5 điều mẹ nhất thiết phải làm để phòng bệnh sởi tốt nhất cho trẻ 17/04/2014 11:11:45
Trong tình hình bệnh dịch đang lây lan mạnh, văc xin tiêm phòng sởi lại đang khan hiếm, các mẹ có thể thực hiện những biện pháp sau đây để bảo vệ cho con mình khỏi bệnh sởi.

Ngày 16.4, Bộ Y tế công bố ca mắc đã lên tới hơn 7.000, bệnh nhân có ở 61 tỉnh, thành phố. Hiện chỉ còn tỉnh Cao Bằng và Hà Giang chưa phát hiện ra ca sởi nào. Lý giải về việc số ca mắc sởi tăng đột biến sau 3-4 ngày, TS Nguyễn Văn Kính – Giám đốc Bệnh viện Nhiệt đới T.Ư cho biết, đó là do Cục Y tế dự phòng vừa cập nhật đầy đủ số liệu ca mắc sởi trên toàn quốc, trước đây chưa cập nhật kịp thời. Đồng thời, bệnh sởi cũng diễn tiến rất nhanh, nếu không có các biện pháp phòng tránh, ngăn chặn kịp thời thì mỗi ngày sẽ có thể có hàng chục, hàng trăm ca mắc.
 
Trả lời báo chí, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến vẫn cho biết, số ca mắc này nằm rải rác ở các tỉnh, thành phố, không tập trung đông. Ngay cả tại Hà Nội, chiếm tới 1/3 số ca mắc sởi (tương đương gần 2.000 ca mắc) tại thời điểm hiện tại nhưng theo bà Tiến, các ca bệnh cũng lẻ tẻ ở các xã phường. Việc có công bố dịch sởi (nhóm B) hay không Bộ Y tế không có quyền quyết định mà thẩm quyền thuộc về chủ tịch UNBD tỉnh, thành phố. Khi chưa có tỉnh, thành nào công bố dịch thì Bộ Y tế chưa thể công bố dịch. Bộ cũng không thể giục giã, yêu cầu các tỉnh công bố dịch được.
 
Ngày 16.4, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã có công điện yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tập trung phòng, chống dịch sởi, chủ động ngăn chặn lây lan dịch, hạn chế thấp nhất số người mắc bệnh và chết do bệnh sởi. Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế tập trung chỉ đạo cấp cứu, điều trị các trường hợp mắc bệnh sởi tại các cơ sở y tế nhằm hạn chế thấp nhất các trường hợp tử vong, ngăn chặn lây chéo trong bệnh viện, khẩn trương dập tắt dịch sởi; tiếp tục theo dõi sát tình hình dịch sởi để có biện pháp chỉ đạo kịp thời cách phòng ngừa bệnh sởi.
 
Triệu chứng của bệnh sởi.
Để phòng ngừa bệnh sởi, tiêm vắc xin sởi là biện pháp phòng bệnh hiệu quả nhất. Để phòng bệnh có hiệu quả, trẻ em cần được tiêm 2 mũi. Mũi thứ nhất được tiêm khi trẻ 9 tháng tuổi, mũi thứ hai được tiêm khi trẻ 18 tháng tuổi.
 
Bác sĩ khuyến cáo, cha mẹ trẻ em cần nâng cao sức đề kháng cho trẻ bằng các tăng cường dinh dưỡng đầy đủ, đề phòng trẻ bị suy dinh dưỡng, cần tăng cường giữ vệ sinh cá nhân, nhà ở sạch sẽ. Khi trẻ em có biểu hiện sốt phát ban kèm theo ho cần đưa trẻ đến cơ sở y tế, bệnh viện gần nhất để khám, chữa bệnh và được tư vấn về phòng bệnh cho trẻ.
 
Trong tình hình bệnh dịch đang lây lan mạnh, văc xin tiêm phòng sởi thì lại đang khan hiếm, các mẹ có thể thực hiện những biện pháp sau đây để bảo vệ cho con mình khỏi căn bệnh đang gây lo ngại trên:
- Vệ sinh cá nhân:
+ Đeo khẩu trang khi tiếp xúc với người bệnh và người nghi bị bệnh.
+ Rửa tay bằng xà phòng sau khi tiếp xúc với người bệnh và người nghi bị bệnh.
+ Che miệng khi ho, hắt hơi.
- Dinh dưỡng hợp lý: uống nhiều nước hoa quả, ăn lỏng, đủ chất dinh dưỡng, không nên kiêng khem quá đáng.
- Cách ly người bệnh để tránh lây lan cho cộng đồng: trẻ em phải nghỉ học, người lớn phải nghỉ làm 5 ngày kể từ khi bắt đầu phát ban.
- Vệ sinh môi trường:
+ Tẩy trùng sàn nhà, đồ chơi trẻ em, dụng cụ, vật dụng của người bệnh bằng dung dịch cloramin B.
- Tiêm ngừa vắc-xin: Những ai chưa được tiêm ngừa vắc-xin sởi từ bé thì nên đi tiêm ngừa, những người đã được tiêm đủ 2 mũi vắc-xin sởi từ bé thì không nên đi tiêm nữa.

Theo soha.vn