Sinh viên góp sức xây cột mốc Trường Sa trong khuôn viên trường 11/06/2014 14:48:45
Bước vào cổng trường Cao đẳng Nghề Cần Thơ sẽ bắt gặp ngay mô hình cột mốc Trường Sa vững trãi “bám” đất liền. Trên cột mốc, lá cờ đỏ sao vàng bay phấp phới, điều này như nhắc nhở các bạn sinh viên luôn hướng về “núm ruột” ngoài khơi của Tổ quốc.
Mô hình cột mốc đảo Trường Sa được đặt ở vị trí trang trọng của Trường CĐ Nghề Cần Thơ. Mô hình cột mốc đảo Trường Sa được xây dựng bằng bê tông, cao 3,2m, đế rộng 3m. Trên bề mặt tứ cạnh cột mốc, ngoài việc thể hiện các vĩ độ, kinh độ của đảo Trường Sa, các kỹ sư thiết kế còn trạm khắc thêm biểu tượng trống đồng đặt ở tứ cạnh (gần đế) cột mốc. Điểm nhấn của cột mốc là phông cảnh biển đảo có kích thức 6x9m và thảm cỏ 30m2 xanh rì, điều này mang ý nghĩa đất liền và biển đảo luôn gắn kết.

Trao đổi với PV Dân trí, đồng chí Nguyễn Quốc Trung - Bí thư đoàn trường CĐ nghề Cần Thơ cho biết: “Từ lời kêu gọi của Thành đoàn TP Cần Thơ trong việc giáo dục trực quan cho thế hệ trẻ, chủ yếu là các bạn đoàn viên, sinh viên…, được sự đồng ý của Đảng ủy nhà trường, BCH Đoàn Trường CĐ Nghề Cần Thơ đã phát động chương trình quyên góp, xây dựng mô hình cột mốc Trường Sa trong khuôn viên trường và được toàn thể cán bộ, công nhân viên, đoàn viên và các bạn sinh viên nhà trường hưởng ứng và quyên góp được 36 triệu đồng để xây dựng mô hình cột mốc Trường Sa này.”

Sinh viên góp sức dựng cột mốc Trường Sa trong khuôn viên trường
Mô hình cột mốc Trường Sa của trường CĐ nghề Cần Thơ là mô hình đầu tiên ở bậc giáo dục CĐ, ĐH trên địa bàn TP Cần Thơ.

Theo đồng chí Trung, mô hình cột mốc Trường Sa do thầy trò trong trường tự thiết kế và thi công trong suốt 60 ngày mới hoàn thành. Bạn Vũ Công Khoa - sinh viên năm nhất ngành Điện công nghiệp chia sẻ: “Em rất vinh dự khi được đóng góp ngày công xây dựng mô hình cột mốc Trường Sa cùng với các bạn và các thầy trong nhà trường. Chính cột mốc này là hình ảnh sinh động và thiết thực nhất để nhắc nhớ chúng em về vấn đề chủ quyền biển đảo, nhất là hai “núm ruột” thân yêu - Hoàng Sa và Trường Sa ngoài biển khơi của đất nước. Chúng em là sinh viên cũng giống như những bạn sinh viên khác trên thế giới luôn mong muốn thế giới hòa bình để học tập, phấn đấu đóng góp cho xã hội. Khi Tổ quốc cần, tụi em sẵn sàng lên đường nhập ngũ để bảo vệ lãnh thổ của đất nước”.

Theo nhiều bạn sinh viên của trường, mô hình cột mốc Trường Sa luôn nhắc nhở các bạn về chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.

Bên cạnh mô hình cột mốc Trường Sa, nhà trường còn dành một khu trưng bày (liền kề với mô hình cột mốc Trường Sa) 3 bản đồ, gồm: Bản đồ toàn vẹn lãnh thổ Việt Nam; bản đồ quần đảo Hoàng Sa và bản đồ quần đảo Trường Sa. Tại bản đồ Hoàng Sa, một “điểm đỏ” nổi lên để giúp các bạn sinh viên thấy rõ vị trí mà Trung Quốc ngang nhiên đặt giàn khoan Hải Dương 981 trái phép trên vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam.

Phát biểu trong ngày khánh thành cột mốc mô hình Trường Sa, đồng chí Nguyễn Trọng Sơn - Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng Trường CĐ Nghề Cần Thơ nhấn mạnh: “Khánh thành mô hình cột mốc chủ quyền đảo Trường Sa trong thời điểm này là rất ý nghĩa, góp phần hun đúc lòng yêu nước, hướng về biển đảo trong tầng lớp học sinh, sinh viên. Qua đó, định hướng cho các em yêu nước đúng đắn, yêu biển đảo quê hương một cách thiết thực, văn minh. Đồng thời, tiếp thêm động lực cho các chiến sĩ trong cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc”.


 
Nhà trường còn trưng bày bản đồ quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa. Trên bản đồ Hoàng Sa - một "điểm đỏ" nổi lên để giúp các bạn sinh viên hiểu rõ về hành động sai trái của Trung Quốc khi đặt giàn khoan trái phép trên vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam.

Được biết, hiện nay trên địa bàn TP Cần Thơ có 17 mô hình cột mốc chủ quyền các đảo trong quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa và 1 nhà giàn DK1, được xây dựng tại các trường tiểu học, trung học cơ sở và THPT ở các quận, huyện, như quận Thốt Nốt, quận Ô Môn, huyện Vĩnh Thạnh, huyện Phong Điền, huyện Cờ Đỏ. Riêng ở bậc giáo dục CĐ - ĐH, mô hình cột mốc Trường Sa ở trường CĐ Nghề TP Cần Thơ là mô hình cột mốc Trường Sa đầu tiên đối với bậc giáo dục này.
 
 
Theo Nguyễn Hành (dân chí)