1. Áo - Thư viện của Tu viện dòng Benedictine vùng Admont
Sảnh thư viện của tu viện dòng
Benedictine được công nhận là thư viện trong tu viện lớn nhất thế giới.
Được xây dựng trong một thập kỉ kể từ năm 1764, công trình kiến trúc
theo kiểu baroque tuyệt đẹp này xứng đáng là “thiên đường tri thức” thời
bấy giờ. Trần thư viện bao gồm bảy mái vòm là những tấm bích họa tuyệt
đẹp của họa sư Bartolomeo Altomonte miêu tả về quá trình phát triển tri
thức của con người. Màu tường trắng toát viền vàng lấp lánh, 12 cột trụ
cũng bằng cẩm thạch trắng, kết hợp với 48 cửa sổ lớn đem đến ánh sáng
cho thư viện một cách rất tự nhiên, thể hiện đúng quan điểm “kiến thức
soi sáng, mở đường”.
Thư viện Benedictine lưu giữ khoảng 100.000 đầu sách,
trong đó có khoảng 900 quyển sách cổ và 1.400 bản thảo chép tay đóng góp
từ tu viện Thánh Peter ở Salzburg. Hầu hết sách trong thư viện đều là
thần giáo học và kinh thánh.
2. Áo - Thư viện Quốc gia
Đây là thư viện lớn nhất nước Áo, cũng là một trong
những thư viện đẹp nhất thế giới. Công trình này được xây dựng theo
phong cách baroque, trên nền cung điện Mollard-Clary cổ xưa ở Hofburg:
những cột nhà cẩm thạch, chạm khắc vàng lá, tranh tường tỉ mỉ đáng
ngưỡng mộ. Không chỉ lưu trữ sách, nơi đây còn trưng bày những bức tượng
điêu khắc cẩm thạch đầy nghệ thuật, hàng loạt những quả địa cầu đủ kích
thước cũng như lưu giữ hàng nghìn tấm bản đồ cổ xưa về các vùng trên
thế giới.
Sở hữu khoảng 7,4 triệu đầu sách các
loại, thư viện Quốc gia là nơi tổng hợp tất cả những tác phẩm của các
tác giả người Áo trong và ngoài nước, cùng với những sách viết về nước
Áo. Ngoài ra còn có những bản thảo cổ từ thời Trung Cổ, Phục Hưng,… Năm
1997, thư viện này vinh dự trở thành thành viên của Chương trình Ký ức
Thế giới thuộc UNESCO.
3. Brazil – Phòng đọc sách Hoàng gia Bồ Đào Nha
Tuy mang tên gọi hoàng gia nhưng công trình hoành
tráng giữa lòng thủ đô Rio de Janeiro này là kết quả của sự ảnh hưởng to
lớn từ cộng đồng người Bồ Đào Nha tại Brazil. Tòa nhà là sự kết hợp
phức tạp giữa phong cách Phục Hưng và Gothic (gọi chung là phong cách
Tân Manueline), cửa và cột trụ với chất liệu chủ đạo bằng sắt. Trong khi
đó, các kệ sách đóng bằng gỗ. Sảnh lớn được soi sáng bằng một chiếc đèn
chùm xanh trắng tuyệt đẹp. Giữa sảnh là Bệ thờ Tổ quốc cao 17 mét làm
từ đá cẩm thạch, bạc và ngà voi chạm trổ vô cùng tinh xảo.
Đây là thư viện sách Bồ Đào Nha lớn nhất và cổ xưa
nhất nằm ngoài lãnh thổ nước này, chứa khoảng 350.000 đầu sách, sách
hiếm và bản thảo viết tay. Nơi đây cũng tự hào lưu giữ những công trình
nổi tiếng đánh dấu thời kì khám phá thế giới huy hoàng một thời của
Vasco de Gama, Carlos Reis…
4. Séc - Thư viện Thần học của Tu viện Strahov
Năm 1670, một nhà triết học kiêm thần giáo học Jeronym
Hirnheim trở thành người đứng đầu tu viện. Ông đã kiến tạo nên một kiệt
tác kiến trúc lộng lẫy còn tồn tại đến ngày nay. Thư viện Thần học của
ông hoàn thành sau 9 năm xây dựng. Trần thư viện với chủ đề “sự vật lộn
của loài người để tìm kiếm trí tuệ thật sự” là một kiệt tác vinh danh
kiến trúc baroque nổi tiếng ở Châu Âu. Trong khi đó, sàn nhà và kệ sách
đều được làm tù gỗ quý không bị mối mọt.
Tại đây lưu giữ hơn 200.000 đầu sách cổ, trong khoảng
thế kỉ 16 đến 18. Tất cả đều liên quan đến chủ đề thần giáo học. Thậm
chí trong thư viện còn có một cabin luôn khóa chặt nhằm lưu giữ những
tác phẩm từng được xem là dị giáo như của Copernicus. Để bảo tồn di sản
hiếm có này, du khách được yêu cầu không mang vật bắt cháy vào thư viện
cũng như không vào khi trời đã tối nhằm hạn chế dùng ánh sáng.
5. Đức - Thư viện Herzog August
Được thành lập từ năm 1572 bởi Công tước Augusta, đến
thế kỉ 17, Herzog August được công nhận là thư viện lớn nhất châu Âu.
Kiến trúc có phần đơn giản, chủ yếu tập trung vào những chi tiết chạm
trổ tinh vi trên cột trụ. Sự kết hợp giữa tường xanh lá và cột trụ đỏ
tạo sự tương phản ban đầu nhưng trông hài hòa mắt nhìn về sau.
Thư viện này chứa đầy rất nhiều bộ sưu tập sách chuyên
về đề tài văn hóa, lịch sử con người châu Âu và toàn thế giới từ thời
kì Trung cổ đến giai đoạn Cận đại. Tổng cộng có khoảng 900.000 đầu sách.
Đặc biệt, nơi đây sở hữu gần 50.000 tranh vẽ, bản vẽ, hình minh họa các
loại từ thế kỉ 15 đến thế kỉ 19. Trải qua hơn 500 năm, thư viện không
bị khép kín mà ngày càng có nhiều hoạt động mở rộng hơn đối với công
chúng như Chương trình Nghiên cứu Đa bản sắc Văn hóa, tọa đàm về vấn đề
tốn giáo, xã hội…
(nguồn: iOne.net)