Trở thành tỷ phú Việt đầu tiên được Forbes vinh danh, ông Phạm Nhật Vượng đang thành công trên con đường mà nhiều đại gia khác sẩy chân.
Chủ tịch Phạm Nhật Vượng của Tập đoàn Vingroup (VIC) hiện có số tài sản ước tính khoảng 1,5 tỷ USD, trong đó chủ yếu là 53% số cổ phần của VIC mà ông đang nắm giữ trực tiếp và gián tiếp.
Ông Phạm Nhật Vượng rất ít khi xuất hiện trước báo giới. Tính cách này được ông và gia đình giữ gìn rất cẩn trọng, hầu như không có hình ảnh nào về những người thân của ông, ngay cả vợ và em vợ, những người giữ chức vụ Phó chủ tịch Vingroup được công khai trên truyền thông. Đó có lẽ là một trong những điều làm nên hình ảnh vị tỷ phú này, và cũng khiến những dự án của Vingroup được truyền thông săn đón nhiều hơn. Vì nếu không biết được tường tận chân dung ông, người ta sẽ phải tìm hiểu qua những gì ông đang làm.
Kết thúc 9 tháng đầu năm, ông Vượng là doanh nhân kinh doanh bất động sản hiếm hoi ở Việt Nam có lãi cực khủng, khi chạm mốc lợi nhuận 6.000 tỷ đồng, con số dường như không tưởng khi thị trường địa ốc trầm lắng suốt một thời gian dài. Cùng với sự thành công của các thương hiệu mà Vingroup xây dựng và khai trương, giá trị cổ phiếu trên sàn của ông Vượng xấp xỉ 20.000 tỷ đồng, tăng 10% so với năm ngoái. Tuy nhiên, Chủ tịch Vingroup lại quan niệm, tiền không mang được theo khi đã chết, nên thay vì đếm xem tài sản tăng lên bao nhiêu mỗi quý, ông muốn "để lại thứ gì đó cho đời".
Ông Phạm Nhật Vượng trên bìa tạp chí Forbes phiên bản Việt số đầu tiên.
Ông chủ Vingroup chia sẻ trong một bài phỏng vấn, mơ biến Hà Nội và Sài Gòn thành điều gì đó tương tự như Hong Kong hay Singapore, và ông sẽ cảm thấy hạnh phúc dù điều đó khiến ông mất một vài tỷ USD. Với Phạm Nhật Vượng, đó có lẽ là xây dựng những dự án bất động sản tầm cỡ, để thay đổi bộ mặt cũng như cuộc sống của người dân tại 2 thành phố lớn nhất cả nước, với những công trình gắn mác lớn nhất Việt Nam, lớn nhất châu Á.
4 tháng sau khi ông chủ được vinh danh trên Forbes, Vincom Mega Mall Royal City chính thức khai trương trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế, trở thành khu tổ hợp thương mại và giải trí dưới lòng đất lớn nhất châu Á. Câu chuyện về Royal City không chỉ dừng lại ở sân trượt băng trong nhà, khu ẩm thực và mua sắm rộng tới hàng trăm ngàn m2 dưới lòng đất... mà còn ở lời khuyến cáo "chẳng giống ai" gắn với công trình này. Ngày 2/9 vừa qua, do lo sợ tình trạng quá tải, Vingroup khuyên khách hàng không nên tới, đồng thời chi ra 6 tỷ đồng để mời khách vào tuần sau ngày lễ. Điều đó cho thấy sức hút của Royal City, và thực tế là người Hà Nội vẫn đổ về chật kín khu vực này dù hôm đó thời tiết rất xấu.
Trung tâm mua sắm ngầm lớn nhất châu Á, cây thông Noel cao nhất Việt Nam những điểm nhấn của Royal City. Ảnh: Tuấn Mark
Sau Royal City, nhiều nhà đầu tư đặt câu hỏi, liệu Phạm Nhật Vượng sẽ làm gì với Times City, một dự án trung tâm thương mại thứ hai có chung thương hiệu Vincom Mega Mall, mà nếu so về vị trí thì rõ ràng không thể bì với sự đắc địa của Royal City. Câu trả lời là "thủy cung lớn nhất Việt Nam" - điều Royal không có và chẳng dự án nào ở Việt Nam trong thời điểm này có.
