Người ươm mầm khuyến học 04/11/2013 10:37:30
Dù sống ở đâu, nhà giáo Đào Văn Long cũng nhanh chóng gieo mầm tươi tốt xuống phong trào khuyến học của địa phương. 

Tre già măng mọc 

Ở độ tuổi thanh xuân, không chỉ chọn cho mình nghề dạy học thanh bần, nhà giáo Đào Văn Long còn tình nguyện xung phong “gánh chữ lên non” sau khi tốt nghiệp Trường Trung cấp Sư phạm tỉnh. Tích cực lao vào nhiều hoạt động nhà trường, ông trở thành người cán bộ trẻ có năng lực cầm quân tốt. Thế nhưng cuộc đời đã không cho ông mọi thứ.

Sau lần thứ 4 vượt cạn, người vợ trẻ đuối hơi tàn sức bất ngờ ra đi để lại trong ông sự hụt hẫng và niềm xót thương không có gì bù đắp nổi. Cảnh “gà trống nuôi con” nơi đất khách quê người dồn đẩy “con thuyền mất đi một tay lái” vào dòng xoáy chênh vênh cuộc đời. Trong thế bắt buộc, ông đành viết đơn xin về quê để có cơ hội bám trụ với nghề. 

Vất vả rồi cũng qua đi, khi 3 đứa con bắt đầu lớn, ông mới nghĩ đến hạnh phúc riêng của mình. Tình yêu sau đó đã nở hoa giữa trang giáo án khi người đàn ông 36 tuổi se duyên cùng với cô giáo dạy trường làng Trương Thị Lương. Bên cạnh người vợ mới, ông không chỉ tìm lại được một nửa của chính mình mà cuộc đời 3 đứa con đơn côi còn có thêm bàn tay chăm sóc ân cần của một người mẹ thứ hai. 

Dù có lúc thiếu đói nhưng mẹ Lương vẫn lo cho 3 chị em Thuận từng chiếc áo đến trường, và những cuốn sách đi học. Khi 2 đứa con đầu tốt nghiệp đại học và vào công tác trong ngành Giáo dục, họ đã thấy vui mừng. Nhưng khi cậu con trai út Đào Văn Thủy chính thức trở thành thầy giáo của Trường TH Xuân Thành thì lúc này hạnh phúc mới thật sự viên mãn.

Ông chia sẻ niềm vui ngập tràn: “Cuộc đời tôi như trẻ lại một lần nữa khi ngắm nhìn cậu con trai út mỗi ngày mang giáo án đến lớp. Niềm vui của người cha còn lớn hơn gấp bội khi thấy con cái mình trưởng thành từ trong cuộc sống thăng trầm”.

Theo ông, Đào Văn Thủy có được ngày hôm nay là nhờ những bước chân khai lối của thế hệ đi trước, trong đó có bố mẹ và anh chị mình. Nền nếp gia phong trong gia đình người hiệu trưởng chính là cánh cửa rộng mở để cho ra đời một thế hệ “kỹ sư tâm hồn” yêu nghề và biết trọn đời cống hiến cho nghiệp phấn bảng.
 
Vợ chồng nhà giáo Đào Văn Long
Hạt giống khuyến học 

Tuy không theo nghiệp của bố mình nhưng hai cậu con trai sau của mẹ Lương cũng không thua anh kém chị. Từ một học sinh giỏi Trường THPT huyện Yên Thành, Đào Văn Sơn đã làm một “cú hatrick” ngoạn mục khi đậu một lúc vào 3 trường đại học với điểm số cao. Vợ chồng ông như sống thêm một cuộc đời nữa khi cậu con trai út 2 năm sau đó ngoài đậu vào Trường Đại học Xây dựng còn trở thành thủ khoa của Trường Đại học Đà Nẵng. 

Bây giờ, ông vừa tự hào với những đứa cháu nội cháu ngoại hiếu học. Quà tặng cho ông bà không chỉ là những lời chào lễ nghĩa mà còn là những tấm bằng khen, bằng tốt nghiệp đại học, cao đẳng xuất sắc sau mỗi kỳ đăng khoa.

Cháu ngoại của ông - Nguyễn Thị Quỳnh Hoa - SV khoa Toán Trường Đại học Vinh đã xuất sắc trở thành 1 trong 3 “ngôi sao sáng” trong kỳ thi Olympic Toán giành cho HSSV toàn quốc năm 2010. Với tấm bằng tốt nghiệp loại giỏi, cô giáo Trường THPT Phan Đăng Lưu đã hoàn thành chương trình cao học do Hội Toán học Việt Nam đào tạo. Bên cạnh bóng cây cổ thụ vững vàng đã có những cành non đầy sức sống tiếp nối trong một gia đình truyền thống khuyến học. 

Sau khi nghỉ hưu, nhà giáo Đào Văn Long còn phụ trách Trưởng ban khuyến học Khu phố 3 (P. Tăng Nhơn Phú B, Q. Thủ Đức). Từ hạt giống tốt tươi trong nếp nhà, ông lại gieo trồng tiếp những cây non hiếu học cho những gia đình có hoàn cảnh khó khăn ở địa phương. Dù tuổi cao sức hạn, ông Đào Văn Long lại thấy cuộc đời tốt đẹp hơn nhiều khi biết gom nhặt từng việc có ích cho đời.


Theo: Gdtd