Những 'kho thóc khuyến học' níu học sinh bám lớp 02/05/2013 10:01:38
Trong lúc rất nhiều bản làng sinh sống dưới đại ngàn Trạm Tấu vẫn còn lo lắng đến cái ăn, cái mặc thì 100% các điểm trường của huyện Trạm Tấu đều có “kho thóc khuyến học”.Sáng kiến này đồng nghĩa với việc sẽ có hàng vạn bữa ăn cho các cháu học sinh bám lớp, bám trường…
 
Điểm trường Pá Hu (xã Pá Hu, huyện Trạm Tấu, Yên Bái).
 
Nậm Tung không đơn độc

Điểm trường Pá Hu (xã Pá Hu, huyện Trạm Tấu, Yên Bái) nằm chon von trên một đỉnh đồi. Để đến được điểm trường đó, phải đi qua con đường hình chữ “Z” cua gấp khúc, và len lỏi qua những tảng đá hộc nằm chềnh ềnh trên con dốc trơn trượt…

Hiệu trưởng trường Pá Hu, cô Nguyễn Thị Thu Hiền, quê ngoài thị xã Nghĩa Lộ đón tôi tại phòng làm việc ngăn nắp, có đủ trang thiết bị phục vụ cho công việc chuyên môn.
 
 
Trên khoảng sân xi-măng vuông vắn, các em học sinh đang sinh hoạt nghi thức đội. Một nhóm đang lao động tập thể, thu dọn rác; một nhóm khác đang tăng gia trồng rau ven bờ suối; Một nhóm khác đang cùng cô Hường, hiệu phó nhà trường đang… xát thóc!

Máy xát đặt trong một chiếc lán vách nứa, mái lợp pro-ximang là tài sản của gia đình ông bí thư xã Pá Hu, Thào A Tòng. Ông bí thư xã bận quần áo lao động, đang tất bật giữa đám học sinh cổ vẫn còn đeo khăn quàng đỏ, đứng thành một dây dài đang chuyển nhau những chậu thóc.
 
 Hơn chục cô trò, bác cháu… cùng mải miết làm việc.
 
Cô hiệu phó người nhỏ nhắn, mặt lấm tấm mồ hôi đứng lẫn trong đám thóc gạo, khói bụi và tiếng ồn của máy nổ. Cô được Ban Giám hiệu giao nhiệm vụ “mở kho thóc” đúng thời điểm tôi lên Pá Hu.

Ba, bốn bao gạo xát xong trắng xóa, vỏ bao vẫn còn nóng hôi hổi và mùi gạo mới thơm ngậy. Gần chục bao thóc khác vẫn đang xếp chồng thành đống, được ba, bốn học sinh loay hoay tháo đầu bao và san sang các thúng, chậu, rồi “chạy dây chuyền”…

Mục tiêu của cô trò cô giáo Hường, trong chiều hôm nay sẽ phải xát hết số thóc vừa được “mở kho”, vì ngày mai bác bí thư bận việc trên xã, không có nhà, và như thế sẽ không có ai đứng máy…
 Thầy trò trường Pá Hu đang xát thóc trong ngày “mở kho thóc khuyến học”.
 
Rời đám ồn ào, khói bụi và hạnh phúc ấy, cô Hiền kể: bác bí thư xát giúp nhà trường, không lấy tiền công. Vì một năm nhà trường xát nhiều lần, mà năm nào cũng thế, nên nhà trường quyết định sẽ “biếu” bác bí thư phần cám, chỉ xin giữ vỏ trấu để làm đồ đun hoặc bón đất tăng gia trồng rau.
Cô Hiền “lý luận” rất hợp tình hợp lý, là: cái máy của bác bí thư nó nghiền thóc ra gạo, chứ không phải bác quần quật ù ì xay lúa như thuở xưa, nhưng muốn cái máy nó chạy, phải có dầu, có điện chứ! Và, thế là ông bí thư xã tốt bụng phải gật đầu chấp nhận.

