Sách "Ôn tập cuối tuần môn toán 1" đánh đố học sinh 29/11/2012 11:45:51
(Theo GDVN) - Lâu nay, người ta vẫn quan niệm SGK là pháp lệnh, không thể sai sót nhưng các bộ sách dành cho học sinh hiện nay chưa đạt đến chuẩn mực mà chúng ta mong muốn.

Ngày 26/11/2012, một bạn đọc đã gửi về Tòa soạn Báo Giáo dục Việt Nam về sai sót trong đề bài môn toán của học sinh lớp 1 của cuốn sách Ôn tập cuối tuần môn toán lớp 1, do Nhà xuất bản Đại học Sư Phạm ấn hành.

Đề bài toán trong trang 45 như sau: Điền mỗi số 1, 2, 3 vào một ô trống để cộng ba số trên ba ô liền nhau đều được kết quả bằng 5. Hình vẽ bao gồm 6 hình tròn, trong đó có 3 hình tròn đã được sách Ôn tập cuối tuần Toán lớp 1 cho sẵn các số 1, 3, 2 theo chiều từ phải qua trái. Như vậy, điền các chữ số 1, 2, 3 vào các ô còn lại cũng không cho ra kết quả ba ô liền nhau bằng 5 được. 

Bìa cuốn sách Ôn tập cuối tuần môn toán 1, tập 1.
Nhận xét về đề bài này, Facebook Hoang Bich Ngoc, cho rằng: “Đề này khó quá, cô giáo chịu thua”. Nickname Khỉ Bông có đưa bài toán này lên Facebook với comment: "Ai giỏi toán giải hộ tớ bài toán lớp 1 này với! Bó tay với giáo dục Việt Nam".  Facebook Bat Luu Danh có ý kiến là nên thay vào các số được SGK in sẵn là ( 1 - 2 - 2) theo chiều từ phải qua trái bằng ( 1- 3 - 2) thì bài toán mới có lời giải đáp cho tổng 3 số trên 3 ô liền nhau có kết quả bằng 5.

Nhận xét về đề bài này GS Văn Như Cương, một nhà giáo Việt Nam, nhà biên soạn sách giáo khoa phổ thông và giáo trình đại học bộ môn hình học, Ủy viên Hội đồng giáo dục quốc gia Việt Nam cho rằng: Với đề bài nêu trên thì sẽ không có đáp số. 

Lý giải về nhận định trên, GS Văn Như Cương chia sẻ: Bởi ô trống thấp nhất nằm giữa hai ô có số 3 và 2 nên không thể điền các số 1, hoặc 2 hoặc 3 vào ô trống đó vì khi đó tổng ba ô sẽ lớn hơn 5. Đối với độc giả đề nghị thay số 3 bằng số 2 trong bài ra cũng chưa ổn, vì khi đó yêu cầu bài ra cũng phải sửa lại là : "Dùng các số 1, 2 và 2 điền vào các ô, chứ không phải dùng các số 1, 2, 3 điền vào các ô”.


Như vậy, với đề bài như trong sách thì sẽ không có câu trả lời nào là đúng cả, điều này đồng nghĩa với việc đề bài có sai sót.


Ảnh chụp từ bài toán.

Lâu nay, người ta vẫn quan niệm SGK là pháp lệnh, không thể sai sót nhưng các bộ sách dành cho học sinh hiện nay chưa đạt đến chuẩn mực mà chúng ta mong muốn. Dù cho bài toán trên có sai sót do khâu nào đi chăng nữa thì đây cũng là điều đáng tiếc, ảnh hưởng đến quá trình giáo dục của học sinh lớp 1.