Thực hư việc một giáo viên nước ngoài kêu cứu tại Việt Nam 30/11/2012 16:24:39

Trên trang web của Đại sứ quán (ĐSQ) Philippines kể chuyện một giáo viên đã đến ĐSQ kêu cứu vì “phải sống và làm việc trong điều kiện khắc nghiệt” tại một trung tâm ngoại ngữ có trụ sở ở Hà Nội. Thực hư chuyện này như thế nào?

Bản tin này được chúng tôi lược dịch từ trang web của ĐSQ Philippines, nội dung như sau: Ngày 19-11-2012, ĐSQ Philippines tại Hà Nội đã gặp nhiều trường hợp người Philippines đến Việt Nam du lịch rồi phải sống và làm việc trong điều kiện khắc nghiệt.

Một phụ nữ 32 tuổi người Philippines đến Hà Nội ngày 4-11 để tìm kiếm cơ hội dạy tiếng Anh tại Trường ngoại ngữ Blue Ocean (Blue Ocean Language School). Từ sân bay, người phụ nữ này bị đưa đi cách xa Hà Nội 100km, bị tịch thu hộ chiếu rồi ngay lập tức phải dạy một lớp học khoảng 20 học viên mà không có hợp đồng hay giấy phép lao động.

Cô nói với ĐSQ: “Tôi không được phép đi đâu hết. Từ lớp học, tôi phải trở về phòng mình và khu nhà ở bị khóa kín. Tôi thậm chí còn bị yêu cầu mặc quần áo gợi cảm”. Cô trốn thoát vào ngày 12-11 và tìm cách nhờ ĐSQ giúp kiếm lại hộ chiếu của mình. Theo ĐSQ, đây không phải là trường hợp đầu tiên.

“Tôi khuyên người Philippines muốn làm việc ở Việt Nam nên kiểm tra cẩn thận thông tin về người sử dụng lao động, xem kỹ điều khoản của hợp đồng lao động thông qua những kênh đáng tin cậy như Cơ quan Quản lý lao động Philippines ở nước ngoài (POEA) và phải xin được giấy phép lao động” - theo lời ông Jerril Santos, đại sứ Philippines tại Việt Nam...
ĐSQ Philippines nói rằng việc tuyển dụng giáo viên Philippines phải theo trình tự nhất định nhằm bảo đảm chỉ những ai đủ tiêu chuẩn mới được tuyển. “Chúng tôi cũng mong muốn họ có được điều kiện sống và làm việc thuận lợi tại Việt Nam” - đại sứ Santos nói.

Thông tin kêu cứu của giáo viên trên trang web của ĐSQ Philippines

Hoang mang cho những người mới đến

Cô giáo được nhắc đến trong thông tin cảnh báo trên là Gazelle P. A. đã sang Việt Nam từ ngày 4-11 và được hệ thống ngoại ngữ quốc tế Ocean tuyển dụng (tên của trung tâm ghi trên trang web ĐSQ Philippines không chính xác) đưa về chi nhánh tại Thái Bình dạy tiếng Anh.

Trước đó, cô giáo này đã nhận được một hợp đồng có thời gian một năm được trung tâm trên chuyển qua email ngày 26-9-2012. Theo nội dung hợp đồng này, giáo viên sẽ được hưởng lương 1.200 USD kèm theo phụ cấp gồm tiền làm ngoài giờ, chỗ ăn ở, phí đào tạo. Giáo viên sẽ phải làm việc sáu ngày/tuần. Giáo viên có thể đề nghị làm thêm giờ nhưng không quá tám giờ/ngày và phải đảm bảo làm việc 40 giờ/tuần.

Nội dung gửi qua email cho cô Gazelle P. A. được trung tâm giải thích là “hợp đồng mẫu”. Trong nội dung văn bản gửi cho cô Gazelle P. A., phía trung tâm cũng đưa ra quy định chung: Giáo viên phải có bằng thạc sĩ hoặc cử nhân, có chứng chỉ CELTA/Trinity TESOL hoặc tương đương, kỹ năng nói viết hoàn hảo, có kinh nghiệm ít nhất một năm làm việc tại CELTA, tuổi đời từ 25-45. Mức lương chi trả cho giáo viên 1.000-1.600 USD/tháng tùy theo trình độ và kinh nghiệm.

