Gắn học lịch sử với nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền quốc gia 13/11/2012 14:57:02
Bộ GD&ĐT vừa thông báo kết quả tổ chức hội thảo khoa học quốc gia về dạy học lịch sử ở trường phổ thông Việt Nam, trong đó nêu đề xuất giảm nội dung chính trị, chiến tranh, bổ sung lịch sử văn minh thế giới, gắn nội dung bài học với nhiệm vụ giữ gìn chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ quốc gia.

Đa số đại biểu tham dự hội thảo cho rằng, dạy lịch sử trong trường phổ thông còn nhiều hạn chế. Không chỉ cơ cấu nội dung chưa phù hợp, lịch sử chiến tranh chống xâm lược quá dài trong khi thành tựu nghiên cứu mới chưa được cập nhật mà phương pháp dạy cũng chưa được cải tiến.

Vốn được xem là đạo diễn của bài giảng nhưng nhiều giáo viên dạy sử còn hạn chế về năng lực chuyên môn. Họ thường yêu cầu học sinh học thuộc lòng chứ chưa phải là hiểu, vận dụng các kỹ năng phân tích, tổng hợp. Thế nên tính tích cực của học sinh không được phát huy.

Theo các nhà nghiên cứu, nguyên nhân của những hạn chế trên là tư duy về giáo dục chậm được đổi mới, vị trí, vai trò của môn lịch sử chưa được nhận thức đúng. Mặt khác, chính sách đãi ngộ không tạo động lực cho đội ngũ giáo viên để họ tâm huyết với nghề.

Các nhà nghiên cứu đề xuất phải gắn việc học kiến thức lịch sử với nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền lãnh thổ quốc gia. Ảnh minh họa: Hoàng Hà.

Từ thực trạng đó, các đại biểu đề ra nhiều giải pháp để đổi mới dạy và học môn lịch sử trong trường phổ thông. Theo đó lịch sử cần được xem là môn học trang bị kiến thức và giáo dục lòng yêu nước, trân trọng giá trị truyền thống của dân tộc, giáo dục nhân cách, tư duy độc lập sáng tạo cho học sinh.

Sách giáo khoa lịch sử cần giảm nội dung chính trị, chiến tranh và thay bằng lịch sử văn minh thế giới, cập nhật những thành tựu nghiên cứu của khoa học lịch sử, đồng thời gắn nội dung bài học lịch sử với nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ đất nước, giữ gìn chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ quốc gia.

Phương pháp dạy môn lịch sử cần được đổi mới theo hướng kết hợp dạy học truyền thống và hiện đại để tạo hứng thú học tập cho học sinh, tăng cường khai thác tư liệu bảo tàng, tổ chức dạy học lịch sử tại bảo tàng, nhà truyền thống, thực hiện giáo dục di sản và dạy học theo dự án, ứng dụng công nghệ thông tin có hiệu quả trong dạy học lịch sử.

Một kiến nghị quan trọng của hội thảo là quy hoạch đào tạo và bồi dưỡng giáo viên lịch sử theo yêu cầu dạy học phát triển năng lực học sinh. Bên cạnh việc tiếp cận các yếu tố tích cực trong hệ thống đào tạo mở của các nước tiên tiến cần xây dựng cơ chế, chính sách nhằm thu hút giảng viên người nước ngoài tham gia đào tạo ở các khoa lịch sử hay tạo điều kiện để giảng viên, sinh viên được đi đào tạo ở nước ngoài.

Hoàng Thùy

Theo vnexpress.net