một gia đình thuần nông nhưng sớm phải chịu bất hạnh, đôi chân không thể di chuyển như bình thường, đôi tay cũng bị ảnh hưởng. Tới bác sỹ khám, gia đình lặng đi khi biết cậu con trai mắc chứng teo cơ, đôi chân bị khoèo.
“Chưa nói gì tới đi học, chỉ nghĩ phải mang đôi chân tật nguyền suốt cuộc đời, tôi đã thấy suy sụp và tuyệt vọng rồi”, Trường nói. Tuy nhiên, nhờ có sự động viên của cha mẹ, hàng xóm tốt bụng nên anh vẫn gắng gượng. Suốt những năm tiểu học, THCS, cùng với sự giúp đỡ của người thân, bạn bè và chiếc nạng, anh vẫn đều đặn tới trường và dần vơi đi những mặc cảm, tự ti.
Nhưng sự hạn chế về sức khỏe và bất tiện của đôi chân vẫn buộc Trường phải dang dở việc học. Anh chỉ theo được hết lớp 8 rồi thôi. “Tôi vẫn mơ ước được thi vào đại học, nhưng đôi chân, đôi tay nặng gánh níu giữ nên phải từ bỏ ước mơ”, anh Trường tâm sự.
Thầy Trường miệt mài dạy học cho các em nhỏ.
Niềm đam mê học giống như một ngọn lửa âm ỉ cháy, thôi thúc anh phải làm một điều gì đó. Một lần, qua chương trình phát thanh trên đài, Trường bất chợt nghe được câu chuyện về thầy giáo Nguyễn Ngọc Ký và tài “viết chữ bằng chân” của thầy, anh ngưỡng mộ vô cùng. Lúc đó, anh tự nhủ, thầy Ký làm được thì mình cũng làm được. Tự đặt quyết tâm, anh Trường nhờ người thân mua giúp sách về học và tập viết chữ từ đây.
Trăn trở tìm cách cầm bút bằng chân, tay, anh đi từ hy vọng này đến thất vọng khác. Cuối cùng, anh nghĩ đến phương án dùng miệng viết chữ. Thời gian đầu, anh chỉ thao tác bằng chiếc bút chì ngắn, nét chữ còn nguệch ngoạc, thậm chí không thành hình thù. Chưa kể, sau mỗi lần ngậm bút, miệng anh mỏi rã rời, hai hàm cứng ngắc, khó đóng miệng. Không nản chí, anh tiếp tục tập luyện cho đến khi có thể viết thành thạo.
Truyền lửa
Theo thầy Trường, việc giữ chắc bút trên miệng đã là rất khó, nhưng việc di chuyển cây bút khéo léo đúng ý mình lại càng khó hơn. Để khuất phục được cách viết bằng miệng này, anh đã phải mất vài tháng trời liên tiếp. “Có đêm, tôi say sưa tập viết đến 3-4h sáng, nhìn dòng chữ ngày càng nắn nót, tôi thấy việc làm của mình dần có ý nghĩa”, anh tâm sự.
Khoảng đầu năm 2009, khi những nét chữ từ miệng anh viết ra đã sáng sủa, nắn nót, anh mới nảy ra ý định dạy viết chữ cho những đứa trẻ gần nhà. “Nhìn đám trẻ ngày càng cẩu thả với chữ viết, mình thấy bứt rứt, nên quyết định uốn nắn cho chúng”, anh Trường nói. Ủng hộ ý tưởng của anh, gia đình đã tạo điều kiện dành một gian nhà cấp 4 để anh dùng làm nơi dạy chữ.
Rồi việc anh mở lớp dạy viết chữ miễn phí cũng lan truyền khắp trong làng, ngoài xóm. Nhiều gia đình từ các làng xa hơn, cũng đưa con em về nhờ anh uốn nắn. Một lớp học thu nhỏ, với 4 chiếc bàn được kê ngay tại nhà anh Trường, thường xuyên tập trung các em học sinh tiểu học về nắn chữ.
Thấy người thầy khuyết tật miệt mài dạy chữ, không thu bất cứ khoản phí gì, nhiều gia đình đã bảo nhau đóng góp thêm, nhưng anh đều từ chối. Mãi sau này, bà con mới thuyết phục được thầy nhận phí học cho các em để phụ thêm cuộc sống gia đình của vợ chồng trẻ kém may mắn.
Không dừng lại ở luyện chữ, giờ đây, lớp học của anh còn giảng dạy những kiến thức về toán học, địa lý, xã hội và kỹ năng sống, nên lượng học sinh đến nhà anh mỗi ngày một đông. Trong tâm trí của người thầy khuyết tật ấy luôn ấp ủ ngày nào đó mở được một lớp học khang trang, để tiếp nhận nhiều hơn các em học sinh, đặc biệt là các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn như anh. Với những học sinh đó, anh không chỉ miễn phí tiền học, mà còn tạo điều kiện để chăm lo cho cuộc sống của các em.
“Tôi chỉ mong mình giữ được sức khỏe như hiện tại để có thể dạy chữ, truyền đạt kiến thức nhiều hơn cho các em”, anh tâm sự. Nhiều em đến học nhà thầy Trường không chỉ là tìm đến một thầy giáo thông thường mà còn học thêm được nhiều điều từ người thầy giáo khuyết tật có nghị lực phi thường này.
(Theo Lao Động)