Hội thảo do Bộ GD-ĐT phối hợp Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam tổ chức trong hai ngày 18-19/8 tại Đà Nẵng.
Phải làm ngay trong năm học mới
Đa số các ý kiến đều có chung nhận định, sách giáo khoa
(SGK) Lịch sử hiện nay trình bày dàn trải, la liệt các sự kiện, nặng
nề, nhàm chán; thừa những cái không cần thiết nhưng lại thiếu một số nội
dung cơ bản tiêu biểu. Trong đó, một nội dung quan trọng mang tính thời
sự hiện nay là sự thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ cùng chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa trên biển Đông nhưng SGK cũng không đề cập đến.
Giáo sư (GS) Nguyễn Quang Ngọc, Viện Việt Nam và khoa học phát triển, cho rằng: “Chủ quyền của Việt Nam ở Hoàng Sa và Trường Sa là trang sử bi hùng được viết bằng máu xương của các lớp thế hệ người VN. Tư liệu về quá trình xác lập và thực thi chủ quyền của chúng ta ở Trường Sa
và Hoàng Sa là hết sức phong phú, chuẩn xác, ở cả trong nước và ngoài
nước. Thế mà có cả một thời gian dài vấn đề hiển nhiên và trọng đại này
lại bị coi là “nhạy cảm”, để rồi lịch sử của một đất nước lại không có
lấy một dòng nào về chủ quyền biển, đảo”.
“Ai là người phải chịu trách nhiệm trước cả tiền nhân và hậu thế về sự lệch lạc này của lịch sử đất nước?”, GS Ngọc đặt vấn đề.
GS Phan Huy Lê, Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam,
cho hay: “Hội đã có văn bản kiến nghị với Ban Tuyên giáo, Bộ GD-ĐT...
phải nhanh chóng đưa nội dung về chủ quyền quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa
vào giảng dạy cho học sinh. Nếu lớp trẻ lớn lên không hiểu biết hoặc
hiểu biết rất lơ mơ về vấn đề này thì rất nguy hiểm”. GS Phan Huy Lê
nhấn mạnh: “Không trang bị những kiến thức cơ bản ấy là có tội với thế
hệ trẻ”.
Chính vì vậy, GS Lê cho rằng không thể chờ đến năm 2015, khi chúng ta đổi mới chương trình SGK thì mới đưa nội dung về chủ quyền trên biển Đông của nước ta vào giảng dạy, mà việc này cần phải làm ngay trong năm học tới.
Đây cũng là quan điểm nhận được đa số ý kiến đồng tình của các nhà giáo dạy sử từ phổ thông đến đại học.
GS Nguyễn Thị Côi, Khoa Lịch sử Trường ĐH Sư phạm Hà
Nội, đề nghị ngay trong năm học này, Bộ cần yêu cầu Vụ Giáo dục trung
học soạn thảo và ban hành bằng được bộ tài liệu hướng dẫn dạy học về chủ quyền biển, đảo.
Xung quanh vấn đề này, ông Nguyễn Vinh Hiển, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT cho rằng: “Việc dạy về chủ quyền
biển, đảo đã được đưa vào SGK môn địa lý. Trong kỳ thi tốt nghiệp THPT
và tuyển sinh ĐH, CĐ vừa qua nội dung này cũng có trong đề thi môn địa
và được sự hưởng ứng của dư luận xã hội. Tuy nhiên, do thời điểm viết
SGK vấn đề này chưa đặt ra yêu cầu bức thiết như hiện nay nên dù đã dạy
nhưng chưa đủ. Trước mắt chắc chắn sẽ phải bổ sung vào những môn học phù
hợp, trong đó có môn lịch sử”.
Dạy sử từ những câu chuyện
Tiến sĩ Nguyễn Anh Dũng, Phó viện trưởng Viện Khoa học
Giáo dục VN, và nhóm nghiên cứu đề án đổi mới chương trình giáo dục phổ
thông (Bộ GD-ĐT), đề xuất chính thức dạy môn sử từ lớp 4, lớp 5 bằng
cách tích hợp trong môn tìm hiểu xã hội. Tuy nhiên, những nội dung này
phải được trình bày dưới hình thức câu chuyện lịch sử trực quan, sinh
động.
Ông Lê Tiến Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học (Bộ
GD-ĐT), cũng cho rằng: “Cần dạy sử cho học sinh bằng những câu chuyện,
những hình ảnh. Cách ra đề kiểm tra cũng phải mở để học sinh được bộc lộ
sự hiểu biết, tình cảm của mình”. Ông Thành nêu ví dụ: “Đề kiểm tra cho
học sinh lớp 4 có thể hãy kể về một ông vua, một vị tướng mà em thích
nhất, thay vì bắt học sinh kể về những sự kiện, những con số khô khan
như hiện nay”.
Ở cấp THCS, theo đề xuất đổi mới của nhóm nghiên cứu,
nội dung Lịch sử tích hợp trong môn Khoa học Xã hội. Sau mỗi học kỳ, học
sinh được học ít nhất 2 - 3 chủ đề liên kết giữa các lĩnh vực với nhau.
Đến cấp THPT, môn Lịch sử sẽ được dạy theo chủ đề. Trong đó có những chủ đề bắt buộc và tự chọn.
Theo Thanh Niên