Vượt biên về nước học chữ 15/11/2012 14:17:04

Câu chuyện về thầy và trò ở vùng biên giới Khánh An (huyện An Phú, tỉnh An Giang) gần giống như chuyện cổ tích về tinh thần vượt khó để tìm hành trang tri thức.

Những chuyến đò vùng biên

Cứ vào sáng sớm, bến đò Khánh An (huyện An Phú, tỉnh An Giang), khu vực giáp ranh với tỉnh Kandal (Campuchia), lại tràn ngập những chiếc áo trắng thắt khăn quàng đỏ. Hết chuyến này đến chuyến khác đều chất đầy học sinh. Đò vừa cập bến, các em lại nhanh chóng đến các điểm trường học trên địa bàn xã biên giới Khánh An.

Các em hàng ngày phải vượt biên để đi học.

Đó là những học sinh người Việt sống ở Pẹc Chạy (tỉnh Kandal, Campuchia). Hàng ngày, các em vẫn sang biên giới tìm cái chữ. Trong số đó, có cặp chị em song sinh Đỗ Thị Lớn và Đỗ Thị Nhỏ, cùng học lớp 9A2 trường THCS Khánh An.

Hai cô bé cho biết, gia đình em vốn gốc ở xã Phú Hữu (huyện An Phú). Do cuộc sống khó khăn nên ba mẹ sang Pẹc Chạy thuê đất làm ruộng, dần dần mua đất rồi định cư luôn bên đó. Mỗi ngày, hai chị em đều tranh thủ ăn sáng do mẹ nấu trước khi có chuyến đò đến đón cho kịp giờ học, kết thúc buổi học sáng lại trở về Pẹc Chạy. Riêng hôm nào có tiết học thể dục hay học nghề trái buổi, các em mới ở lại cho đến chiều. Tuy vất vả là vậy nhưng chưa bao giờ các em đi trễ. Không những thế, nhiều năm liên cả hai chị em này đều là học sinh giỏi.

“Tụi em sẽ quyết tâm đi học để sau này thi vào ngành bác sĩ, nếu không đủ khả năng thì làm y sĩ hoặc y tá. Ở vùng Pẹc Chạy, đa phần những bạn cùng trang lứa với tụi em đều đã nghỉ học phụ giúp gia đình. Ba mẹ cực khổ lo cho ăn học cũng chỉ mong tụi em có được nghề nghiệp ổn định sau này”, cô chị Đỗ Thị Lớn giãi bày trong khi cô em song sinh Đỗ Thị Nhỏ cũng gật đầu thể hiện quyết tâm.

Lo cho ngày mai

Đến thời điểm này, những cánh đồng không đê bao ở vùng đầu nguồn An Phú nước đã rút nhiều nhưng nhiều con đường ở Pẹc Chạy vẫn còn ngập sâu, có nơi nước rút thì cũng lầy lội, không đi lại được.

Em Hồ Văn Linh, lớp 9A1 Trường THCS Khánh An, cho biết mọi hoạt động, đi lại của gia đình đều phải dùng xuồng. Nếu như anh trai của Linh là Hồ Văn Vũ, đang học lớp 11 Trường THPT Quốc Thái, đã sang nhà người cô bên An Phú ở nhờ để tiện đi học, thì hàng ngày Linh vẫn phải dậy trước 4 giờ 30, sửa soạn cặp vở để đò đến rước. Gia đình Linh còn bà nội lớn tuổi, buôn bán vài thứ lặt vặt ở nhà, chỉ có mỗi mình cha đi làm thuê để lo cho việc học của hai anh em.

Thầy trò học sinh vùng biên An Giang.

Linh cho biết, mỗi kỳ nghỉ hè, em lại tranh thủ đi bẻ ớt mướn, dành dụm tiền lo cho năm học mới. Những năm gần đây, Linh đều đạt danh hiệu học sinh giỏi nhưng việc học của em có khả năng bị dở dang do gia đình quá khó khăn.

“Bà nội em kêu nghỉ học để đi làm kiếm tiền vì lên cấp 3 phải đi xa hơn, tốn kém cũng nhiều. Bản thân em thì rất muốn tiếp tục đi học để sau này có công việc ổn định, phụ tiếp gia đình”, Linh bộc bạch.

Đối với cô bé Diệp Thị Thu Nguyên, lớp 9A2, được đến trường đã là điều may mắn. Nguyên là con gái út trong gia đình có đến 8 anh chị em nhưng chỉ có 4 người đi học, số còn lại phải nghỉ sớm để đi làm phụ giúp ba mẹ. Điều đáng mừng là Nguyên và các anh chị đều học giỏi, có người đã tốt nghiệp đại học và tìm được công việc ổn định ở TP.Long Xuyên (tỉnh An Giang).

Nhà chỉ còn mình Thu Nguyên hàng ngày phải vượt sông qua biên giới đến trường nên được mẹ ưu ái dậy sớm nấu cơm cho ăn sáng. “Em ước mơ sau này sẽ trở thành nhà báo để phản ánh về cuộc sống của người dân vùng biên, tìm cách giúp đỡ những học sinh nghèo được tiếp tục đến trường”, cô bé chia sẻ.

Tấm lòng thầy cô giáo

Thầy La Văn Bé, Hiệu trưởng Trường THCS Khánh An, cho biết, năm học này, trường huy động được 603 học sinh ra lớp. Trong đó, có 190 em đến từ Pẹc Chạy.

“Theo Nghị định 49 của Chính phủ, học sinh vùng biên giới được miễn học phí và hưởng trợ cấp 70.000 đồng/tháng. Đối với nhiều học sinh ở Pẹc Chạy, quy định này khó áp dụng do các em không có sổ hộ khẩu nên nhà trường đã vận động từ các nguồn khác nhau để hỗ trợ học phí. Tuy nhiên, tỷ lệ bỏ học của học sinh người Việt bên Campuchia vẫn còn cao. Năm học này, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện An Phú giao chỉ tiêu vận động 35% số học sinh bỏ học bên Campuchia trở lại lớp nhưng trường thực hiện chưa đạt. Do đặc thù biên giới, dù biết hoàn cảnh học sinh bên đó rất khó khăn nhưng giáo viên ít có điều kiện qua Campuchia, chủ yếu nhờ chính quyền bạn hỗ trợ vận động các em ra lớp. Tuy vậy, hiệu quả vẫn chưa cao”, thầy Bé nói.

Đối với học sinh đã chịu khó vượt sông qua biên giới đến trường thì đa phần đều học khá giỏi, hạnh kiểm tốt. Không những thế, các em còn tích cực tham gia các phong trào do trường tổ chức.

Theo lời thầy Bé, do hiểu được các học sinh ở Pẹc Chạy không thể ở lại trường vào ban đêm nên các hoạt động phong trào như cắm trại 26/3, mừng ngày 20/11, vui Trung thu… nhà trường chỉ tổ chức gói gọn trong ngày để các em tiện tham gia. “Ở đây không có sự phân biệt giữa học sinh Campuchia hay học sinh địa phương.

Tất cả các em đều hòa đồng dưới một mái trường, cùng có thành tích học tập như nhau. Năm học vừa rồi, tỷ lệ học sinh khá giỏi của trường đạt 64%, trong đó có 27,64% là loại giỏi, riêng hạnh kiểm thì có 84,55% loại tốt, còn lại đều là loại khá”, thầy Bé thông tin thêm.

Theo Infonet