Sau khi Bộ GD&ĐT công bố phương án thi tốt nghiệp mới và chờ văn bản hướng dẫn từ Bộ, các Sở GD&ĐT, nhà trường đã chủ động bắt tay chuẩn bị sớm các điều kiện tổ chức thi cũng như lên kế hoạch ôn tập đến giáo viên, học sinh.
Sự đồng thuận là bước tạo đà quan trọng trước kỳ thi tốt nghiệp
Thanh Hóa: Chuẩn bị tốt sao in đề thi
“Ngay sau khi Bộ GD&ĐT công bố phương án thi tốt nghiệp năm 2014, chúng tôi đã bắt tay ngay vào xây dựng kế hoạch và phương án chuẩn bị cho kỳ thi để trình UBND tỉnh” - Bà Phạm Thị Hằng, Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Thanh Hóa chia sẻ.
Sở GD&ĐT Thanh Hóa chỉ đạo các trường không lơ là bất kỳ môn nào, nghiêm túc dạy đúng và dạy đủ chương trình.
Đồng thời có kế hoạch hướng dẫn ôn tập cho học sinh cả 8 môn nằm trong danh sách thi tốt nghiệp năm nay; không bỏ sót các hoạt động liên quan đến giảng dạy, học tập của thầy và trò; phát huy tối đa các điều kiện có thể để học sinh ôn thi tốt nhất.
Cùng đó, khuyến khích các trường tổ chức các buổi tư vấn mùa thi để các em có tâm thế vững vàng và tự tin. Nếu có điều kiện, các trường có thể tổ chức quy mô lớn, hoặc có thể lồng ghép ngay trong các giờ sinh hoạt, giờ chào cờ.
Ở thời điểm này, giáo viên có vai trò quan trọng đối với các em học sinh, do đó Sở yêu cầu mỗi thầy cô phải là những người bạn đồng hành cùng các em, nắm bắt tâm tư, hoàn cảnh của các em để từ đó kịp thời động viên các em yên tâm bước vào mùa thi và không phải lo lắng, căng thẳng.
Bà Hằng cho biết: Hiện ngành GD Thanh Hóa yêu cầu các trường phải nắm bắt ngay số lượng thí sinh lựa chọn môn thi, từ đó lập ra các phương án chi tiết về việc tổ chức kỳ thi, trong đó đặc biệt chú trọng đến khâu coi thi, điều động giám thị, bố trí phòng thi và an ninh trật tự, sao in đề thi để không bị nhầm lẫn giữa các môn.
Lai Châu: Không để học sinh bỏ thi vì lý do đường sá
Học sinh cuối cấp thảo luận về phương án thi tốt nghiệp THPT
Ông Hoàng Đức Minh – Phó giám đốc Sở GD&ĐT Lai Châu – cho biết: Ngay sau khi Bộ GD&ĐT công bố phương án thi tốt nghiệp mới, chúng tôi đã chỉ đạo các trường phải chuẩn bị chu đáo cho kỳ thi.
Trước mắt, yêu cầu các trường xây dựng kế hoạch ôn tập cho học sinh và sẵn sàng chủ động về cơ sở vật chất, trang thiết bị để phục vụ kỳ thi.
Với đặc thù là địa bàn miền núi, đường sá đi lại khó khăn, Sở yêu cầu, các trường cần nắm bắt điều kiện, hoàn cảnh của từng học sinh, quan tâm hơn nữa đối với học sinh dân tộc miền núi, những em có hoàn cảnh gia đình đặc biệt khó khăn để từ đó có phương án trợ giúp các em trong những ngày diễn ra kỳ thi tốt nghiệp. Kiên quyết không để học sinh nào phải bỏ thi vì lý do đường sá hoặc là do điều kiện kinh tế khó khăn.
Bên cạnh đó, Sở GD&ĐT Lai Châu cũng chỉ đạo các trường cần có phương án đề phòng mua lũ, sạt lở đất xảy ra trước và trong những ngày thi. Kiểm tra rà soát lại cơ sở vật chất, trang thiết bị phòng học để có kế hoạch sửa chữa đối với những phòng hư hỏng.
Bình Định: Bồi dưỡng kiến thức để có tác dụng kép
Đây là định hướng của Sở GD&ĐT Bình Định. Ông Trần Đức Minh – Giám đốc Sở GD&ĐT Bình Định - cho biết: Tỉnh đang chờ đợi hướng dẫn kế hoạch tổ chức thi của Bộ GD&ĐT.