Theo phản ảnh của cô Gazelle P. A., sau khi tới Việt Nam cô được đưa thẳng về Thái Bình. Do cô đi cùng một người bạn gái và đề nghị trung tâm cho bạn mình ở nhờ nên trung tâm đã tạm cho phép cô giáo cùng người bạn ở tại trung tâm. Ngày 6-11, cô bắt đầu dạy học. Đồng thời, trung tâm cũng cầm hộ chiếu của cô để lo thủ tục cần thiết cho cô ở lại Việt Nam làm việc. Ngày 12-11, cô Gazelle P. A. đã nói với người của trung tâm là phải đi siêu thị, nhưng lại đi Hà Nội để cầu cứu ĐSQ. Sở dĩ phải làm điều này vì cô giáo sợ hãi việc “bị giam lỏng” và “bị thu hồi hộ chiếu”.

Sau khi thông tin trên được đưa lên trang web, một số giáo viên đang có ý định hoặc chuẩn bị bay sang Việt Nam dạy học đã bày tỏ sự lo lắng. Người phụ trách một trung tâm cũng có tên Ocean tại Hà Nội cho biết: Có một số giáo viên người Philippines đang tham khảo thông tin để sang Việt Nam dạy học đã điện thoại cho trung tâm để xác minh câu chuyện trên. Có người đã dừng liên lạc về hợp đồng vì lo lắng.

Ông Nguyễn Văn Thưởng, trưởng phòng nhân sự của hệ thống ngoại ngữ quốc tế Ocean, cho biết: “Mặc dù cô giáo đó dạy cho trung tâm của tôi nhưng tôi chỉ biết được việc cô ấy phản ảnh với ĐSQ khi chính một giáo viên từ Philippines điện thoại cho tôi bày tỏ lo ngại”. Trong khi đó, một giáo viên Philippines nhiều năm dạy học ở Hà Nội cho biết: “Tôi chưa gặp tình huống như cô Gazelle P. A. phản ảnh bao giờ và cũng không biết có đồng nghiệp nào gặp cảnh tương tự”.

Bác bỏ việc ngược đãi giáo viên

Ông Nguyễn Văn Thưởng thừa nhận việc cô Gazelle P. A. đã đến trung tâm và dạy học khoảng một tuần trước khi bỏ đi không báo trước cho trung tâm. Giải thích về việc cô giáo cho rằng mình bị “giam lỏng”, ông Thưởng cho biết: Do không thể có kinh phí thuê nhà riêng cho giáo viên nước ngoài nên ở các chi nhánh đều bố trí giáo viên ở tại trung tâm. Tại trung tâm ở Thái Bình, cửa ra vào là cửa cuốn và chỉ có ba chìa khóa cho người quản lý và hai nhóm giáo viên, nên 3-4 giáo viên chỉ có chung một chìa khóa. Ông Thưởng thừa nhận việc này gây bất tiện cho sinh hoạt của giáo viên khác đang ở tại trung tâm trên nhưng hoàn toàn không phải trung tâm có chủ ý “giam lỏng” giáo viên.

Dẫn chứng cho việc này, người phụ trách nhân sự của trung tâm cho biết cô Gazelle P. A. nói muốn đi siêu thị Big C và không có ai ngăn cản. Nhưng thay vào việc đi siêu thị, cô đã đi Hà Nội.

Ông Thưởng cũng giải thích: Nhiều giáo viên Philippines sang Việt Nam làm việc chỉ có visa C1 dành cho

Sẽ làm việc để “xóa tan các nhầm lẫn”

Ngày 28-11, ĐSQ Philippines cho biết, dự định sẽ nêu vấn đề này một cách chính thức với Bộ Lao động - thương binh và xã hội và Bộ Giáo dục - đào tạo nhằm “xóa tan các nhầm lẫn và quan trọng hơn để họ xem xét vấn đề này.” Sự nhầm lẫn mà ĐSQ Philippines nêu lên ở đây là có khá nhiều cơ sở trùng tên “Blue Ocean” hay “Ocean”. Trong đó có một cơ sở đã liên hệ với ĐSQ để phản hồi sự nhầm lẫn này có thể gây tổn hại uy tín doanh nghiệp của họ. Bà Maria Lourdes Salcedo, bí thư thứ nhất kiêm lãnh sự của ĐSQ, nói họ hi vọng sẽ thảo luận với Bộ Giáo dục - đào tạo về vấn đề này vì giữa Philippines và Việt Nam có thỏa thuận song phương về hợp tác hàn lâm.

khách du lịch. Cơ sở ngoại ngữ tại Việt Nam sẽ lo đổi cho họ từ visa du lịch sang visa loại B3 vốn dùng để cấp cho người vào làm việc với các doanh nghiệp tại Việt Nam. “Thời gian để đổi visa dạng này thường mất một tuần và chi phí khoảng 180 USD hoàn toàn do công ty hỗ trợ. Với trường hợp cô giáo Gazelle P. A., chúng tôi phải giữ hộ chiếu để làm thủ tục chuyển visa và làm giấy phép lao động”.

