Học sau ĐH, đặc biệt là thạc sĩ, đã trở thành trào lưu.
Nhiều người đi học chủ yếu để “giữ ghế” chứ không hẳn là nghiên cứu khoa
học
Hai nghiên cứu sinh (NCS) của Trường ĐH Bách khoa Hà Nội mới đây đã
bị trường này cho dừng làm NCS vì không tham gia sinh hoạt học thuật ở
bộ môn, không có báo cáo làm việc định kỳ, không viết báo cáo khoa học.
GS Nguyễn Trọng Giảng, Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, cho
hay quyết định này xuất phát từ đợt kiểm tra đối với các NCS và thạc sĩ
khoa học trong 2 năm 2010 và 2011 của trường. Qua kiểm tra cho thấy có
những trường hợp NCS không thực hiện đúng quy chế làm việc, không có báo
cáo định kỳ và không tham gia sinh hoạt học thuật của bộ môn. Việc này
gây khó khăn cho khâu quản lý NCS của trường cũng như chất lượng đào
tạo.
“Tặc lưỡi” cho qua!
Quy mô đào tạo sau ĐH của các trường ĐH trong những năm gần đây tăng
lên nhanh chóng. Năm 2011, chỉ tiêu đào tạo của ĐH Quốc gia Hà Nội lên
đến 4.000 thạc sĩ (3.355 chỉ tiêu tại đơn vị, 645 chỉ tiêu liên kết),
376 chỉ tiêu đào tạo tiến sĩ, trong khi chỉ tiêu đào tạo ĐH chính quy
của trường cũng chỉ dừng lại ở mức khoảng 5.500. Chỉ riêng đợt 1 tuyển
sinh đào tạo thạc sĩ năm 2012, chỉ tiêu đào đạo của Trường ĐH Giao thông
Vận tải Hà Nội là 1.000 cho cả 2 cơ sở tại Hà Nội và TPHCM.
Chất
lượng đào tạo thạc sĩ cần được nâng cao để đáp ứng yêu cầu của nền kinh
tế phát triển. Ảnh chỉ có tính minh họa. Ảnh: Trương Thúy
PGS-TS Ngô Kim Thanh, Khoa Quản trị kinh doanh Trường ĐH Kinh tế Quốc
dân Hà Nội, cho rằng tình trạng đổ xô đi học thạc sĩ đang trở thành
trào lưu của nhiều người. Tuy nhiên, trái với sự gia tăng mạnh mẽ về số
lượng, chất lượng đào tạo bậc học này có chiều hướng đi xuống. PGS-TS
Thanh dẫn chứng một giảng viên có học vị tiến sĩ, chỉ trong vòng vài năm
có thể hướng dẫn hàng chục thạc sĩ thì không thể có chất lượng cao
được.
Cũng theo PGS-TS Thanh, quy trình đào tạo thạc sĩ của nhiều trường hiện
vẫn theo kiểu hàm thụ vì phần lớn học viên cao học là người vừa đi học
vừa đi làm. Nhiều luận văn có được nhờ công nghệ “cắt dán”, có luận văn
được sao chép gần như hoàn toàn mà không hề bị phát hiện. Nhận xét về
thực trạng các luận án tiến sĩ kinh tế ở các trường ĐH khối kinh tế,
PGS-TS Nguyễn Ngọc Quang, Viện Kế toán - Kiểm toán, Trường ĐH Kinh tế
Quốc dân, cho rằng nhiều NCS chưa thực sự dành tâm huyết cho quá trình
học tập, nghiên cứu viết luận án. Có người đang trong thời gian viết
luận án tiến sĩ nhưng một năm vẫn giảng 1.000 tiết ở một trường ĐH hoặc
tham gia kinh doanh ở một công ty nào đó với doanh thu và số ngày công
cao nhất. Tuy nhiên, rất ít trường hợp NCS “đứt gánh giữa đường”, phần
đông các trường vẫn “tặc lưỡi” cho qua chứ ít khi mạnh tay dừng việc làm
luận án của họ.
Phó mặc cho nghiên cứu sinh
Cũng theo PGS-TS Nguyễn Ngọc Quang, trong thực tế còn nhiều bất cập
đối với cán bộ hướng dẫn NCS. Có những cán bộ không am hiểu lĩnh vực
nghiên cứu mà NCS đề xuất nhưng vẫn chấp nhận hướng dẫn, thậm chí có cán
bộ hướng dẫn trong thời gian được hướng dẫn hoặc 5 năm gần đây chưa bao
giờ công bố một công trình khoa học có liên quan đến hướng nghiên cứu
của NCS, không bao giờ tham gia các đề tài khoa học các cấp, do vậy hoàn
toàn phó mặc cho NCS hoặc lợi dụng sự góp ý của tập thể. Trong khi sinh
hoạt khoa học bộ môn đối với NCS ở các trường ĐH nước ngoài rất được
coi trọng thì ở nhiều trường ĐH ở Việt Nam, sinh hoạt khoa học chỉ là
hình thức. PGS-TS Quang cho hay quy định của Bộ GD-ĐT là NCS phải sinh
hoạt khoa học ít nhất 4 lần/năm nhưng thường một NCS trong quá trình đào
tạo tiến sĩ chỉ sinh hoạt khoa học bộ môn 1 hoặc 2 lần.
Với 3 vòng chấm đối với luận án tiến sĩ, 2 vòng chấm đối với luận văn
thạc sĩ, nhìn bề mặt thì quy trình đánh giá chất lượng luận văn, luận
án ở Việt Nam có vẻ chặt chẽ, tuy nhiên, chất lượng lại rất thấp. PGS-TS
Ngô Kim Thanh cho hay sự thấp kém này một phần xuất phát từ trình độ và
ý thức trách nhiệm của nhiều cán bộ hướng dẫn và sự dễ dãi đối với NCS,
phần khác là do người học không nghiêm túc học tập và nghiên cứu, học
không gắn với hành trong tương lai mà chỉ cần lấy bằng để củng cố vị trí
hiện tại của họ.
(Theo giao duc)