Nhiều cơ sở giáo dục chỉ đào tạo nghề hoặc trình độ cao đẳng nhưng lại
thông báo cấp bằng cử nhân cho người học sau khi tốt nghiệp.
Lập lờ bằng cấp
Trường ĐH Bách khoa Hà Nội có một số
chương trình đào tạo gọi là cử nhân quản trị tài chính kế toán quốc tế,
cử nhân quản trị tài chính kế toán quốc tế CIMA và cử nhân mỹ thuật đa
phương tiện quốc tế… Theo thông tin quảng bá, các chương trình này tuyển
thẳng thí sinh thi ĐH và xét tuyển dựa trên học bạ của thí sinh tốt
nghiệp THPT. Khi tốt nghiệp, sinh viên sẽ nhận văn bằng được công nhận
trên toàn cầu. Đồng thời chương trình còn tạo cơ hội cho sinh viên có
được các bằng cấp theo hệ thống văn bằng quốc gia.
Theo tìm hiểu, đây là những chương trình đào tạo nghề nghiệp do Trường
ĐH Bách khoa Hà Nội hợp tác với một số đơn vị dạy nghề của nước ngoài
như: Microsoft (Mỹ), CIMA (Anh), Arena (Ấn Độ). Vì vậy khi tốt nghiệp,
người học chỉ được cấp các chứng chỉ nghề nghiệp chứ không phải là văn
bằng cử nhân như tên gọi của chương trình đào tạo.
Không những thế, những chương trình này
chỉ do các đơn vị kinh doanh thuộc Công ty TNHH MTV đầu tư và phát triển
công nghệ Bách Khoa Hà Nội (BK-Holdings) - một hệ thống doanh nghiệp
của Trường ĐH Bách khoa Hà Nội đứng ra tổ chức đào tạo. Sau đó liên kết
với Trường cao đẳng nghề Bách khoa cũng thuộc hệ thống doanh nghiệp của
Trường ĐH Bách khoa Hà Nội để cấp bằng cao đẳng nghề cho người học. Tuy
nhiên, các đơn vị này đã gọi bằng cao đẳng nghề là bằng cử nhân!
Ở một số trường nghề thuộc sự quản lý
của Bộ LĐ-TB-XH cũng gọi chương trình đào tạo nghề là đào tạo cử nhân
hoặc đào tạo cao đẳng thuộc hệ thống giáo dục ĐH của Bộ GD-ĐT. Trường
cao đẳng Nghề mỏ Hồng Cẩm - Vinacomin đã gọi bằng cấp của chương trình
cao đẳng nghề là cử nhân. Trường cao đẳng nghề Kỹ thuật công nghệ LADEC
(TP.HCM) còn gọi chương trình cao đẳng nghề là bậc cao đẳng chính quy!
Thông báo chiêu sinh của trường này ghi rõ: “Học sinh chỉ cần tốt nghiệp
trung học phổ thông hoặc bổ túc văn hóa được tuyển thẳng vào học hệ cao
đẳng chính quy”.
Ông Dương Đức Lân, Phó Tổng Cục trưởng -
Tổng cục Dạy nghề - Bộ LĐ-TB-XH khẳng định: “Các trường đào tạo nghề
chỉ được cấp bằng tốt nghiệp các bậc học nghề như trung cấp nghề, cao
đẳng nghề chứ không phải là bằng cử nhân. Việc gọi tên bằng cao đẳng
nghề là bằng cử nhân là sai hoàn toàn. Các trường cũng không được phép
gọi bậc cao đẳng nghề là cao đẳng vì đây là 2 hệ thống giáo dục khác
nhau. Việc gọi tên lập lờ như vậy để các trường dễ chiêu sinh”.
Đánh lừa người học
Không chỉ có các trường cao đẳng nghề
lập lờ về bằng cấp mà một số trường ĐH, CĐ thuộc hệ thống của Bộ GD-ĐT
cũng gọi bằng tốt nghiệp trình độ cao đẳng là bằng cử nhân.
Trường cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật T.Ư
thông báo chiêu sinh một số ngành học trình độ cao đẳng nhưng lại cho
rằng sinh viên sau khi tốt nghiệp được cấp bằng cử nhân. Các trường khác
như Trường cao đẳng Công nghệ (ĐH Đà Nẵng), Trường ĐH Nội vụ Hà Nội,
Trường cao đẳng Công nghệ Viettronics cũng gọi như vậy. Tại lễ tốt
nghiệp cho sinh viên hệ đào tạo cao đẳng năm 2012, các trường này đã gọi
hệ đào tạo này là cử nhân cao đẳng hoặc gọi sinh viên mới tốt nghiệp là
các tân cử nhân...
Theo quy định hiện hành về mẫu văn bằng
của Bộ GD-ĐT, chỉ có tốt nghiệp ĐH một số ngành mới được gọi là cử nhân.
Đối với bậc cao đẳng, bằng tốt nghiệp của sinh viên là cao đẳng, hoàn
toàn không có bằng nào được gọi tên là cử nhân cao đẳng hay cử nhân cao
đẳng nghề.
Trao đổi về vấn đề này, TS Lê Viết
Khuyến, nguyên Vụ phó Vụ Giáo dục ĐH, Bộ GD-ĐT, khẳng định: “Việc gọi
tên bằng cấp như vậy là vi phạm pháp luật. Luật Giáo dục từ năm 2008 đến
nay, không có quy định cách gọi nào như vậy. Việc cố tình gọi bằng cao
đẳng nghề thành bằng cử nhân là hành vi lừa dối người học cần phải được
chấn chỉnh”.
Quy định tên gọi bằng cấp
Quyết định ngày 31.12.2008 của Bộ LĐ-TB-XH quy định tốt nghiệp cao
đẳng nghề nhận bằng cao đẳng nghề. Thông tư ban hành mẫu bằng tốt nghiệp
ĐH của Bộ GD-ĐT ngày 24.5.2011 quy định: “Đối với ngành y ghi “Bằng bác
sĩ” hoặc “Bằng cử nhân”, ngành dược ghi “Bằng dược sĩ” hoặc “Bằng cử
nhân”, các ngành khoa học cơ bản, sư phạm, luật, kinh tế ghi “Bằng cử
nhân”, các ngành còn lại ghi “Bằng tốt nghiệp đại học”.
Theo GD&TĐ