Bí quyết dạy trẻ của ông bố Mỹ có 12 con vào đại học 01/08/2014 08:54:27

Con lớn nhất 37 tuổi và nhỏ nhất 22, bố mẹ thành đạt đủ tiền để đáp ứng cho các con bất cứ thứ gì nhưng họ không làm vậy.

12 con của vợ chồng Francis L.Thompson đều có bằng đại học (hoặc đang ngồi trên giảng đường) và bố mẹ không phải tốn chi phí gì. Một số thành viên trong gia đình đã kết hôn với những người cũng có trình độ học vấn tương đương. Họ có 18 cháu - cũng đang học những điều mà bố mẹ chúng được dạy về lòng tự trọng, lòng biết ơn và khao khát cống hiến cho xã hội.

Các con ông Thompson sống tại Utah, Florida và California (Mỹ), còn hai vợ chồng ông ở Colorado. Họ đã kỷ niệm 40 năm ngày cưới. Tình yêu được vun đắp giữa hai người góp phần vào thành công trong việc dạy dỗ con cái, để các con thấy cuộc sống gia đình êm ấm với sự gắn bó mà không cần phải thỏa hiệp.

Dưới đây là chia sẻ về những kinh nghiệm dạy 12 người con của ông bố Francis L.Thompson, kỹ sư tại tập đoàn Northrop Grumman (Mỹ):

Để con làm việc nhà

- Trẻ có thể làm việc nhà từ 3 tuổi. Bé 3 tuổi không thể dọn nhà vệ sinh sạch sẽ nhưng dần dần khi 4 tuổi, bé sẽ làm tốt.
- Trẻ nhận được một khoản nhỏ từ các việc nhà đã làm trong tuần.

- Từ 8 tuổi, các con tự giặt quần áo của mình vào một ngày nhất định.

- Khi trẻ bắt đầu biết đọc sẽ được tham gia làm bữa tối với bố mẹ bằng việc đọc công thức nấu ăn.

- Cả con trai và con gái đều phải học khâu vá.

 

                                               

Đại gia đình ông Francis L. Thompson năm 1998. Ảnh: Qz.com. 

Học tập

Việc học tập luôn được ưu tiên trong gia đình và có những quy định cụ thể cho việc này:

- Giờ học là từ 18h đến 20h tối mỗi ngày. Không xem TV, máy tính, chơi game hay các hoạt động khác trong 2 tiếng này. Nếu không có bài tập thì các con đọc sách. Với các con nhỏ chưa đi học, một anh chị sẽ đọc sách cho các em nghe. Sau 2 giờ học tập, trẻ có thể làm bất cứ điều gì mình muốn miễn là trước “giờ giới nghiêm”.

- Tất cả các con đều phải tham gia lớp nâng cao. Bố mẹ không lo ngại về điểm đầu vào của lớp này. Chúng tôi thường đề nghị giáo viên cho phép con học lớp đó với lời cam đoan các cháu sẽ đáp ứng tốt các yêu cầu. Hàng ngày bố mẹ dành thời gian giúp con củng cố kiến thức để theo kịp. Sau đứa con đầu, nhà trường biết chúng tôi giữ lời hứa trẻ có thể theo kịp lớp nâng cao và không khó khăn gì với các cháu sau.

- Nếu con về nhà và nói có một giáo viên ghét cháu hay không công bằng, phản ứng của chúng tôi là khuyến khích con tìm ra cách để dung hòa. Trẻ cần tự tìm cách giải quyết các mối quan hệ vì bản chất cuộc sống thực luôn chứa đựng mâu thuẫn. Các con có thể sẽ gặp phải một ông sếp không ưa mình. Chúng tôi không cho phép trẻ đổ lỗi cho giáo viên vì không học được. Tất nhiên, chúng tôi luôn kèm con học 2 tiếng mỗi ngày và sẵn sàng giúp con khi chúng cần.

Kén ăn là điều không được phép

Cả gia đình tôi luôn ăn sáng và tối cùng nhau. Bữa sáng lúc 5h15 và sau đó trẻ phải làm việc nhà trước khi đến trường. Bữa tối lúc 17h30 chiều.

Nguyên tắc chúng tôi đưa ra cho các con là ăn những gì chúng ghét trước (thường là rau) và sau đó có thể ăn các loại thức ăn khác. Nếu không muốn ăn, trẻ có thể rời khỏi bàn. Nếu sau đó chúng kêu đói, chúng tôi có thể lấy đồ ăn con không thích ăn, hâm nóng trong lò vi sóng và mang tới cho con. Nếu con tiếp tục không ăn, sẽ không có thứ gì khác cho tới bữa sau.

