Tôi có thói quen sống theo cảm hứng. Những năm tháng theo học khối xã hội cộng với tính lãng mạn vốn có khiến tôi luôn lấy cảm hứng là một trong những lý do quan trọng trước khi làm một việc gì. Khi có hứng, tôi có thể thức xuyên đêm để làm bài, viết luận hay đi đâu đó xa xôi chẳng ngại ngần. Nếu không, tôi giữ thái độ ơ hờ với mọi việc. Theo kiểu nhận xét của mẹ tôi thì đó là thái độ: “sống chết mặc bay” hoặc “muốn đến đâu thì đến”. Đã nhiều lúc, mẹ góp ý tôi nên sống có mục tiêu và cần sắp xếp mọi điều thật gọn ghẽ. Có vậy, lúc công việc đến hạn tôi mới không bị rối trí và rơi vào cảnh: “nước đến chân mới nhảy”. Tôi nghe vài lần, vâng dạ rồi để đấy.
Hè năm trước, nhóm bạn “ngũ long công chúa” của tôi lên kế hoạch học bơi. Mùa hè được nghỉ học, ra bì bõm ở bể bơi thì còn gì bằng. Tôi rất hào hứng, sắm sanh đủ bộ nào là kính bơi, mũ bơi lại cả vài bộ đồ bơi “hoành tráng” nữa. Được vài buổi đầu, tôi chăm chỉ đi học, thực hành đúng theo hướng dẫn của huấn luyện viên. Sang buổi thứ tư, khi tôi thấy mình tập lặn mà chẳng chìm còn tập bơi thì không thể nổi, đã thế còn bị nước tràn vào mắt, miệng, mũi sắc sụa nên tôi hết cảm hứng. Thế là, tôi bỏ thầy, bỏ bạn, bỏ cả lớp học bơi để đi theo tiếng gọi của “tình yêu” khác. Những lúc nhớ hồ bơi, nhớ cảm giác bì bõm dưới nước quá; tôi lại ra hồ, thuê áo phao và bơi vài vòng. Bạn tôi cười phì khi thấy tôi lọt thỏm trong cái áo phao thùng thình. Càng đáng cười hơn nữa, khi sang hè năm nay, các bạn đã bơi được cả vòng 100m mà không cần sự trợ giúp nào còn tôi thì vẫn ngồi trên bờ ... coi đồ cho các bạn. Tôi cứ trách, phải chi năm ngoái mình giữ cảm hứng lâu lâu chút. Có khi bây giờ, tôi cũng có thể lượn vòng vòng dưới nước như mấy chú rái cá cũng nên.
Lại nghĩ đến việc học và lấy chứng chỉ hành nghề Luật sư, tôi cũng “dựa dẫm” vào cảm hứng như thế. Nếu bạn theo học bộ môn Luật học và có mục tiêu trở thành luật sư, hẳn bạn đều biết mình sẽ phải theo học và thi để lấy chứng chỉ hành nghề bởi một tấm bằng cử nhân là không đủ. Biết vậy, nhưng tôi chẳng làm vậy vì tôi tự cho phép mình nghỉ ngơi chút đỉnh sau kỳ thi tốt nghiệp gian nan. Vì tôi chưa có cảm hứng học hành trở lại và thấy phát ớn với những khóa học tối cả nửa năm trời. Dùng dằng mãi, cho đến ngày tôi quyết tâm mua hồ sơ và nộp học phí để học thì ôi thôi, học phí và thời gian học đã được quy định tăng lên gấp đôi. Chẳng biết than thở cùng ai vì tất cả đều là do chính tôi quyết định cơ mà.
Nhiều lúc ngồi nghĩ lại, tôi mới thấy từ trước đến giờ, tôi sống dựa dẫm vào cảm hứng quá nhiều. Nếu chỉ coi cảm hứng là chất xúc tác ban đầu, là chút men say khi bắt đầu một chặng đường dài thì tất cả đã không trở nên nghiêm trọng. Nhưng tôi luôn tự hỏi mình, cảm hứng ở đâu, mình có thích làm điều này không, đây có phải là đam mê thực sự của mình trên suốt chặng hành trình. Trong khi, bạn biết đấy, không phải lúc nào trái tim chúng ta cũng ngập tràn tình cảm hay sục sôi nhiệt huyết? Hơn nữa, cảm hứng cũng không tự dưng mà đến. Chỉ khi nào bắt tay vào làm việc và kiên trì đi theo con đường đã vạch ra, cảm hứng mới hiện hình. Đổ lỗi cho cảm hứng chính là thái độ hèn nhát khi không dám bắt tay hành động hoặc khi bỏ cuộc giữa chừng. Cũng giống như một anh chàng trong truyện ngắn của nhà văn Tô Hoài, khi anh chàng này chỉ chờ đợi mòn mỏi một ngày có cảm hứng để viết nên một kiệt tác mà chẳng chịu viết một dòng nào trước đó. Chẳng kể tiếp thì bạn cũng biết, sẽ chẳng có kiệt tác nào được viết ra, đúng không?
Buổi học tiếng Anh tối qua, tôi có dịp ngồi cạnh cô bạn học “đỉnh” nhất của lớp học thêm. Câu hỏi nào giảng viên đặt ra, cô bạn đều trả lời trôi chảy. Chất giọng chuẩn không cần chỉnh. Hơi thắc mắc, tôi quay sang bạn, hỏi han: “Chắc bạn thích học ngoại ngữ lắm nên mới đạt được trình độ như hiện tại?” Bạn cười, lắc đầu: “Mình không thích học ngoại ngữ như mọi người nghĩ đâu. Thậm chí, ban đầu, mình còn rất ghét ngoại ngữ là khác, vì mình không giỏi học thuộc. Nhưng mình biết trong tương lai, nghề mình làm sẽ cần đến nó nên mình phải chuẩn bị từ bây giờ. Học mãi rồi cũng đến lúc mình thấy thích và quen được với việc học ngoại ngữ thường xuyên thôi”. Tôi nghe và giật mình. Ừ nhỉ, cách nghĩ đơn giản vậy, sao tôi không làm được?
Sống có cảm hứng là một điều tốt. Càng tốt hơn nữa nếu cảm hứng đó thúc đấy bạn làm việc và tiệm cận với thành công. Song, ngay cả khi bạn biếng lười (như tôi) hoặc chưa tìm ra cảm hứng sống của mình thì bạn vẫn có thể khơi dậy ngọn lửa cảm hứng đó. Đơn giản chỉ là xác định những mục tiêu cần đạt được, những việc cần làm trên con đường theo đuổi mục tiêu và bắt tay tiến hành. Làm từng việc nhỏ theo từng ngày một, với sự dấn thân cùng quyết tâm cao độ, cảm hứng sẽ đến với bạn. Chắc chắn!
(Theo: Mai Hà Uyên/Mực tím)