Cuối tuần qua, đoạn clip với hình ảnh một nùi sán bò lúc nhúc trong những con ốc dừa lan truyền liên tục trên các trang mạng xã hội. Từ góc độ chuyên môn, các chuyên gia cho rằng không phải tẩy chay ốc dừa thì trừ khử được nguy cơ nhiễm sán.
Đoạn clip “ốc dừa lúc nhúc sán” được đưa lên mạng xã hội bởi một người có nickname Sang Nguyen. Người này cho biết: “Hình ảnh và clip là người thật việc thật luôn nhé. Mua 2kg ốc dừa về luộc mới vừa lể vài con thì thấy cái gì lạ lạ. Xem kỹ thì thấy “cái đó” nó nằm sau đuôi con ốc dừa. Sẵn điện thoại đang cầm trên tay quay clip và chụp ảnh lên cho ai là fan ốc dừa xem chơi… cho đỡ thèm”.
Có tới… 350 loài ốc có liên quan!
BS Nguyễn Võ Hinh, thầy thuốc ưu tú, viện Sốt rét – ký sinh trùng – côn trùng Quy Nhơn cho biết ốc nước ngọt là vật chủ trung gian thường gắn liền với các bệnh sán nhiễm qua đường thức ăn gây bệnh ở gan, phổi, ruột người và động vật. Ước tính có tới 350 loài ốc có liên quan đến sức khoẻ con người và động vật. Ốc có thể được phân chia thành hai nhóm chính: ốc thuỷ sinh chỉ sống được dưới nước và ốc lưỡng cư sống được cả trên cạn. Trong đó, nhiều loài là vật chủ trung gian của các loài sán ký sinh ở người như: ốc mút (Melanoides tuberculatus) là vật chủ trung gian của sán lá gan và sán lá phổi; ốc vành tai (Lymnaea swinhoei), ốc chanh (Lymnaea viridis) là vật chủ trung gian của sán lá gan lớn; ốc nhỏ thuộc giống Tricula aperta là vật chủ trung gian của sán máng...
Ốc dừa lúc nhúc sán (ảnh cắt từ clip)
“Mỗi loài sán phát triển trong một loại ốc đặc trưng. Ấu trùng đuôi phát triển ở ốc và cũng có thể bơi lội tự do trong nước, sau đó bám vào một vật chủ trung gian thứ hai hoặc những cây thuỷ sinh để tạo thành nang. Những vật chủ hoặc cây thuỷ sinh này thường là thức ăn của con người như rau cải xoong, rau ngổ, ngó sen, cá hoặc loài giáp xác. Nếu người ăn phải thực phẩm có nang sán, ấu trùng nang phát triển thành sán trưởng thành và gây bệnh”, BS Hinh nói.
Tái hay sống cũng đầy nguy cơ
Theo ThS.BS Lê Thị Tuyết Phượng, trưởng khoa nội tiêu hoá bệnh viện nhân dân 115, TPHCM, người có thói quen ăn thịt tái sống có thể nhiễm ký sinh trùng như: giun xoắn (do ăn thịt heo hoặc thịt động vật hoang dã sống hoặc nấu chưa chín), sán đầu gai (do ăn các động vật mang ấu trùng như cá, tôm, ốc, ếch, lươn, rắn… không nấu chín); sán lá nhỏ ở gan (do ăn cua, cá, thực vật thuỷ sinh sống hoặc nấu chưa chín); sán lá lớn ở gan (do ăn thực vật thuỷ sinh mang ấu trùng); sán lá phổi (do ăn cua, tôm, ốc sống hoặc nấu nướng chưa chín); sán lá ruột (do ăn cá, thực vật thuỷ sinh như rau muống, rau nhút… sống hoặc nấu chưa chín); sán dải heo (do ăn thịt heo mang trứng hay đốt sán dải (heo gạo) sống hoặc nấu chưa chín…
Ngoài ra, ăn thịt tái sống còn có thể bị nhiễm nhiều loại ký sinh trùng khác (gây viêm não, viêm màng não…), bị nhiễm trùng, nhiễm độc cấp tính như thương hàn (do ăn trứng sống, thịt gà, thịt vịt, thịt heo, nghêu, sò, ốc, hến… mang mầm bệnh lại nấu chưa chín), dịch tả (do ăn cá, tôm, cua, sò, ốc… đánh bắt ở nguồn nước ô nhiễm)…
“Món ăn tái sống muốn hấp dẫn thì phải thật bắt mắt. Tuy nhiên, không phải ở đâu cũng có sẵn đồ tươi ngon, vì thế nhiều nơi bán đã giữ cho thịt tươi lâu, có màu đẹp bằng urê, hàn the, muối diêm, formol… gây nguy hiểm trước mắt và lâu dài cho người dùng”, BS Phượng nói.
Chỉ nấu chín kỹ mới an toàn
Để đề phòng nhiễm ký sinh trùng, BS Hinh cho biết cần truyền thông giáo dục sức khoẻ, cảnh báo cộng đồng về các món ăn có nguy cơ nhiễm bệnh. Không ăn các thức ăn thuỷ, hải sản còn sống hay ở trạng thái tái. Sử dụng nguồn nước hợp vệ sinh, không uống nước lã. Khi làm thịt thuỷ, hải sản nên mang găng tay cao su bảo vệ, đề phòng ấu trùng giun, sán có thể chui xuyên qua da. Hầu hết giun sán hoặc trứng và ấu trùng của chúng đều bị tiêu diệt ở nhiệt độ nước sôi nên cần nấu chín thực phẩm. BS Hinh lưu ý: “Dù chế biến thức ăn trong gia đình hay đi ăn uống ở các điểm du lịch, cũng nhất quyết yêu cầu nhà hàng nấu chín kỹ mới ăn”.
Theo BS Phượng, hầu hết các loại ký sinh trùng khi vào cơ thể người không chỉ phát triển trong đường ruột mà còn ở nhiều nơi khác. Vì vậy, để phát hiện không chỉ xét nghiệm phân mà phải sử dụng những kỹ thuật tiên tiến hơn mới có thể chẩn đoán chính xác. Biện pháp xổ giun định kỳ sáu tháng chỉ hiệu quả với các loại giun ký sinh ở người, còn loại ký sinh trùng lạc chỗ thì rất khó bị tiêu diệt. Do vậy, khi có những dấu hiệu bất thường cần đi khám sớm để tránh biến chứng nguy hiểm. “Nên ăn thực phẩm đã nấu chín kỹ để đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Nếu cần phải ăn những món tái sống thì phải ngâm thức ăn vào giấm đậm đặc từ năm tiếng trở lên. Nhiều người chủ quan cho rằng cứ ăn tái sống cho ngon, lỡ bệnh thì chữa. Thực ra, khi đã nhiễm bệnh sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong chẩn đoán và điều trị”, BS Phượng nói.
Theo Sài Gòn Tiếp Thị