Ẩn họa “đồ ăn nhanh” tại cổng trường học 13/09/2013 17:17:15
Năm học mới bắt đầu cũng là lúc hàng loạt các dịch vụ ăn theo mùa tựu trường bắt đầu đi vào hoạt động và mọc lên như nấm. Trong số đó, dịch vụ cung cấp đồ ăn nhanh hay còn được các teen gọi với cái tên mỹ miều là “búp phê vỉa hè” luôn thu hút lượng thực khách rất lớn.
 
Những bàn tay để trần bốc đồ ăn, ai dám chắc những món ăn đó đủ an toàn?
 
Đầu độc con trẻ

Dạo một vòng quanh các trường tiểu học, THCS, THPT trên địa bàn Hà Nội vào giờ tan trường chắc hẳn mọi người không hề lạ lẫm với cảnh chen lấn xô đẩy nhau mua những đồ ăn đã được làm sẽ ngoài vỉa hè sát ngay tại cổng các trường học.

Theo khảo sát của phóng viên, các đồ ăn được bày bán ở cổng trường đa số là những đồ đã được các chủ gánh hàng sơ chế sẵn, chỉ đợi đến giờ học sinh chuẩn bị tan trường “xào nấu” lại là có thể ăn được ngay.

Theo đó, những mặt hàng được bán nhiều nhất là: xúc xích, nem chua, bánh rán, bò bía, bò khô, bánh mỳ kẹp, kem ốc quế … còn nước uống kèm theo đa số là cocacola chai nhựa, trà đá đóng hộp, nước mía túi và nước đậu nành…

Theo quan sát của phóng viên, những đồ ăn này thường đẫ được bóc trần hoặc đóng hộp sẵn nên không còn nhãn mác nơi sản xuất cũng như nơi cung cấp. Còn những người bán hàng đại đa số khi chế biến đều rất mất vệ sinh.

Chỉ cần 1 bếp ga nhỏ, một chiếc kẹp sắt kèm theo đó là loại mỡ đóng can có màu trắng đục là đã đủ đồ hành nghề. Khi chế biến, để nhanh chóng chiều lòng các “thượng đế” nhí, các chủ gánh hàng đều tay trần “bóc bánh” chứ không hề có gang tay hay bất cứ thứ gì che bụi bặm.

Trong vai một người mua đồ ăn cho em trước khi tan trường, phóng viên thắc mắc về chất lượng đồ ăn cũng như việc làm ko đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm thì được một người làm bò bía “di động” bán tại cổng trường Nguyễn Bỉnh Khiêm (Cầu giấy) cằn nhằn: “ Tí chúng nó ùa ra như ong vỡ tổ, đeo gang tay vướng víu ai mà làm kịp. Bao nhiêu ngày tháng tôi bán như thế, bao nhiêu đứa ăn có làm sao đâu. Cẩn thận thế tự về nhà làm lấy mà ăn mua ở đây làm gì”.

Tuy thái độ bán hàng như vậy, nhưng khi tan trường số học sinh quay quanh hàng bò bía vẫn rất đông và giá mỗi cái bò bía loại trung là 5.000 đồng.
Những em nhỏ luôn được cha mẹ cho tiền mua đồ ăn vì...sợ con đói
 
Phụ huynh sợ con đói

Để tìm hiểm nguyên nhân vì sao các đồ ăn trước cổng trường nhìn rất mất vệ sinh nhưng lại được rất nhiều học sinh ưa chuộng, phóng viên đã bắt chuyện và được một em học sinh lớp 5 tên Tuấn Anh, trường tiểu học Dịch vọng B (Cầu giấy) tiết lộ: “ Ngày nào cũng thế, cứ học xong là cháu lại ra cổng trường mua cái gì đó ăn hôm thì xúc xích, hôm thì thịt xiên nướng hoặc hoa quả … mỗi hôm mẹ cho cháu 10 ngàn, bảo tan học mua gì ăn đợi cho đỡ buồn mồm để đợi mẹ đến đón. Nhưng mẹ dặn chỉ được mua đồ ăn chứ không uống nước ở ngoài cổng trường”.

Theo giải thích của Tuấn Anh, thì: “ Mẹ cháu có dặn, nước cổng trường toàn nước lã, với lại sợ họ bỏ thuốc mê vào nước rồi bắt cóc …”, chưa nói dứt lời, thấy mẹ Tuấn Anh chạy ra, và được mẹ “dằn mặt” ngay: “Từ sau không được nói chuyện với người lạ”, chưa kịp lại giải thích thì mẹ Tuấn Anh đã phóng xe đi mất.

Đối với con trẻ thì vậy, còn những bậc phụ huynh thì lại có nỗi lo khác khi “cố đấm” mua đồ ăn ở cổng trường cho con sau giờ tan học.

Anh Hoàng Quốc Trung, trú tại Khu tập thể Nghĩa Tân, cho biết: “Mặc dù nhà gần, nhưng khi tan học, khi thấy các bạn được bố mẹ mua quà vặt cho nên cũng đòi mua bằng được. Không mua thì cháu khóc, cháu kêu đói, nên tôi đành lòng mua cái gì đó cho con chứ tôi biết, những đồ ăn đó chẳng béo bổ gì”.

Khác với anh Trung, chị Bích Duyên (Quan Hoa, Cầu giấy) thì cho rằng: “ Cháu nó học suốt mấy tiếng đồng hồ, tan trường nên mua gì cho chúng ăn lót dạ, vì mình đón con về xong mới nấu ăn chứ có đồ ăn ngay đâu. Khi mua thì nhìn hàng nào sạch, ưng ý và ngon thì mua chứ có phải chỉ có 1 hàng bán đồ ăn đâu mà sợ”.

Chính vì tâm lý trên của các ông bố, bà mẹ đang vô hình dung tạo thói quen xấu không chỉ cho con em mình mà còn làm mất mỹ quan đô thị, mỹ quan trường học. Không chỉ có vậy, việc ăn uống không hợp vệ sinh còn gây ra rất nhiều hệ lụy đối với sức khỏe, ảnh hưởng đến quá trình học tập của con trẻ.
 
Theo VietQ