"Bí quyết" thực hiện truyền thông khoa học của người Nhật 05/10/2012 10:12:14

Vào cuối tháng 6 vừa qua, đoàn công tác của Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Truyền thông Khoa học và Công nghệ (CESTC) đã có chuyến thăm và làm việc tại Nhật Bản.

Dưới đây là ghi nhận của một thành viên trong Đoàn về kinh nghiệm tổ chức truyền thông khoa học ở Nhật Bản.

Đại diện Bộ Giáo dục, Văn hóa, Thể thao, Khoa học và Công nghệ Nhật Bản (MEXT) cho biết, sau sự cố xảy ra thảm họa động đất ở phía đông Nhật Bản (11/3/2011), Nhật Bản tập trung vào kế hoạch phát triển KH-CN lần thứ tư (giai đoạn 2011-2015), trong đó đặc biệt chú trọng việc đổi mới KH-CN. 

Mục tiêu lớn đặt ra với Nhật Bản là làm thế nào để KH-CN có thể hồi phục và tái thiết lại đất nước từ sau thảm họa. Cho nên, ngân sách liên quan đến KH-CN được Mext quản lý trong năm 2011 rất lớn, lên tới 67% tổng ngân sách Chính phủ chi cho phát triển KH-CN, tương đương 30,6 tỷ USD.

Quan hệ chặt với truyền thông
 
 Hoạt động quan hệ công chúng (Public Relaations, ở ta thường gọi là PR) được các cơ quan khoa học của Nhật Bản thực hiện rất hiệu quả qua các hình thức: PR cho giới truyền thông, PR công chúng, PR nội bộ.

Theo đại diện Cơ quan KH-CN Nhật Bản (JST), một hoặc 2 lần/tháng, cơ quan này tổ chức họp mặt thân mật giữa cán bộ JST và giới truyền thông. Trong buổi gặp gỡ này, JST sẽ trình bày các sự kiện mới cho giới truyền thông và lắng nghe quan điểm, hành động của giới truyền thông một cách thẳng thắn. Mỗi cuộc họp mặt sẽ có khoảng 30 người từ 15 tổ chức đến tham dự. Đây là cách làm hiệu quả tạo cơ hội tốt cho nhà khoa học với nhà báo gần gũi hơn, nhà báo cũng hiểu rõ hơn về những thành tựu KH-CN do được chính các nhà khoa học giới thiệu, giải thích.

Với PR công chúng, JST cũng có trang thông tin bằng tiếng Anh tiếng Nhật và sắp tới là tiếng Hoa, tiếng Trung. Mỗi năm, có 10.000 cuốn sách thống kê được phát hành. Ngoài ra, còn có các cuốn sách bỏ túi (cập nhật tin tức của JST) giới thiệu về các thành tựu và dự án đặc biệt. Bản mềm của cuốn sách này có thể tải về qua trang thông tin của JST. JST cũng thường xuyên gửi các bản tin cho những người đăng ký nhận bản tin qua email. 

Bí quyết thực hiện truyền thông khoa học của người Nhật
Trẻ em tìm hiểu về trận động đất sóng thần ngày 11/3/2011 qua màn hình 3D tại Bảo tàng khoa học ở Nhật. (Ảnh: Mai Hà)

Nhiều hình thức PR

Đặc biệt, PR nội bộ là một kênh thông tin liên lạc của các nhân viên JST. Thông tin về công việc, địa chỉ nơi làm việc, giới thiệu các thành viên của JST… được thể hiện dưới định dạng PDF lưu hành trong nội bộ JST. Các thành viên của JST cũng có thể thảo luận các chủ đề riêng một cách thoải mái dưới hình thức “Cà phê khoa học”.

Trung tâm truyền thông khoa học Nhật Bản (SMC) trực thuộc JST đóng vai trò là cầu nối giới thiệu các nhà khoa học với các phóng viên thông qua các chương trình nghị sự đươc tổ chức khi có các sự kiện.

SMC được Chính phủ Nhật Bản hỗ trợ như là một dự án nghiên cứu và được cấp một nguồn kinh phí hoạt động. Tuy nhiên, SMC không bị phụ thuộc về phát ngôn nhất là phát ngôn về phương diện chính trị.

Hiện nay, SMC có mạng lưới danh sách nhà báo và các thành viên đăng ký kết nối lên tới 400 người. Khi có một vấn đề khoa học nổi cộm, với vai trò kết nối, SMC sẽ thu thập thông tin từ trong nước, sau đó sẽ chuyển tới các trung tâm truyền thông tương tự của các nước khác để lấy được ý kiến đánh giá thứ cấp.

Theo Mai Hà
Đất Việt

________________________