Ở thôn Cha, xã Ngọc Sơn (Lạc Sơn, Hòa Bình) có một cao nhân chữa bệnh rắn độc cắn bằng phương pháp rất kì lạ.
Chỉ với vài lá trầu không, mấy quả cau và chút gừng tươi, đặc biệt không thể thiếu là chiếc ống nứa “thần”, cùng những hơi thổi đầy huyền bí, người bị rắn độc cắn sẽ thoát khỏi lưỡi hái tử thần. Người có liều thuốc đặc biệt đó là “Thần y” Bùi Văn Nưng, vốn đã từ lâu nức tiếng cả một vùng sơn cước.
Chữa trị rắn độc cắn với phương pháp kì lạ
Tìm đến thôn Cha – Lạc Sơn – Hòa Bình, hỏi đường về nhà ông thầy chữa rắn cắn ở xã Ngọc sơn không khó, bởi danh tiếng về tài nghệ chữa rắn cắn của ông Bùi Văn Nưng được rất nhiều người địa phương biết đến. Chúng tôi đến nhà trong khi gia đình ông đang nghỉ trưa. Thấy có khách lạ, nghĩ có người đến nhờ chữa bệnh, bà vợ vội vàng gọi ông dậy. Thật đúng với danh hiệu “thần y chốn núi rừng”, trước mặt chúng tôi là ông lão có mái tóc bạc như cước, da dẻ hồng hào, giọng nói ấm lạ dù đã ngoài bảy mươi. Nghe chúng tôi bày tỏ muốn tìm hiểu về cách thức chữa rắn độc cắn, ông vui vẻ chia sẻ, ông chữa rắn cắn không phải bằng thuốc, mà bằng “thuật”. Bởi ông chỉ dùng một chiếc ống và những lá trầu, quả cau, củ gừng để chữa trị cho người bị rắn độc cắn. Tuyệt nhiên không dùng bất kì loại thuốc uống hay bôi nào, cũng chẳng mổ xẻ gì như người ta vẫn thường làm.
Theo quan sát của chúng tôi, đồ nghề để ông chữa rắn độc cắn gồm một cái ống nứa dùng để thổi chỉ dài khoảng 30cm, lá trầu, quả cau, củ gừng ngoài ra thì không thấy gì đặc biệt cả. “Bí quyết của nó nằm ở những câu thần chú, mà chỉ có người được truyền nghề biết và hiểu được, ngoài ra không thể cho ai biết nữa cả”, ông Nưng lý giải. Ông Nưng bật mí phương pháp chữa bệnh của mình. Mỗi lá trầu, ông chia thành 5 phần mỗi phần thành 5 miếng, dù lớn nhỏ đều phải tách theo đường gân của lá trầu, còn quả cau phải bổ thành 5 miếng, rồi chia thành 5 phần. “Mỗi phần phải để 1 miếng cau, một lát gừng, 5 miếng trầu của một lá rồi mới lấy vôi phết vào 5 phần và gói lại. Sau đó, thổi đều đều 5 lần mỗi lần lại 5 lượt thổi, khi thổi phải nín một hơi dài. Nếu bệnh nhân bị rắn cắn ở chân thì phải thổi “đón” từ đầu xuống, đó là nguyên tắc không thể thay đổi được”, ông Nưng chia sẻ phương thức chữa bệnh.
Ông Nưng tâm sự với phóng viên. Ảnh T.G
Theo ông Nưng thì 5 lần thổi đầu tiên phải dài hơi. Sau đó, dùng phần trầu đã thổi đắp lên chỗ rắn cắn, nghỉ lấy hơi một tí ông mới làm tiếp, cứ tiếp tục như thế ông thổi tổng cộng là 25 lần. Kết thúc quá trình chữa trị, một hồi sau người bệnh sẽ tự trở lại trạng thái bình thường, các nọc độc sẽ dần biến mất. Với cách chữa trị như trên, dù người hoặc con vật bị rắn độc cắn có nặng đến đâu thì khi được ông chữa sau tầm hơn 1 tiếng đồng hồ là khỏe lại.
Ông Nưng chia sẻ bí quyết chữa rắn độc cắn đã được truyền qua nhiều đời và ông được cha mình truyền lại. Điều đặc biệt khi học nghề này vào những ngày 30 và mùng 1 Tết thì cực kỳ linh nghiệm. Theo quan niệm của người dân tộc Mường sống ở đây, những ngày đâu xuân nếu chia sẻ với ai điều gì thì người đó sẽ nhận được ngay, vì vậy thời gian đầu năm mới học là hiệu nghiệm nhất. Ông Nưng cũng cho biết nguồn gốc của “thuật” thổi này là do tổ tiên đời trước học được bên người Lào sau đó được các bậc “truyền nhân” truyền từ đời này sang đời khác.
Với sức mạnh thần bí từ việc dùng ống nứa thôi, có thể thấy công dụng chữa trị rắn cắn cực kỳ hiệu quả, tuy nhiên đến nay vẫn chưa một ai lý giải được vì sao “thuật” dùng ống nứa thổi lại có “sức mạnh” ghê gớm đến vậy. Chỉ biết rằng, với phương pháp thần kì đó ông Nưng đã trị khỏi cho rất nhiều người bị rắn cắn, gia đình ông Khảm và những người dân thôn Cha kiểm chứng. Từ khi cụ thân sinh qua đời, ông Nưng trở thành người duy nhất tiếp nối nghề gia truyền chữa trị rắn độc cắn. Điều khiến làng trên, xóm dưới nể phục tài nghệ của ông là không những chỉ chữa trị rắn cắn cho người, mà ông còn chữa được cho trâu, bò khi bị rắn độc cắn.
