"Nạn nhân" là con rắn cạp nong màu xanh biển, bị cắn chết trong lúc tìm kiếm nơi trú ẩn trên giường của một người đàn ông ở miền trung Ấn Độ.
Ông Rai Singh, sống tại bang Chhattisgarh, Ấn Độ, nói trong cuộc phỏng vấn với kênh truyền hình địa phương: "Lúc 9 giờ tối, trong khi chuẩn bị lên giường ngủ, tôi nhìn thấy một con rắn đang trườn về phía mình. Tôi đã dùng gậy để xua đuổi nhưng vẫn nó lao vào tấn công. Tôi đành phải cắn chết nó".
Một hàng xóm của Singh sau đó đã mô tả vụ việc là "đáng kinh ngạc" và cho rằng ông đã "rất may mắn mới có thể sống sót, vì rắn cạp nong rất độc". Đây là một trong 4 loài rắn độc gây ra phần lớn các vụ tấn công chết người ở Ấn Độ, nơi có khoảng 50.000 người chết vì bị rắn độc cắn mỗi năm.
Rắn cạp nong là một trong 6 loại rắn nguy hiểm nhất thế giới. Ảnh: TurtleHurtled
Rắn cạp nong thường trườn vào nhà dân vào mỗi đêm trong suốt mùa mưa để tìm nơi trú ẩn khô ráo. Vết cắn của chúng thường không gây đau đớn và nạn nhân sẽ không nhận ra mình vừa bị cắn trong lúc ngủ. Tuy nhiên, 80 % người bị rắn cạp nong cắn đều không qua khỏi.
Đã có hàng loạt vụ tấn công liên quan tới rắn ở Ấn Độ trong vài năm gần đây. Tuy nhiên, theo Pooja Bhale, một chuyên gia của nhóm giải cứu và bảo vệ rắn Protecterra Ecological Foundation, loài động vật này thường chỉ tấn công con người khi bị đe dọa hoặc dồn vào đường cùng.
"Rắn là sinh vật dễ bị hiểu nhầm và trở thành nạn nhân của sự thiếu hiểu biết và kiến thức nhất. Mọi người thường hoảng loạn mà không quan tâm xem nó có độc hay không", bà nói với Telegraph.
"Nếu con người hành động thận trọng và đánh lạc hướng chú ý của chúng, họ có thể tự cứu chính mình và những con rắn", bà nói thêm.
Theo Zing