Những cột mốc phát triển quan trọng khi bé 3 tháng tuổi 16/05/2014 13:44:28
Có một sự kiện mà bố mẹ sẽ khó có thể quên xảy ra vào thời điểm con được 3 tháng tuổi, đó là nụ cười "toàn lợi" không thể nào đáng yêu hơn. Và giờ đây bé đã làm được khá nhiều thứ rồi đấy, bạn đã thấy con mình lớn nhanh thế nào chưa?

Các mốc phát triển chính

Tại thời điểm này, bé đã biết cách làm trái tim bạn tan chảy với những nụ cười đáng yêu và vô cùng ấm áp. Bé cũng đã có thể hưởng ứng và tham gia vui đùa với bạn tích cực hơn, khiến bạn phải bật cười vì những trò bắt chước biểu cảm khuôn mặt bạn của bé. Bé cũng bắt đầu biết bập bẹ và bắt chước tiếng kêu mà bạn tạo ra.

Ảnh: Gettyimages.

Bạn cũng không cần phải đỡ đầu của bé nữa. Khi nằm sấp, bé đã có thể nhấc đầu và ngực khỏi mặt sàn, và thậm chí còn có thể nâng người lên một chút giống như đang tập hít đất vậy; đây chính là giai đoạn bé chuẩn bị biết lật (hay lẫy) để chuyển tư thế từ nằm sấp sang ngửa và ngược lại. Bé đã có thể xoè và nắm bàn tay theo ý mình, lắc đồ chơi, đập tay vào những món đồ chơi treo, cho tay vào miệng, và dậm chân “đòi đứng” khi bạn bế đứng bé trên đùi mình.

Sự phối hợp tay – mắt của bé đã cải thiện đáng kể. Bạn sẽ thấy bé chăm chú nhìn theo vật thể mà bé quan tâm và có thể nhìn ngắm khuôn mặt tập trung hơn. Bé cũng đã có thể nhận ra bạn từ cuối phòng.

Vai trò của bố mẹ:

Đừng lo, bạn không thể làm hư bé! Hãy luôn đáp lại bé ngay khi bé ọ ẹ gọi mẹ, điều đó khiến bé cảm thấy được an toàn và yêu thương. Bạn có thể dạy con học cách tự trấn an bản thân bằng cách mút ngón tay hoặc cho bé một cái núm ti giả.

Hãy tiếp tục xem việc tập nằm sấp cho bé là một phần thói quen hàng ngày để bé được luyện tập các kỹ năng và trui rèn các cơ bắp. Khi cho con nằm sấp, bạn hãy đưa cho bé những món đồ an toàn để tập với, giữ và khám phá.

Bạn cũng dành cho con thật nhiều sự quan tâm và âu yếm. Trò chuyện với bé trong suốt cả ngày, nói cho con nghe về việc bạn đang làm và gọi tên những đồ vật quen thuộc. Và bạn cũng nên đọc sách cho con nghe, ôm ấp con, chơi trò chơi và khích lệ bé lật người, nhặt đồ chơi và trò chuyện lại với bạn.

Những dấu hiệu “báo động đỏ”

Mỗi em bé phát triển theo tốc độ riêng, nhưng bạn nên tham vấn bác sỹ nếu em bé 3 tháng tuổi của bạn có các dấu hiệu sau:

- Không thể tự nâng đỡ đầu mình;
- Không thể nhặt đồ vật;
- Không thể tập trung vào những vật thể chuyển động;
- Không biết cười;
- Không phản ứng với các tiếng động lớn;
- Phớt lờ những khuôn mặt lạ;
- Tỏ ra rất khó chịu với người hoặc môi trường lạ.

Theo webtretho.com