Không ăn vặt giữa các bữa

Gia đình tôi luôn có 4 nhóm thực phẩm chính (thịt, sữa, tinh bột, trái cây và rau), hầu như luôn có vài món tráng miệng khác nhau. Tới nay, những đứa con tôi không sợ thử thức ăn mới và không dị ứng với thực phẩm. Chúng thử tất cả thực phẩm mới và ăn cho tới khi no. Một trong 4 đứa thậm chí còn hơi béo. Chúng gọn gàng, khỏe mạnh và năng động.

Hoạt động ngoại khóa

Tất cả trẻ phải chơi một số môn thể thao. Chúng được chọn môn mình thích. Các con bắt đầu học chơi các môn ở trường. Không quan trọng là bơi, đá bóng, bóng rổ, bóng chày, đấu kiếm hay tennis, chúng tôi không phiền lòng nếu trẻ thay đổi sở thích. Nhưng các con phải chơi thể thao.

Tất cả các con phải tham gia vào câu lạc bộ nào đó như hướng đạo sinh, lịch sử, kịch…

Trẻ được yêu cầu tham gia các hoạt động giúp đỡ cộng đồng. Chúng có thể làm tình nguyện tại địa phương hay ở nhà thờ. Thỉnh thoảng các con thu thập quần áo cũ và mang đi từ thiện. Trẻ được nhìn thấy cuộc sống của nhiều gia đình có hoàn cảnh khác nhau và chúng hạnh phúc vì việc làm của mình giúp được người khác.

Trẻ phải học cách tự lập

- Khi các con bước sang tuổi 16, chúng tôi mua cho mỗi đứa một chiếc xe - đó là lần đầu trẻ học được về sự tiết kiệm. Khi đứa con lớn nhất của tôi nhìn thấy chiếc xe tôi mua cho, nó nói: “Bố ơi, đó là một chiếc xe hỏng”. Tôi nói: “Đúng, nhưng ở đó có hướng dẫn sửa chữa và các dụng cụ sửa ở trong gara. Bố sẽ trả tiền cho các vật dụng cần thay, nhưng không trả công sửa”. 11 tháng sau, chiếc xe được tái tạo động cơ, nội thất mới bọc, vỏ sơn mới… Con gái tôi có một chiếc xe nổi bật nhất ở trường trung học và nó tự hào vì đã tự tay dựng lại chiếc xe hơn mức tưởng tượng. Đến giờ, các con tôi không đứa nào từng bị phạt vì vượt quá tốc độ, dù không ai sử dụng xe phân khối thấp.

- Chúng tôi cho phép các con mắc lỗi: Trước khi 16 tuổi, các con tôi phải đi chung xe với gia đình. Một lần, tôi bảo con trai Samuel khi ấy 11 tuổi, thay dầu xe và hỏi liệu cháu có cần giúp hay hướng dẫn không. Thằng bé nói "không" và một tiếng sau, nó gọi tôi hỏi: "Phải thay hết 18 lít dầu ạ?". Tôi hỏi con cho 18 lít dầu vào đâu khi bình thường chỉ cần 5 lít. Hóa ra, thằng bé đổ hết dầu vào bộ phận tản nhiệt ở đầu xe. Chúng tôi đã phải mua bộ tản nhiệt mới và thay dầu lại. Tôi không trách mắng hay phạt con. Đó là một bài học cho nó. Con cái chúng tôi không sợ thử cái mới. Chúng được giáo dục rằng nếu chúng làm điều gì đó sai, chúng sẽ không bị phạt. Điều này thường khiến bố mẹ tốn tiền hơn nhưng chúng tôi đang nuôi dạy con chứ không phải tiết kiệm tiền.

- Mỗi đứa trẻ có máy tính riêng nhưng phải tự lắp ghép. Tôi mua bộ vi xử lý, bộ nhớ, nguồn cung cấp điện, CPU, bàn phím, phần cứng, bo mạch chủ và chuột. Bọn trẻ phải tự ráp chúng với nhau và chạy các phần mềm. Việc này bắt đầu khi chúng 12 tuổi.

- Chúng tôi để các con tự đưa ra quyết định nhưng trong giới hạn. Chẳng hạn, con muốn đi ngủ ngay hay dọn phòng của mình. Hiếm khi chúng tôi đưa ra chỉ một "lệnh" trực tiếp, trừ phi đó là các nguyên tắc sống của gia đình mà mọi thành viên đều đã nhất trí. Điều này giúp các con cảm thấy chúng làm chủ cuộc sống của mình ở mức độ nào đó.

