Ở các huyện miền núi, để vận động được một em học sinh (HS) ra lớp
là cả một vấn đề, và để giữ sĩ số HS đến cuối năm không bị “hao hụt” là
cả một kỳ công của giáo viên (GV). Đặc biệt là GV ở vùng động đất Bắc
Trà My (Quảng Nam).
Năm nay, cô giáo Đỗ Thị Bích
Phương trở nên “nổi tiếng” vì liên tục được lên báo và cũng vì Trường
mầm non Hoa Phượng (xã Trà Đốc, Bắc Trà My, Quảng Nam) nơi cô dạy nằm
ngay trung tâm của vùng động đất.
Cứ mỗi lần có động đất xảy ra, các báo đều phỏng vấn cô về tình hình các em HS ở đây. “Cứ mỗi lần động đất mạnh xảy ra, cô trò ở đây khóc thét ôm lấy nhau mà không thể chạy khỏi lớp” - cô Phương nói.
Cô
Phương cho biết đã tham gia tập huấn về ứng phó với động đất ở huyện,
người hướng dẫn nói khi động đất xảy ra cô trò đừng chạy khỏi lớp mà cứ
chui xuống gầm bàn sẽ an toàn. Nhưng đó là đối với các HS ở lớp lớn. Còn
ở đây toàn các em nhỏ với lại không có bàn ghế lớn nên khi có động đất
xảy ra các cháu không thể chui dưới bàn được.
Trường tiểu học Nguyễn Thị Minh Khai điểm trường tại khu TĐC thôn 3A, xã Trà Đốc sát cạnh thủy điện Sông Tranh 2.
Chúng
tôi đã nhiều lần đến Trường mẫu giáo Hoa Phượng này để chụp ảnh trường
bị hư hỏng do động đất và các cháu HS đang học. Có nhiều em khi thấy ánh
sáng máy ảnh lóe lên là khóc thét rồi tìm chỗ ẩn nấp.
Khi
chúng tôi hỏi GV ở đây mới biết là các cháu bị ám ảnh bởi động đất,
thấy có người lạ hay hành động khác thường hoặc ánh sáng lóe lên là
nhiều em sợ hãi khóc ré lên. Khi chúng tôi đi thì các em mới hết khóc.
Trường
mẫu giáo Hoa Phượng này chỉ cách thủy điện Sông Tranh 2 vài km. Cô Trần
Thị Như Thúy - hiệu trưởng nhà trường tâm sự: Trường có gần 50 em nhưng
từ khi có động đất mạnh xảy ra thì số HS đi học không đều. Tuy không
nghỉ học hẳn nhưng do lo sợ động đất nhưng các em đi học bữa được bữa
mất. Khi các cô đến từng gia đình động viên các em đi học lại thì nhiều
phụ huynh nói thẳng với GV: “Có chuyện gì các cô có đảm bảo an toàn cho nó khi có động đất xảy ra không?”.
Các em học sinh Trường mẫu giáo Hoa Phượng được hướng dẫn chạy ra sân mỗi khi có động đất.
Nhiều
lần khi đang học thì động đất xảy ra, phụ huynh “xông” vào lớp học ôm
con chạy về. Trưởng Phòng giáo dục Bắc Trà My - thầy giáo Nguyễn Thanh
Tùng cho biết, trận động đất mạnh 4,7 độ richter ngày 15/11 vừa qua, rất
nhiều phụ huynh chạy đến các trường mầm non và mẫu giáo trên địa bàn
huyện đón con về nhà vì lo sợ đến tính mạng con em mình.
Phụ huynh thường tập trung trước cổng trường Hoa Phượng sau mỗi trận động đất mạnh.
“Ngay
sau khi động đất xảy ra, Phòng nhận được nhiều cuộc điện thoại của các
GV ở các trường mẫu giáo và mầm non báo về có nhiều phụ huynh đến ôm con
về, các cô xin ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo Phòng. Tôi bảo các cô cứ để
cho phụ huynh đưa con về vì sự an toàn của các cháu và cũng là để phụ
huynh yên tâm” - thầy Tùng cho biết.
Trong
các trận động đất trước đó cũng có nhiều phụ huynh đến đưa con về nhà.
Cô Trần Thị Như Thúy - hiệu trưởng Trường mẫu giáo Hoa Phượng kể: Cứ sau
mỗi trận động đất mạnh, số HS hôm sau đi học giảm sút hẳn. Sau đó, giáo
viên đến nhà vận động phụ huynh mới chịu đưa con ra lớp nhưng khi đưa
con vào rồi thì ngồi ở cổng trường “canh” đến giờ đón về.
Thật
vậy, hôm chúng tôi đến trường sau trận động đất mạnh ngày 15/11, có rất
nhiều phụ huynh tụ tập trước cổng trường. Hỏi ra mới biết dù đưa con đi
học nhưng phụ huynh lo sợ động đất xảy ra thì con em mình không an toàn
nên ngồi canh ở cổng trường.
Nhiều GV nơi đây
cho biết, cứ mỗi lần có động đất mạnh thì nhiều cháu HS mẫu giáo... tè
ra cả quần. Các em nhỏ đã vậy nhưng những em HS bậc tiểu học cũng hoảng
hốt sau mỗi trận động đất xảy ra.
Vào ngày Nhà
giáo 20/11 vừa qua, nhiều thầy cô nơi đây tranh thủ ngày nghỉ để đến nhà
vận động HS bỏ học do động đất đến lại lớp. Nhưng chuyện vận động HS
đến lớp thời điểm này khó trăm bề khi động đất cứ liên tiếp xảy ra với
tần suất ngày càng mạnh.
Cô giáo Nguyễn Thị
Bích Huệ - hiệu trưởng Trường tiểu học Nguyễn Thị Minh Khai (xã Trà Đốc)
cho biết: HS của trường trên 90% là đồng bào dân tộc. Cứ sau mỗi trận
động đất, HS tự ý bỏ học rất nhiều. Sau đó thầy cô lại đến nhà vận động.
“Thuyết
phục được một em nghỉ làm rẫy đến trường khó lắm, có khi cả tháng trời.
Nhưng chỉ qua một đêm động đất, hàng chục em đã nghỉ học ở nhà. Công
việc thầy cô nhiều khi như công dã tràng vậy đó” - cô Huệ tâm sự.
Theo
cô Huệ, để đảm bảo sĩ số HS, ngoài việc đứng lớp, giáo viên còn phải
chịu khó đến nhà những em bỏ học vận động đi học lại. Tuy nhiên việc vận
động gặp rất nhiều khó khăn.
Trong khi đó tại
hai trường THCS bán trú cụm xã là Lê Hồng Phong (xã Trà Đốc) và Nguyễn
Bỉnh Khiêm (xã Trà Bui), mặc dù phần lớn HS ở lại trường theo diện bán
trú nhưng vẫn vắng học nhiều. Và cứ sau mỗi đợt xảy ra động đất mạnh, tỷ
lệ vắng học lại tăng lên.
Thầy giáo Nguyễn
Thanh Tùng tâm sự: Động đất đã làm đảo lộn mọi thứ, nhất là không thể
duy trì sĩ số HS và chất lượng dạy học. Tuy nhiên, lãnh đạo phòng vận
động thầy cô bám trường bám lớp, nếu có em nào vắng học thì đến nhà tìm
hiểu ngay để vận động em đến trường, không để các em phải bỏ học vì lý
do gì.
(Theo Kenh14)