Các nhà khoa học ĐH California (Mỹ) đã phát hiện ra rằng cơ thể
con người xem thịt đỏ như là một “kẻ ngoại xâm” và đã kích hoạt một đáp ứng
miễn dịch độc hại.
Hàng thập kỉ nay thịt đỏ như thịt heo, cừu, bò được cho là có liên
quan đến ung thư. Ăn nhiều thịt đỏ làm tăng nguy cơ mắc các khối u ác tính. Tuy
nhiên, đây là lần đầu tiên các nhà khoa học biết được lý do vì sao.
Họ phát hiện ra, thịt đỏ có chứa một loại đường gọi là Neu5Gc mà
cơ thể con người không thể sản sinh một cách tự nhiên. Do đó, khi con người ăn
thịt đỏ, cơ thể sẽ kích hoạt một đáp ứng miễn dịch đối với loại đường lạ này,
tạo ra những kháng thể gây viêm nhiễm và cuối cùng dẫn đến ung thư.
Nhưng tại sao các loài động vật ăn thịt khác cũng ăn thịt đỏ lại
không sao? Là bởi vì hệ thống miễn dịch của chúng không được kích hoạt vì loại
đường Neu5Gc đã có sẵn trong cơ thể chúng.
Các nhà khoa học của ĐH California đã thí nghiệm trên những con
chuột được thiết kế về mặt di truyền để chúng không thể tự sản sinh được đường
Neu5Gc. Kết quả cho thấy chuột đã phát triển những khối u ác tính khi chúng ăn
đường này.
GS Ajit Varki (ĐH California) cho biết: “Để có kết luận cuối cùng
ở người thì khó khăn hơn. Tuy nhiên nghiên cứu này giúp giải thích mối liên hệ
của việc ăn thịt đỏ với các bệnh tiến triển nặng do tình trạng viêm nhiễm mãn
tính như: tiểu đường típ 2, xơ vữa động mạch. Tuy nhiên, với những người trẻ
tuổi, một lượng thịt đỏ vừa phải lại là một nguồn dinh dưỡng tốt. Chúng tôi hy
vọng nghiên cứu này cuối cùng sẽ tìm ra được giải pháp thực tiễn cho vấn đề nan
giải này”.
Thịt đỏ rất giàu protein, vitamin và khoáng chất. Tuy nhiên nếu ăn
quá nhiều thì sẽ không tốt cho sức khỏe về lâu dài. Các chuyên gia sức khỏe đề
nghị không nên ăn quá 70g một ngày, tương đương với 3 lát thịt heo, một miếng
thịt cừu hoặc 2 lát thịt bò nướng mỗi ngày.
Theo Hương Thùy (Pháp luật TP.HCM/Telegraph)