Tạo độ gắn kết giữa anh chị em

- Chúng tôi yêu cầu các con luôn giúp đỡ lẫn nhau. Bé lớp 5 có thể đọc cho em lớp 1 nghe mỗi ngày 30 phút. Bé lớn sẽ dạy đại số, toán cho bé nhỏ hơn.

- Chúng tôi phân công anh chị dạy em nhỏ hơn và giúp em hoàn thành việc vặt hàng tuần.

- Chúng tôi để các con tham gia xây dựng nguyên tắc trong gia đình. Chẳng hạn, những đứa trẻ muốn có quy định không để đồ chơi trong phòng khách, phải để ở phòng ngủ hay phòng chơi. Vì vậy, ngoài các việc vặt phải làm mỗi ngày, tất cả trẻ phải dọn sạch phòng ngủ của mình. Chúng tôi dành cho các con cơ hội mỗi tháng được sửa hay tạo ra các quy định mới. Bố và mẹ có quyền quyết định cuối cùng.

- Chúng tôi cố gắng luôn nhất quán với nhau. Nếu bọn trẻ phải học hai tiếng mỗi tối, sẽ không có ngoại lệ cho việc này. "Giờ giới nghiêm" là 22h đêm trong những ngày đi học và 24h đêm cho ngày nghỉ, không có ngoại lệ.

Những kỳ nghỉ gia đình

Chúng tôi đưa gia đình đi nghỉ vào mỗi mùa hè trong 2-3 tuần. Chúng tôi có đủ khả năng để thuê khách sạn hay đặt tour nhưng không chọn cách này. Chúng tôi cắm trại và mang theo đồ đạc cần thiết. Nếu trời mưa, chúng tôi phải tìm cách để tự xoay sở.

Khi đi cắm trại, tất cả các con từ 6 tuổi trở lên phải mang hành lý và dựng lều. Vợ tôi sẽ ở cùng những đứa con nhỏ. Suốt 15 năm, cô ấy liên tục mang thai hoặc mới sinh. Các con lớn và tôi sẽ đi du lịch khám phá. Chúng tôi đã leo qua hẻm núi Grand Canyon, trèo lên đỉnh Mount Whitney, băng qua Continental pide, Yosemite...

- Chúng tôi gửi các con qua đường máy bay đi thăm họ hàng ở khắp nước Mỹ hay châu Âu 2-3 tuần một năm, khi các bé học mẫu giáo. Tất nhiên phải có chế độ đặc biệt cho hãng bay để họ nhận chăm lo cho một đứa trẻ 5 tuổi đi một mình. Chúng tôi chỉ gửi con nếu chúng muốn đi. Tuy nhiên, những bé nhỏ hơn khi thấy các anh chị lớn đi chơi kiểu này thì đều muốn có trải nghiệm. Các con sẽ học được từ sớm rằng bố mẹ sẽ luôn bên con, nhưng sẵn sàng để chúng trưởng thành bằng đôi cánh của mình và bay đi.

Tiền và vật chất

- Mặc dù có đủ tiền nhưng chúng tôi không giúp con cái mua nhà, trả tiền học đại học, chi trả cho đám cưới. Chúng tôi có thể tư vấn cho các con về cách tổ chức cưới hỏi thế nào, làm sao để mua được căn hộ hay cách nào giúp nguồn vốn sinh sôi. Chúng tôi giúp chúng liên lạc với công ty nhưng chúng phải đi phỏng vấn và kiếm việc.

- Chúng tôi luôn tặng quà sinh nhật và giáng sinh cho các con. Chúng tôi có thể nhờ ông già Noel tặng quà nhưng khi con lớn hơn và hỏi về điều đó, chúng tôi không nói dối. Chúng tôi nói đó là một trò chơi và nó rất thú vị. Trước mỗi dịp lễ đó, chúng tôi lên danh sách thứ các con thích được tặng và chắc chắn bọn trẻ sẽ có được điều mình muốn. Nhờ Internet, thật dễ dàng gửi danh sách này đến những đứa trẻ khác và ông bà bọn trẻ. Những món quà tự làm thường được yêu chuộng nhất.

Để các con tự trải nghiệm thế giới thật

Chúng tôi yêu các con bất kể chúng có làm gì. Nhưng chúng tôi sẽ không ngăn chặn bất cứ hậu quả nào từ các hành động của con cái. Chúng tôi để các con chịu hậu quả và sẽ không cố gắng để giảm thiểu những hậu quả đó chỉ vì thấy các con phải chịu khổ. Chúng tôi cũng khóc và buồn nhưng không làm thay con cái hay gánh vác hậu quả từ hành động của chúng.

THEO DEPPLUS.VN