Cảm phục những học trò đến trường trên đôi chân tật nguyền 02/01/2014 16:05:41
Dù đôi chân tật nguyền nhưng những chàng trai này vẫn biết dùng đôi tay để đi tìm con chữ.
 
Cậu học trò người Thái 10 năm bò đến trường

Lương Văn Mậu và câu chuyện đến trường của em đã trở thành tấm gương sáng về nghị lực vượt khó và tinh thần hiếu học ở vùng đất nghèo khó Minh Phương (xã Lượng Minh, TP. Việt Trì, tỉnh Phú Thọ). Mậu bị tật nguyền từ khi mới sinh ra, gia cảnh rất khó khăn nên chưa bao giờ em được đi bệnh viện điều trị.

Đôi chân tật nguyền thế nhưng cậu học trò người Thái chưa bao giờ từ bỏ giấc mơ đến trường của mình. Em quyết tâm học để thay đổi số phận của mình.

Con đường đến trường dài khoảng 1km, bạn bè đi mất 15 phút còn Mậu phải mất cả tiếng đồng hồ. Đôi bàn tay em đã hằn bao vết chai sẹo khi 10 năm qua phải bò đến trường. Đá cứa vào tay đau rát nhưng Mậu vẫn quyết tâm nuôi ước mơ học để thoát nghèo của mình.

Để đến được ngôi trường cấp 2 đang theo học, Mậu phải vượt qua 100 bậc đá. Những người có đôi bàn chân lành lặn cũng mệt phờ mỗi lần vượt qua con đường ấy. Vậy mà Mậu vẫn kiên trì bò lê trên từng bậc đá để đến lớp.
 
Ảnh: Phan Sáng (Tienphong.vn)

Hồ Văn Đào – cậu học trò không đi dép

Hồ Văn Đào tại bản Ngược, xã Pa Nang, huyện Đăkrông, tỉnh Quảng Trị vẫn được gọi là “cậu học trò không đi dép”. 12 năm trước đôi bàn chân của em bị hoại tử sau một trận sốt rét. Không thể đi lại bình thường như các bạn nhưng em vẫn không từ bỏ việc học.

Lên 7 tuổi cậu học trò Vân Kiều, Hồ Văn Đào bắt đầu hành trình “bò lê” đến trường của mình. Nhưng đến khi vào cấp 2, do quãng đường từ nhà đến trường quá xa (20km) nên em phải nghỉ học.

Thương học trò và cảm phục trước tinh thần hiếu học của em, thầy cô tại trường THCS Pa Nang đã đón Đào về ở cùng trong khu nội trú và em trở thành “đứa con chung” của tất cả giáo viên ở đây.

Hồ Văn Đào lại có thể tiếp tục được đi học để thực hiện ước mơ trở thành cử nhân tin học của mình. Và trong những ngày này, ước mơ giản dị của cậu học trò Vân Kiều chỉ là có một đôi dép phù hợp để em có thể đi được.
 
Ảnh: Dân Việt
 
Cậu bé người Mông 7 năm bò đến trường

14 tuổi và chỉ nặng 23kg cùng với đôi bàn chân tật nguyền, nhưng cậu học trò Lầu A Sáng đã tự viết lên câu chuyện cổ tích cho chính mình khi bò đến lớp trong 7 năm qua. Khi mới lọt lòng, Sáng bị tật ở chân và có một khối u bên mông. Dù đã được chữa trị nhưng Sáng vẫn không thể đi lại bình thường như những đứa trẻ khác.

Khi bố mẹ đưa Sáng đến trường xin học, thầy cô không đồng ý bởi cả trường không ai bị tật như em. Nhưng cậu học trò Lầu A Sáng vẫn bò đến trường chỉ để được nhìn thấy các bạn học. Cảm động trước cậu bé nghị lực và sự ham học, cô giáo thương nhận em vào lớp để em được đi học như bạn bè.

5 năm học tại trường Tiểu học 19/5, mỗi ngày phải vượt qua quãng đường dài 300m lổn nhổn sỏi đá. Nhưng có đến 4 năm, Sáng đều đạt danh hiệu học sinh tiến tiến của trường.
 
Ảnh: Tienphong.vn

Cậu học trò Thanh Hóa 12 năm đến trường bằng... tay

Sùng A Đế và câu chuyện 12 năm dùng đôi bàn tay để đi đến trường đã khiến rất nhiều người dân bản Suối Hộc của huyện Mường Lát, tỉnh Thanh Hóa cảm phục. Năm 1993, khi cậu bé Sùng A Đế chào đời, không ai ngờ em lại bị ảnh hưởng chất độc màu da cam từ người cha. Càng lớn, đôi bàn chân của Sùng A Đế càng teo tóp rồi liệt hẳn và không thể đi lại bình thường.

Với mong ước được đến trường, được đi học như các bạn, Sùng A Đế đã dùng tay, lê từng bước. 12 năm đến trường bằng đôi bàn tay bao lần bật khóc vì đau và tủi thân.

Đôi bàn tay của cậu học trò bản Suối Hộc bây giờ chi chít những vết sẹo và chai sần do bị đá cứa vào. Ở bản không có nhiều người học cao, những người khẻo mạnh cũng không thể kiên trì trên con đường đến trường do cái đói, cái nghèo. Nhưng cậu học trò Sùng A Đế đã làm được điều kì diệu đó.

Một câu chuyện cổ tích giữa đời thường được viết nên từ nghị lực của một cậu bé tật nguyền. Đôi bàn tay không chỉ để viết chữ mà còn giúp cậu trên con đường đến lớp.
 
Ảnh: Giáng Tiên (sggp.org.vn)

Hành trình đi tìm con chữ của những học sinh khuyết tật đôi chân này thật đáng ngưỡng mộ. Không khó khăn nào ngăn được giấc mơ cháy bỏng được sống có ích của các em, nghị lực phi thường ấy là tấm gương cho tất cả mọi người.


(theo: Tiin.vn)