Không cơ chế hợp lý, 50.000 sinh viên phải nghỉ học? 20/12/2012 11:24:53
Hầu hết các ý kiến của các đại biểu đều cho rằng, bằng quy định về điểm sàn, Bộ GD-ĐT đang đẩy các trường ĐH ngoài công lập vào chỗ phải giải thể.
50.000 sinh viên có nguy cơ nghỉ học

Sáng 19/12, Hiệp hội các trường Đại học, cao đẳng ngoài công lập tại khu vực Hà Nội đã tiến hành hội nghị lấy ý kiến kiến nghị giúp Bộ GD-ĐT hoàn thiện kế hoạch tuyển sinh năm 2013.

Chia sẻ tại hội nghị, PGS.TS Trần Xuân Nhĩ, Phó Chủ tịch Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng ngoài công lập nhận định rằng năm nay cũng xảy ra thực tế các trường đại học ngoài công lập không tuyển đủ chỉ tiêu dẫn tới nguy cơ phải đóng cửa nếu Bộ GD-ĐT không có cơ chế giúp đỡ.
Không cơ chế hợp lý, 50.000 sinh viên phải nghỉ học?
 Rất nhiều ý kiến được đưa ra bàn thảo tại hội nghị sáng 19/12 (Ảnh: Phạm Thịnh)
 
Một đại biểu lấy ví dụ rất cụ thể: “Trường ĐH Tân Tạo (TP.HCM) với cơ ngơi khai trang, đội ngũ nhiều giáo sư từ Mỹ tham gia giảng dạy mà năm qua chỉ tuyển được 30 sinh viên thì buồn quá”.

Một hiệu trưởng một trường đại học dân lập danh tiếng cũng phải thốt lên rằng: “Chưa năm nào như năm nay, chúng tôi gặp nhiều khó khăn trong tuyển sinh đến vậy. Trong khi trường khẳng định cơ sở vật chất, giáo viên không thua kém các trường công, tỉ lệ sinh viên ra trường có việc làm cao”. 

Vị hiệu trưởng này băn khoăn trước con số mỗi năm có 1,2 triệu học sinh tốt nghiệp nhưng không thể chọn được 400.000 thí sinh vào đại học, cao đẳng. Điều đó cho thấy phương án điểm sàn không hợp lý như lời lãnh đạo Bộ GD-ĐT tuyên bố. 

Một vị hiệu trưởng khác lại đưa ra số liệu: “85% học sinh hiện nay đang ở công lập, nếu họ tuyển dư 10% an toàn thì ngoài công lập không thiếu mới lạ”. Vì vậy, việc hàng năm các trường ngoài công lập vẫn thiếu chỉ tiêu dù nói nhiều nhưng vẫn luôn là vấn đề mới.
Không cơ chế hợp lý, 50.000 sinh viên phải nghỉ học?
Nhiều đại biểu đến từ các trường đại học ngoài công lập tỏ ra khá bức xúc khi không tuyển đủ chỉ tiêu (Ảnh: Phạm Thịnh) 
 
Theo phân tích của một vị hiệu trưởng, do thời gian tuyển sinh kéo dài lại không quy định điểm trúng tuyển lần thứ 2 phải cao hơn lần thứ 1 nên các thí sinh sẽ chọn trường công do học phí thấp hơn. “Như vậy, sớm muộn thì hệ thống giáo dục ngoài công lập sẽ chết” - Vị này chia sẻ.

Thậm chí, một nữ đại biểu còn nêu ra con số đáng giật mình khi “Gần 50.000 sinh viên, hơn 3.000 cán bộ, giảng viên của hơn 80 trường ĐH-CĐ ngoài công lập là con số không nhỏ đang đứng trước nguy cơ giải thể nếu nhà nước không có chính sách giúp đỡ”. Rõ ràng, khi các trường đại học ngoài công lập bị giải thể thì số sinh viên đang học tại trường cũng sẽ bơ vơ, không biết đi đâu về đâu.

Một vị hiệu trưởng tỏ ra hài hước khi ví von rằng hiện nay Bộ GD-ĐT đang cho các trường ĐH, CĐ ngoài công lập một "thanh gươm, một lọ thuốc độc và một dải lụa để tự kết liễu đời mình".

Bộ GD-ĐT cần bỏ điểm sàn, công khai phổ điểm

Rất nhiều ý kiến của các vị đại biểu tỏ ra bức xúc khi cùng một sân chơi nhưng trong khi các trường đại học ngoài công lập có đầy đủ các điều kiện về cơ sở vật chất và đội ngũ giảng viên thì các trường ngoài công lập lại phải tự thân vận động.

Do vậy, nhiều đại biểu cũng cho rằng chủ trương xã hội hóa giáo dục đang không được thực hiện đúng. 
Không cơ chế hợp lý, 50.000 sinh viên phải nghỉ học?
Nhiều trường ngoài công lập cho rằng ngay trong mùa tuyển sinh năm 2013 cần phải hạ điểm sàn cho các trường đại học ngoài công lập (Ảnh minh họa) 
 
Một đại biểu kiến nghị Bộ GD-ĐT phải công khai phổ điểm thi ĐH của thí sinh để thấy được chất lượng đầu vào hàng năm. Phổ điểm các năm không được Bộ GD-ĐT công bố chính thức gây khó khăn cho việc xác định chính xác điểm sàn. Vì vậy, khi xác định điểm sàn phải căn cứ trực tiếp trên phổ điểm đã được công bố rộng rãi. 

"Gần 50.000 sinh viên, hơn 3.000 cán bộ, giảng viên của hơn 80 trường ĐH-CĐ ngoài công lập là con số không nhỏ đang đứng trước nguy cơ giải thể nếu nhà nước không có chính sách giúp đỡ. "
 
Ngoài ra cũng cần có sự tham gia nhiều hơn của hiệp hội các trường ngoài công lập vào việc xác định điểm sàn các năm.

Nhiều ý kiến cho rằng, hiện nay đã đến thời điểm Bộ GD-ĐT nên bỏ phương thức thi 3 chung và xét vào đại học dựa trên kết quả thi tốt nghiệp THPT. 

Nếu giữ 3 chung, phải phân định rạch ròi những trường đào tạo tinh hoa, đào tạo nghiên cứu, cán bộ nhà nước phải có điểm sàn cao hơn và các trường không được lấy dưới mức điểm đó. Trong khi đó, các trường ngoài công lập, sinh viên phải đóng học phí cao sẽ có điểm vào thấp hơn.

Bàn về giải pháp thiết thực cho mùa tuyển sinh năm 2013, nhiều đại biểu cùng đồng quan điểm cho rằng Bộ GD-ĐT nên để các trường đại học ngoài công lập được lấy dưới điểm sàn cho tới khi đủ nguồn tuyển.

Những thí sinh dưới điểm sàn sẽ phải học thêm một thời gian dự bị đại học với các môn quy định và sau đó từng trường sẽ tổ chức thi. Những thí sinh nào đủ điều kiện sẽ được nhận vào trường để học.
 
Nguồn: VTC News