“Kho thóc” giữ chân học trò

Câu chuyện về “kho thóc khuyến học” là một sáng kiến của ngành giáo dục huyện Trạm Tấu, huyện vừa nghèo, vừa xa “cuối bảng” của Yên Bái. Ban đầu, các Đảng viên, cán bộ công chức, giáo viên gương mẫu đi đầu, mỗi người đóng góp 15 – 30kg cân gạo để thành một “kho gạo” cho các em. Kho gạo ấy, được giao cho các điểm trường tự quản, và để “chia” cho những em không được nằm trong diện tiêu chuẩn hưởng chế độ bán trú.

Ở vùng cao, chính sách “bán trú” được dành cho các cháu học sinh nhà cách xa điểm trường bán kính từ 20km trở lên, gia đình thuộc diện nghèo, cận nghèo nhưng chưa được hưởng chế độ nội trú (ăn, nghỉ tại trường). Mỗi cháu sẽ được hưởng chế độ một bữa cơm trưa, mức hỗ trợ bằng 45% hỗ trợ của các cháu nội trú. Tính nhanh, mỗi cháu mỗi ngày nhận được tiền hỗ trợ chưa đầy 10.000 đồng/cháu. 
 
 
Xét theo cái tiêu chí “bán kính xa trường tối thiểu 20km”, thì rất nhiều cháu học sinh nhà “trót” nằm ở cái… vạch dưới 20km sẽ không thuộc diện được hưởng bán trú. Trong khi đó, vùng cao, bất luận ở gần trung tâm hay xa trung tâm, gần điểm trường hay xa điểm trường, nhà nào cũng nghèo, cũng đói, tháng giáp hạt vẫn còn là niềm ám ảnh chưa xóa được. Vô hình trung, “cháu 20km” thì được hưởng chế độ, còn cháu… “xấp xỉ 20km” thì chẳng có gì. Kho thóc khuyến học ra đời.

100% các điểm trường có 'kho thóc khuyến học'

Ban đầu, cũng có lời nọ tiếng kia, bàn ra bàn vào vì nghĩ thầy cô tư túi, mục đích cá nhân, nhưng cán bộ, Đảng viên, giáo viên của Trạm Tấu cứ bền bỉ thực hiện. Hàng vạn bát cơm đã làm ấm lòng bao cháu bé trong cơn lạnh. Thế mà thấm thoắt đã được 7,8 năm các kho thóc khuyến học rầm rộ “mọc” giữa rừng già.

Các gia đình phụ huynh thấy phong trào thiết thực quá, đến mùa tự nguyện xin nộp, người dăm cân, người chục cân, vì họ nhận thấy ngay, kho thóc là dành cho con em mình. Không phải vận động, tuyên truyền, ngày khai giảng năm học, người người, nhà nhà lũ lượt mang thóc đến ủng hộ kho thóc của nhà trường!

Năm 2011, trường tiểu học và THCS bán trú Pá Hu của cô Hiền quyên được 1 tấn 380kg thóc. Năm 2013, ngày 15/3, Pá Hu mở kho thóc. Nhà trường mời đại diện xã, đại diện phụ huynh học sinh đến để chứng kiến, có biên bản... “mở kho”. Thành quả của “kho thóc khuyến học” vận động từ năm 2012, trường Pá Hu được 2 tấn 040kg, gấp gần hai lần năm 2011.

Nếu quy đổi ra tiền, nó sẽ là một con số chẳng ai nhớ lâu, nhưng, phải tận mắt nhìn những bao thóc xếp chồng lên nhau, những bao gạo nóng hổi và thơm ngậy vì vừa mới qua xát máy, cảnh cô trò nhễ nhại mồ hôi, chuyền nhau những thúng thóc trong khói bụi và máy nổ ầm ĩ, mới thấy sức sống bền bỉ của một sáng kiến thiết thực. Đến nay 100% các điểm trường ở Trạm Tấu đều đã có “kho thóc khuyến học”!


Theo: Vietnamnet