Cậu bạn nghèo thành triệu phú nhờ... kinh doanh chuột 22/11/2012 14:10:47

Từ một cậu học trò nghèo có hoàn cảnh khó khăn, nhưng nay chỉ mới 22 tuổi, cậu có thể kiếm được hơn 100 triệu một tháng từ chuỗi cửa hàng do chính mình gây dựng.

Nhớ lại trào lưu nuôi hamster hồi 4, 5 năm về trước đã từng khiến không ít teen Việt phải ngất ngây và gần như quên ăn quên ngủ vì nó. Trong số đó, có cậu học sinh nghèo tên Trần Văn Thành (1990) cũng mê đứ đừ lũ chuột nhỏ ấy một cách kì lạ. Để rồi 4 năm sau, cậu ấy đã trở thành một trong các ông chủ trẻ độc chiếm thị trường hamster tại TP.HCM khi mới 22 tuổi.

cau-ban-ngheo-thanh-trieu-phu-nho-kinh-doanh-chuot
Cậu học trò nghèo Trần Văn Thành của ngày nào nay đã trở thành một ông chủ thành công.

Cậu học trò nghèo nuôi ước mơ đổi đời 

Bố và mẹ là dân lao động, vất vả sớm hôm bên xe nước mía nhỏ cạnh vệ đường, mà thu nhập chỉ đủ ăn. Chính vì thế, cậu học trò Trần Văn Thành ngày ngày chỉ biết đến việc học và nuôi ước mơ làm thay đổi cuộc sống của cả gia đình. 

Thành nhớ khoảng thời gian trào lưu nuôi hamster mới du nhập vào Việt Nam, bạn bè ai ai cũng nuôi, rồi hay mang các câu chuyện về chúng ra bàn tán. Từ những câu chuyện ấy, bất giác, Thành cảm thấy mình cũng có chút hứng thú với lũ chuột ngồ ngộ này và rồi cậu quyết định mua cho mình 2 con về tìm hiểu. 
cau-ban-ngheo-thanh-trieu-phu-nho-kinh-doanh-chuot


hưng Thành biết cả bố và mẹ thế nào cũng không đồng ý cho mình mang chúng về. Nên cậu đã lén nhét hai chú hamster vào góc nhà rồi phủ vải lên che. "Thành không nhớ rằng mình đã bị chúng mê hoặc như thế nào! Chỉ nhớ là cả ngày mình luôn ru rú bên cạnh chơi cùng với chúng. Rồi một hôm chúng đẻ ra đến 7 bé, làm mình hoảng quá trời vì không biết giấu gia đình được đến bao giờ" - Thành kể.

Thế là cậu quyết định lên mạng rao bán 7 bé hamster con. Hễ có khách đến nhà xem hàng, Thành bắt phải giả vờ là bạn học sang chơi, rồi chui  lên căn gác nhỏ để không bị mẹ phát hiện. "Dần dần, mẹ của Thành cũng sinh nghi, vì bạn bè cái kiểu gì mà một ngày đến nhà cả chục người. Thế là mình buộc phải mở một cuộc họp gia đình để ra "tự thú". Trong lúc đó, Thành phát hiện ra mình có thể kiếm được tiền nhờ vào lũ hamster này. Và mình đã ngồi phân tích hàng giờ với bố mẹ về kế hoạch buôn bán nhỏ một cách thật nghiêm túc. Cuối cùng, bố và mẹ đã đồng ý cho mình nuôi chúng" - Thành hào hứng chia sẻ.
 
Vài tháng sau, cậu bắt đầu gom toàn bộ số tiền từ việc bán lũ hamster sang Trung Quốc và Thái Lan, nơi bắt nguồn của trào lưu này để nghiên cứu, học hỏi. Thành mang về rất nhiều loại con giống để chúng giao phối với nhau rồi cho sinh con. Từ đó, căn nhà nhỏ của Thành ngày ngày trở nên nhộn nhịp hơn với nhiều lượt khách ra vào. Cứ một con giá khoảng 120.000 đồng, trung bình một tháng, Thành có thể kiếm cho mình từ 3 đến 10 triệu là chuyện bình thường. 

Tuy nhiên, cũng vì do quá chuyên tâm và hứng thú với công việc này mà đôi lúc việc học của Thành bị sa sút. Cậu buộc phải cố gắng và chăm chỉ hơn, vì không thể vứt bỏ 12 năm học hành vất vả như thế được. May sao, Thành đã thi đậu vào trường Cao đẳng Kỹ thuật Lý Tự Trọng, TP.HCM theo đúng ý nguyện của gia đình. 

