Logic được nhận định là môn học có tầm quan trọng đặc biệt đối với
việc giúp sinh viên rèn luyện và phát triển tư duy logic và được đưa vào
giảng dạy trong hầu hết các trường ĐH, CĐ. Tuy nhiên, chất lượng dạy
học môn học này hiện nay còn rất hạn chế, một phần do sinh viên “sợ”,
“ngại” môn học trừu tượng, khô khan; giảng viên cũng chưa có sự đầu tư
thỏa đáng để tăng hấp dẫn trong bài giảng của mình.
Khô và khó?
Một
trong những bằng chứng cho thấy sinh viên e ngại với bộ môn Logic học
thể hiện ở kết quả học tập môn học này thường không cao bằng nhiều môn
học khác. Không ít sinh viên phải học lại, thi lại, thậm chí ở lại lớp
vì chưa đáp ứng đủ điểm thi của môn học này.
Logic
học là môn “đáng sợ” trong suy nghĩ không chỉ của nhiều sinh viên học
xã hội mà còn cả những sinh viên học khối tự nhiên, kỹ thuật, bởi môn
học một phần xuất hiện nhiều dấu, ký tự, phép toán, phần khác lại có
nhiều kiến thức phong phú, sống động, mang nhiều nội dung “xã hội”.
Theo
Th.S Phạm Thu Trang, viện Thông tin khoa học xã hội (Viện Khoa học xã
hội VN), để suy nghĩ theo đúng logic sự vật ở trình độ tư duy trừu
tượng, nhận thức lý tính quả thực không dễ dàng bởi nó phần nhiều trái
ngược với những hiểu biết thông thường đã bám rễ sâu sắc trong ý thức
của tuyệt đại đa số người học từ thưở ấu thơ.
Theo
lý giải của giảng viên Vũ Văn Cảnh – Trường ĐHSP (ĐH Thái Nguyên) thì
ngoài tính trừu tượng cao, đây là môn học mà phần lớn học sinh phổ thông
chưa từng được tiếp xúc, thêm nữa, lại được bố trí giảng dạy vào học kỳ
I một thứ nhất nên sinh viên càng bỡ ngỡ do chưa có quen với môi
trường, phương pháp học ở ĐH, khả năng tư duy trừu tượng cũng như vốn
sống còn hạn chế.
Biến Logic học thành môn học hấp dẫn
Th.S
Phạm Thu Trang cho rằng, đặc trưng của Logic học là tính tuần tự và
liên kết chặt chẽ, các bài học liên quan đến nhau theo đúng kiểu
“logoc”, nếu không hiểu bài trước thì bài tiếp sau cũng sẽ rất khó tiếp
thu. Do đó, nếu sinh viên không tập trung vào bài học hoặc đi học không
đều sẽ rất bất lợi trong quá trình học môn học này. “Tập trung chú ý ngay từ đầu, liên tục và tự giác – đó chính là bí quyết để học tốt môn học này” - Th.S Phạm Thu Trang cho hay.
Giảng
viên Vũ Văn Cảnh - Trường ĐHSP (ĐH Thái Nguyên) cho rằng, để học tốt,
ngoài việc tiếp thu kiến thức cơ bản trên lớp, sinh viên cần có giáo
trình và tài liệu tham khảo để tự học, tự nghiên cứu; nhưng quan trọng
nhất là phải thường xuyên và tích cực làm bài tập. Qua thực tiễn, lớp
nào, sinh viên nào tích cực tự làm được nhiều bài tập thì sinh viên đó,
lớp đó đạt kết quả cao hơn.
Qua thực tiễn giảng
dạy, ThS Nguyễn Thị Tuất – Trường ĐH SP Hà Nội đã đưa ra những cách dạy
sinh động, khiến mỗi bài giảng đều rất thú vị, dễ hiểu. Đó là việc học
thông qua sơ đồ hóa những nội dung lý thuyết, giúp người học tiếp thu
kiến thức một cách trực quan, dễ nhớ, dễ hiểu, chỉ cần nhìn vào sơ đồ,
người học có thể phát biểu lại được nội dung lý thuyết. Hoặc học thông
qua hệ thống các ví dụ; học thông qua việc tìm ra quy luật, tính quy
luật của nội dung bài học. Đặc biệt, với phương pháp học thông qua những
câu chuyện vui, dí dỏm, ThS Nguyễn Thị Tuất cho rằng giờ học Logic học
sẽ không còn khô khan.
ThS Nguyễn Thị Tuất đưa
ra ví dụ: Từ câu chuyện anh chàng mượn chủ quán cái vạc, khi ông chủ
quán đòi, anh ta mang đến 2 con cò. Chủ quán bảo “Anh mượn tôi vạc tại sao lại mang cò đến trả?”. Anh chàng liền nói “Tôi mượn ông một vạc mà tôi trả đến hai cò thì ông được hời quá còn gì nữa”. Chủ quán ngạc nhiên “Nhưng mà vạc của tôi là vạc đồng cơ mà”. Anh chàng liền đáp: “Thì cò tôi cũng là cò đồng chứ sao”.
Qua
câu chuyện này giúp người học thấy được yêu cầu cơ bản của quy luật
đồng nhất của logic hình thức là: khi tư duy, lập luận về một đối tượng
nào đó, đòi hỏi các khái niệm được sử dụng trong tư duy về đối tượng
phải rõ ràng, chính xác và giữ được tính nhất quán của chúng trong suốt
quá trình tư duy, đặc biệt, cần lưu ý những từ đồng âm khác nghĩa hay
đồng nghĩa khác âm; không đồng nhất những tư tưởng khác nhau, nếu không
thực hiện các yêu cầu đó sẽ xảy ra tình trạng “ông nói gà, bà nói vịt”
tức đã vi phạm quy luật này như câu chuyện nói trên.
Theo
TS.Phạm Quỳnh – NXB Giáo dục VN, mặc dù Logic học đã được đưa vào
nghiên cứu và giảng dạy ở nước ta từ khá sớm, khoảng những năm 50 của
thế kỷ XX, nhưng dường như từ đó đến nay, khung chương trình dạy đại
cương vẫn không thay đổi. Nhiều giáo trình mới đã được xuất bản nhưng
vẫn chưa có một sự thống nhất cách hiểu các thuật ngữ cơ bản, các kiến
thức nền tảng vẫn còn có những chỗ chưa thật chính xác. Trong khi đó,
Logic học trên thế giới đã có những bước tiến khá xa về phương diện lý
thuyết lẫn ứng dụng.
Đưa ra một số điểm chưa
thống nhất trong các tài liệu Logic học, Th.S Nguyễn Thị Toan – Trường
ĐHSP Hà Nội đề nghị, nên có một hội nghị khoa học thống nhất những nội
dung trên, từ đó có một bộ giáo trình Logic học tương đối chuẩn trong
phạm vi quốc gia; đồng thời kiến nghị Bộ GD&ĐT nên đưa môn học này
thành môn học bắt buộc trong các trường chuyên nghiệp nhằm nâng cao năng
lực tư duy lôgic cho sinh viên, từ đó tăng sức cạnh tranh của nguồn
nhân lực Việt Nam trong thời đại toàn cầu hóa.
(Theo Giáo dục & Thời đại)