Trung tâm ngoại ngữ quốc tế Ocean cũng cho chúng tôi xem quy định về trang phục đối với giáo viên. Theo đó, giáo viên nữ được yêu cầu “mặc váy ngắn công sở hoặc quần công sở, áo sơmi hoặc váy dài công sở, mang giày da, dép có quai. Giáo viên nữ không được mang khuyên tai nhiều tầng và khuyên mũi. Các trang phục như quần jean, đồ thể thao, áo hở vai đều không được phép”. “Chúng tôi không thể nào lại bắt giáo viên ăn mặc sexy, khác với truyền thống văn hóa Việt Nam” - ông Thưởng bức xúc cho biết.

Ông Nguyễn Văn Thưởng cho biết trung tâm đã trao trả hộ chiếu của cô Gazelle P. A. cho người của ĐSQ Philippines. Trước đó, cô giáo này cũng tới gặp người đại diện của trung tâm và trình bày “không muốn dạy học nữa”.

Cô Juliet - một giáo viên Philippines từng dạy học ở trung tâm tại Thái Bình, nơi cô Gazelle P. A. đã dạy học một tuần - khi trao đổi với Tuổi Trẻ cũng nói: “Không hề được biết về sự việc như cô Gazelle P. A. phản ảnh”.

Bộc lộ sự quản lý lỏng lẻo

Theo thông tin trên website của ĐSQ Philippines, trường hợp như cô Gazelle P. A. không phải duy nhất mà đó chỉ là dẫn chứng cụ thể cho hiện tượng công dân Philippines sang Việt Nam tìm việc bị một số cơ sở ngoại ngữ đối xử thiếu thiện chí.

Trong khi đó, tại Hà Nội, không chỉ Trung tâm ngoại ngữ quốc tế Ocean mà một số trung tâm khác cho biết: Do nhu cầu học tiếng Anh ở Việt Nam lên cao, việc tuyển dụng giáo viên Âu - Mỹ phải chi trả đắt nên nhiều trung tâm tiếp nhận giáo viên Philippines không đúng trình tự quy định trong việc tuyển dụng lao động là người nước ngoài.

Cụ thể trường hợp cô Gazelle P. A., khi đặt chân đến Việt Nam chỉ có visa C1, theo quy định thì không được phép làm việc kiếm sống tại Việt Nam. Nhưng trung tâm này đã bố trí cho cô giáo đi dạy trước rồi mới tiến hành lo thủ tục đổi visa B3. Cũng theo ông Thưởng, có một số giáo viên Philippines đã ở Việt Nam đến xin việc, trung tâm có thể ký hợp đồng sống (trực tiếp). Nhưng với người chỉ liên lạc qua email thì chỉ có thể thỏa thuận trên cơ sở mẫu hợp đồng chung, trong đó quan trọng là thỏa thuận về mức lương, công việc phải làm. Chỉ khi giáo viên qua Việt Nam, đổi được visa B3 thì trung tâm mới có thể ký lại hợp đồng và làm thẻ lao động (giấy phép lao động tại Việt Nam do sở lao động - thương binh và xã hội các tỉnh thành cấp). Đây cũng là điều khiến cô Gazelle P. A. thắc mắc khi “đi dạy mà không có hợp đồng”. Trường hợp chỉ có visa C1 nhưng vẫn được trung tâm ngoại ngữ ở Việt Nam nhận dạy khá phổ biến.

Cách làm tắt trên khiến việc quản lý giáo viên nước ngoài tại các trung tâm ngoại ngữ ở Việt Nam rất lỏng lẻo. Không chỉ quyền lợi của giáo viên khó đảm bảo nếu gặp phải trung tâm không đàng hoàng, mà chính các trung tâm cũng không quản lý và ràng buộc được giáo viên như thỏa thuận ban đầu.

(Theo Tuổi trẻ)