“Năm 2014, thay vì Bộ quyết định và công bố tất cả các môn thi thì học sinh được tự chọn 2 trong 6 môn theo nguyện vọng cá nhân”, ông Mai Văn Trinh cho biết.
Trước năm 2001, các kỳ thi tốt nghiệp THPT chỉ có 4 môn. Sau đó, Bộ GD&ĐT quyết định nâng số môn thi lên 6, với 3 môn bắt buộc là Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ, các môn còn lại được Bộ công bố 2 tháng trước khi kỳ thi diễn ra. Đến năm 2014, cuộc thi tốt nghiệp THPT một lần nữa có sự thay đổi lớn.
Cụ thể, kỳ thi tốt nghiệp THPT sẽ bao gồm 4 môn. Trong đó có 2 môn bắt buộc là Toán và Ngữ văn, 2 môn tự chọn nằm trong 6 môn thi Vật lý, Hóa học, Sinh học, Địa lý, Lịch sử và Ngoại ngữ. Điều này được công bố trong hội thảo chiều hôm qua (24/2) tại Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố môn thi tốt nghiệp năm 2014.
Ngay sau khi công bố phương án mới về thi tốt nghiệp, nhiều học sinh bày tỏ sự băn khoăn về việc lựa chọn và cách thức thi như thế nào.
Ông Mai Văn Trinh (Cục trưởng Cục khảo thí và Kiểm định chất lượng, Bộ GD&ĐT) đã có những chia sẻ cụ thể về vấn đề này. Ông Trinh cho biết: “Năm nay, với các môn thi không bắt buộc, học sinh sẽ lựa chọn theo nguyện vọng cá nhân. Các em được quyền đăng ký 2 trong 6 môn thi Bộ đề ra”.
Từ sự thay đổi này, cách thức tổ chức thi tốt nghiệp THPT cũng khác. Để kỳ thi diễn ra đơn giản, nghiêm túc, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, mỗi thí sinh sẽ mang một số báo danh duy nhất trong suốt kỳ thi. Phòng thi sẽ được sắp xếp theo môn riêng biệt.
Các năm trước, với một số môn thí sinh vẫn ở chung một phòng.
Dự kiến ngày 2/6 thí sinh sẽ thi Địa lý hoặc Hóa học, Ngữ văn; ngày 3/6 thi Lịch sử hoặc Vật lý và Toán; ngày 4/6 thi Ngoại ngữ và Sinh học (tự chọn).
Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng lưu ý sẽ xếp mỗi buổi có 2 ca với 2 môn thuộc lĩnh vực hoàn toàn khác nhau là tự nhiên và xã hội. Ví dụ Ngữ văn và Hóa học, Lịch sử và Vật lý để giảm thiểu số thí sinh thi 2 ca trong một ngày.
“Thường các em chọn môn tốt nghiệp theo khối đại học nên khả năng thí sinh thi 2 môn/buổi là rất ít”, ông Mai Văn Trinh nhấn mạnh.
Chia sẻ về đề thi tốt nghiệp năm nay, ông Mai Văn Trinh cũng khẳng định: “Đề thi sẽ không không gây khó hay làm sốc học sinh”.
Những quy định cụ thể được Bộ Giáo dục và Đào tạo soạn thảo trong quy chế thi và xét tốt nghiệp THPT sẽ được công bố sau. Trong đó, thay vì chỉ sử dụng mỗi điểm thi như các năm trước, Bộ GD&ĐT sẽ dựa vào kết quả học tập và rèn luyện của học sinh ở lớp 12 cùng với điểm số 4 môn thi để công nhận và xếp loại tốt nghiệp (theo trọng số đánh giá là 50%+50%).
Như vậy, theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, muốn đạt kết quả tốt, mỗi học sinh phải có quá trình học tập nghiêm túc để xét công nhận tốt nghiệp. Đây là một phương án căn bản giải quyết được việc học lệch.
(Theo: Zingnews)