(Dân trí) - “Cán bộ, công chức, viên chức phải biết 4 xin đối với người dân là xin chào, xin lỗi, xin cảm ơn, xin phép. Phải rèn luyện điều này, để thực sự do dân, vì dân” – Đó là ý kiến của Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại phiên họp của Ban chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ sáng 17/4.
(Minh họa: Ngọc Diệp)
Cho đến bây giờ, những câu giao tiếp lịch sự mà các nước khác sử dụng thường xuyên nhất như “xin chào”, “xin cảm ơn”, “xin vui lòng (xin phép)”, “xin lỗi” mới được đặt ra như một mục tiêu rèn luyện cho cán bộ, công chức trong ứng xử với người dân thì quá muộn mằn. Nhưng thà muộn còn hơn không, hãy tập nói những câu đơn giản như vậy với dân mới có thể bắt đầu cho một quá trình nhận thức mới. Đó là “thực sự do dân, vì dân”.
Cải cách hành chính, ngoài hệ thống kỹ thuật, yếu tố quan trọng nhất là con người. Và trong ứng xử, lời nói là sự thể hiện của văn hóa, văn minh và sự tôn trọng lẫn nhau.
Lâu nay, đa số cán bộ, công chức tự cho mình cái quyền ban phát cho dân hơn là phục vụ dân. Thái độ xem thường dân, quát nạt dân, nhũng nhiễu dân còn khá phổ biến. Để thay đổi được cách hành xử còn hạn chế này, chưa cần làm gì to tát, hãy bắt đầu từ 4 chữ “xin” như Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu.
Người dân không tôn trọng cán bộ công chức nhà nước không phải do dân thiếu ý thức về sự tôn trọng, mà chính vì những thái độ, hành vi chưa tốt của cán bộ công chức nhà nước trong ứng xử với dân. Chúng ta thấy rất rõ ở các cơ quan chính quyền thường thiếu những nụ cười thân thiện, thiếu những lời nói nhẹ nhàng, thiếu những ứng xử lịch sự. Thay vào đó là những điều ngược lại.
Chưa kể, đây đó còn những hành vi xúc phạm nặng nề hoặc gây án mạng như vụ 5 sĩ quan công an dùng nhục hình làm chết công dân Ngô Thanh Kiều ở Tuy Hòa – Phú Yên, hay cảnh sát giao thông dùng gậy chặn đầu xe máy người vi phạm. Xã hội sẽ khó mà tốt đẹp, con người khó có được sự an toàn, cộng đồng không thể có môi trường sống lành mạnh một khi còn tồn tại những cách ứng xử tiêu cực từ phía người thi hành công vụ.
Xin nhắc lại mấy chữ “thực sự do dân, vì dân” của Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Nói “xin lỗi” hay “xin phép” quá dễ, vấn đề ở chỗ là có thực sự hay không, có thực lòng hay không.
Người dân cần một lời nói và một cách hành xử có văn hóa, nhưng phải xuất phát từ một tinh thần phục vụ tận tụy và trách nhiệm.
Nếu miệng nói lời “xin lỗi” nhưng khi thực hiện lại ăn hiếp dân thì lời nói đó vô ích.
Lê Chân Nhân
Theo dantri.com.vn