Với mỗi công trình "để lại cho đời" này, ông chủ Vingroup đều có những kế hoạch đầu tư lớn và lâu dài. Ví như đầu tư trang trí cây thông Noel cao nhất Việt Nam ở Royal City, đưa chim cánh cụt Nam Cực vào thủy cung của Time City, mở cửa sân golf Vinpearl 18 lỗ tiêu chuẩn quốc tế tại Nha Trang, xây trung tâm thương mại Vincom Center tại TP HCM hay mở cửa "thành phố Venice giữa lòng Hà Nội" - Vincom Village...
Ngoài xây khu thương mại, khu vui chơi, làm đường, Vingroup vẫn duy trì tiến độ xây dựng những dự án chung cư, biệt thự cao cấp khủng. Trong khi giới đầu tư vẫn đặt câu hỏi, vì sao giá nhà Vincom bán ra không hề rẻ mà vẫn hút hàng, những công trình đồ sộ đi kèm với chi phí đắt đỏ không kém có thể mang lại tiền cho vị tỷ phú này, thì chính ông Phạm Nhật Vượng đã tự trả lời bài toán cho mình. Bí mật của ông có lẽ nằm ở việc tập trung vào những tầng lớp khách hàng trẻ, có điều kiện kinh tế khá giả và quan trọng là muốn nâng cao chất lượng cuộc sống. Và con số này được ước tính là 60% dân số dưới 40 tuổi của đất nước 92 triệu dân, một lượng khách hàng khổng lồ.
Phân đoạn thị trường này đã làm nên điều khác biệt giữa lợi nhuận của Vingroup và các doanh nghiệp khác. Trong khi hầu hết các ông lớn địa ốc một thời phải đối mặt với nợ xấu, tồn kho, thậm chí phải giảm giá, bán dự án, chuyển sang xây dựng nhà giá rẻ để có thể luân chuyển vốn thì Vingroup vẫn xây dựng căn hộ cao cấp.
Times City ghi dấu ấn với thủy cung lớn nhất Việt Nam cùng nhiều sinh vật biển lần đầu tiên xuất hiện như chim cánh cụt, cua nhện khổng lồ.... Ảnh: Tuấn Mark.
Thực tế, khi nhìn vào các dự án của Vingroup, người ta sẽ thấy một tổ hợp hoàn thiện, như một thành phố thu nhỏ, không chỉ là những khu nhà, biệt thự mà còn kèm với đó là cả bệnh viện, văn phòng, trung tâm mua sắm và các dịch vụ hỗ trợ. Đây là một điểm mà không phải nhà đầu tư bất động sản nào cũng làm được với các dự án của mình.
Mới đây, thông tin việc Vingroup sẽ rót vốn vào hàng loạt các dự án trung tâm thương mại khác tại Hải Phòng, Cần Thơ, Đà Nẵng và Bình Dương, cạnh tranh trực tiếp với tập đoàn Lotte Group của Hàn Quốc trên đường đua xây dựng các trung tâm mua sắm tại Hà Nội, TP. HCM, cũng như các thành phố khác lại làm nóng thị trường bán lẻ. Trong khi hàng loạt dự án tương tự tại Hà Nội và TP.HCM của các đơn vị khác đang nếm mùi thất bại, vắng bóng khách hàng, thì Tổng giám đốc Tập đoàn Vingroup Lê Thị Thu Thủy khẳng định, “Thị trường tiêu dùng Việt Nam rất nhiều tiềm năng. Việc sở hữu trung tâm lớn đầu tiên tại các thành phố sầm uất mang lại nhiều lợi thế".
Năm 2013 vừa qua cũng là thời điểm đánh dấu sự thăng hoa trên con đường sự nghiệp của ông chủ Vingroup khi trở thành tỷ phú Việt đầu tiên được vinh danh trên tạp chí Forbes bản quốc tế, trở thành gương mặt trang bìa cho số đầu tiên của phiên bản Forbes Việt Nam. Giống như những công trình và ước mơ lớn của mình, ông Vượng đang ở "một đẳng cấp riêng" như bình luận của Tổng giám đốc CBRE Việt Nam.
Hạ Minh
Theo zing.vn