Làm phúc cứu người không màng danh lợi
Nếu tính thời gian, ông Nưng đã hơn 45 năm chữa bệnh rắn độc cắn để cứu người. Khoảng thời gian đó, ông không nhớ là đã chữa khỏi cho bao nhiêu người bị rắn độc cắn. Chưa có trường hợp nào ông Nưng chịu “bó tay”, nan giải đến mấy miễn là người còn ấm là ông đều cứu được. Tiếng lành đồn xa, không chỉ có người trong làng, trong xã, mà các huyện lân cận, người nhà và bệnh nhân bị rắn độc cắn đều tìm đến gặp ông để mong được cứu lấy mạng sống.
Với ông rắn là loài động vật hoang dã, trừ khi bị săn đuổi hoặc đột ngột gặp người nó mới tấn công lại để tự vệ. Những người không may bị rắn độc cắn nếu không kịp thời cứu chữa thì nguy cơ tử vong rất cao. Mỗi khi ở đâu có người bị rắn cắn, ông Nưng chẳng quản đường sá xa xôi, vẫn có mặt kịp thời và đúng lúc để kéo lại mạng sống cho người bệnh. “Cách đây mấy năm, có người ở huyện Kim Bôi mời tôi đến chữa bệnh cho một anh bị rắn hổ mạng cắn trong lúc đi làm nương. Người ta đã đến mời, thì tôi không thể từ chối khi mình đang khỏe. Khi tôi đến nơi, vết thương của anh thanh niên bắt đầu phát nặng, mạch đập rất yếu. Tôi nhanh chóng lấy đồ nghề và tôi bắt đầu thổi trầu. Tôi thổi một lúc, thì anh thanh niên ấy bắt đầu kêu đau quằn quại. Tôi nghĩ, thế là mình đã chiến thắng, vì nếu càng thổi mà anh ấy không cảm thấy đau thì mới là lo. Còn ngược lại, người bị rắn cắn mà nhờ tôi chữa phải thấy đau chạy xuống đầu ngón chân, ngón tay thì mới khỏi”, ông Nưng tâm sự.
Những thứ ông Nưng dùng chữa trị bênh rắn cắn. Ảnh T.G
Chúng tôi tìm gặp anh Thắng, người cùng xã với ông bị rắn cạp nia cắn hồi tháng 4 vừa rồi được ông Nưng trị khỏi. Anh Thắng kể: “Trong lúc đi làm đồng, tôi bị rắn hổ mang cắn vào đầu ngón chân, toàn thân tê dại, xung quanh vết rắn cắn bị thâm đen. Được người nhà cõng tới nhà bác Nưng, với ống nứa và 5 lá trầu, 1 quả cau, 1 củ gừng bác Nưng đã chữa khỏi cho tôi. Gia đình tôi rất biết ơn cứu mạng của bác”. Anh Thắng chia sẻ thêm rằng: “Bác Nưng chữa rắn cắn không phải vì vật chất, tiền bạc mà bác chỉ giúp đỡ mọi người trong lúc gặp khó khăn, hoạn nạn thôi”.
Ông Nưng tâm sự: Cái nghề này thật ra là nghiệp tạo phúc, nếu không có tâm, chẳng thể làm được gì cả. Mặc dù đã cứu nhiều người thoát khỏi tay thần chết nhưng chưa bao giờ ông Nưng màng đến danh lợi hay hậu tạ của gia đình nạn nhân. Với ông Nưng, chữa rắn cắn ông không xem là một nghề mưu sinh mà đó là cái tâm làm phúc, cứu người. Những người đưa người thân bị rắn cắn đến nhờ ông cứu không được nhắc đến chuyện trả ơn. Ông chỉ coi như họ gặp nạn đến xin thuốc của tổ tiên mình nên nhiệt tình giúp chứ không màng đến vật chất.
Giờ đây, mặc dù đã ngoài bảy mươi, ông Bùi Văn Nưng vẫn tận tâm cứu chữa những người bị rắn độc cắn. Trong căn nhà sàn của gia đình, ông dành riêng một nơi để đặt chiếc giường cho những người đến nhờ ông chữa trị có chỗ ngả lưng và sau khi chữa bệnh được nghỉ ngơi. Bước sang tuổi 70 của cuộc đời, ông Nưng đã quyết định truyền nghề chữa rắn độc cắn cho những người con của mình. Trải qua nhiều đời, gia đình ông đã giúp cho không biết bao nhiều người thoát khỏi lưỡi hái tử thần. Đối với ông, cứu một người là làm phúc cho một người, làm phúc cho càng nhiều người thì tâm càng thanh thản.
Trao đổi với chúng tôi, ông Bùi Văn Dương chủ tịch xã Ngọc Sơn cho biết: “Nghe tiếng ông Nưng chữa bệnh rắn độc cắn lâu rồi, đây là một phương pháp của các cụ ngày xưa, việc chữa bệnh này cũng đang là một bí ẩn chưa ai giải thích được. Trong và ngoài xã cũng có nhiều người tìm đến nhờ ông nhờ chữa trị khi bị rắn độc cắn. Trên thực tế ông Nưng đã chữa khỏi cho rất nhiều bệnh nhân cho nên khi bị rắn độc cắn đã có nhiều người đến nhờ ông ấy chữa trị”.
Theo soha.vn