Trở thành cậu chủ thu nhập hơn 100 triệu từ hai bàn tay trắng

Sau hơn 1 năm kinh doanh hamster, trang website của Thành ngày càng được nhiều người tin tưởng. Thành quyết định phát triển mạnh hơn và biến trang website online của mình trở thành một cửa hàng đàng hoàng. Và ngôi nhà Thành đang sống cùng gia đình ở quận 10 đã trở thành cửa hàng đầu tiên của cậu chủ trẻ!

Tuy nhiên, do nhu cầu khách hàng ngày càng đa dạng, Thành lại phải bỏ thêm thời gian nghiên cứu thức ăn cũng như chuồng trại dành riêng cho hamster. Thời gian đầu, Thành đã nhập về các loại thức ăn ở bên Thái để bán cho khách. Nhưng chợt cậu phát hiện ra các loại hạt đấy ở Việt Nam có không ít. Thế là cậu liền lang thang khắp các chợ đầu mối trong thành phố để tìm chúng mang về tự mày mò rồi chế biến. 

"Lũ hamster chọn thức ăn do chính tay mình làm nhiều hơn loại nhập từ Thái. Vì các loại hạt của mình mua còn rất tươi nguyên, thành ra mùi vị cho đến chất lượng đều tốt hơn hẳn loại đóng hộp kia rất nhiều" - Thành cho biết.

Và cũng nhờ sự say mê, tìm tòi mà Thành đã là người đầu tiên thiết kế ra rất nhiều loại chuồng thú vị dành cho hamster, điển hình là chuồng làm bằng nhựa mika. Các loại đồ chơi, dụng cụ chăm sóc hamster có 1-0-2 cũng được Thành chế tạo lại dựa trên các mẫu có sẵn của nước ngoài, nhưng giá thành thấp hơn và chất lượng không hề thay đổi. Điều đó khiến khách hàng của Thành vô cùng hài lòng.

cau-ban-ngheo-thanh-trieu-phu-nho-kinh-doanh-chuot

Nhưng để làm được những thứ như thế, Thành đã mất rất nhiều thời gian lẫn công sức khi đi lùng sục nguyên vật liệu. Một tuần Thành bỏ ra 2 ngày lên Đà Lạt tìm loại gỗ thích hợp để về chế tạo, từ cầu thang cho đến nhà gỗ... Đa phần những thứ do Thành tạo ra đều rất được thu hút.

"Đi giao hàng cho khách cũng vất vả không kém! Mình còn nhớ rất rõ cái hôm xuống Nha Trang để chuyển đàn hamster. Nửa đêm chúng cắn nát hộp chui ra ngoài, bò khắp nơi làm mọi người trên xe hoảng loạn hết cả. 

Buộc lòng bác tài xế phải dừng gấp xe lại để mình nhặt từng con vào rồi còn phải xin lỗi, đính chính với mọi người nữa cơ! Cũng may là hành khách và bác tài đều dễ tính, chứ họ mà quẳng mình cùng với lũ hamster ở giữa đường khuya vắng vẻ thì có mà chết mất. Quả là một kỷ niệm không thể nào quên" - Thành kể.

cau-ban-ngheo-thanh-trieu-phu-nho-kinh-doanh-chuot
Từng ngôi nhà, từng cái xích đu hay cầu thang đều tự tay Thành thiết kế và tìm vật liệu.

cau-ban-ngheo-thanh-trieu-phu-nho-kinh-doanh-chuot
Ngôi nhà bằng nhựa mika cùng các vật dụng khác do Thành nghĩ ra.
 
Vất vả là thế, nhưng Thành đã không từ bỏ, bởi trong cái say mê, cậu thừa nhận còn có một chút biết ơn với nghề. Vì công việc này đã làm thay đổi cuộc đời của chính cậu và cả gia đình. 

Sau hơn 4 năm kinh doanh, giờ Thành đã phát triển thành một chuỗi 3 cửa hàng chuyên bán dụng cụ cũng như cung cấp thú cưng tại quận 10, quận 8 và Phú Nhuận. Còn thu nhập mỗi tháng của cậu có thể lên đến hơn 100 triệu đồng. Đó là một điều khó ai có thể làm được ở độ tuổi còn rất trẻ như Thành và còn bắt đầu từ hai bàn tay trắng.
(Theo kenh14.vn)