Tổng số môn thi là 4, với 2 môn bắt buộc là Toán và Ngữ văn, các môn tự chọn tùy thuộc vào nhu cầu của học sinh. Vì vậy, cách tổ chức ôn thi cho học sinh mới đang dựa trên phương án Dự thảo lịch thi của Bộ.
Trước mắt, để đảm bảo chất lượng, Sở GD&ĐT Bình Định chỉ đạo các trường chú trọng dạy hết chương trình theo khung chương trình của Bộ, sau đó tập trung vào các môn trong danh mục các môn tự chọn phục vụ thi tốt nghiệp.
Cần tập trung hướng dẫn, phổ biến nội dung để học sinh hiểu mục đích việc chia các nhóm, sau đó đăng ký các lớp ôn luyện.
Các trường sẽ thực hiện chia nhóm theo đăng ký môn thi tự chọn, tổ chức ôn luyện, bồi dưỡng thêm theo nhu cầu của học sinh để chuẩn bị kiến thức tốt nhất cho kỳ thi tốt nghiệp. Việc bồi dưỡng kiến thức sẽ có tác dụng kép, phục vụ 2 kỳ thi.
Theo khảo sát sơ bộ, học sinh Bình Định sẽ lựa chọn môn thi tốt nghiệp trùng hoặc gần nhất về mặt kiến thức với các môn thi ĐH. Sở GD&ĐT Bình Định chỉ đạo các trường hướng học sinh có học lực từ trung bình khá trở lên tập trung lựa chọn môn thi liên quan đến thi ĐH.
Đối với học sinh học lực kém hơn, trước mắt tập trung vào những môn có khả năng tiếp thu cao nhất để bồi dưỡng, đảm bảo trực tiếp cho kỳ thi tốt nghiệp.
Nghệ An: Khuyến khích học sinh lựa chọn các môn bổ trợ kiến thức xã hội
Theo Giám đốc Sở GD&ĐT Nghệ An Lê Văn Ngọ, ngay sau khi tiếp nhận phương án thi tốt nghiệp mới, Sở GD&ĐT đã chỉ đạo các nhà trường tập trung chuẩn bị triển khai theo phương án mới.
Vấn đề mà thầy cô giáo ở Nghệ An quan tâm là học sinh sẽ lựa chọn môn thi như thế nào. Có thể không loại trừ tình huống phần lớn học sinh sẽ lựa chọn thi các môn Tự nhiên hoặc Ngoại ngữ.
Sở GD&ĐT Nghệ An đã chỉ đạo các nhà trường, mỗi giáo viên động viên, khuyến khích học sinh lựa chọn các môn học có tính bổ trợ về kiến thức xã hội. “Cuộc sống đòi hỏi con người tích lũy những hiểu biết về văn hóa, lịch sử làm nền móng và những điều này nằm trong kiến thức các môn xã hội” – Ông Ngọ chia sẻ.
Quan điểm của Sở GD&ĐT Nghệ An đến các giáo viên là tư vấn cho học sinh thi tốt nghiệp lựa chọn những môn phù hợp với sức học, sở trường của mình để đạt kết quả cao nhất. Thi tốt nghiệp THPT là bước đệm để vào trường nghề hay học lên các bậc học cao hơn.
Sở chỉ đạo các trường quán triệt kế hoạch ôn tập cho học sinh yếu cũng cần được chú trọng. Các trường chủ động triển khai phù hợp với tình hình thực tế. Chủ động tích hợp các hoạt động kiểm tra kiến thức, phục vụ cả các môn thi đại học, lồng ghép nhiều mục tiêu để học sinh tập dượt không khí thi cử. Tự sát hạch, đánh giá học sinh, chuẩn bị kỹ năng cần thiết cho các kỳ thi chính thức.
Qua tiếp xúc với một số thầy cô giáo, tất cả đều thể hiện sự phấn khởi khi đón nhận phương án thi mới. Thậm chí, trao đổi bên lề với những bậc phụ huynh có con năm sau mới tham gia kỳ thi tốt nghiệp THPT họ cũng không giấu nổi niềm vui và thêm kỳ vọng vào sự nghiệp giáo dục chung.
(Theo: Gdtd.vn)